Đủ các cấp tòa vẫn... 'hòa' vụ kiện đất

Bà Bảy và ông Cường (Bác - cháu) chỉ vì mảnh đất 90m2 mà cạn hết tình bác cháu. Ảnh: TL
Bà Bảy và ông Cường (Bác - cháu) chỉ vì mảnh đất 90m2 mà cạn hết tình bác cháu. Ảnh: TL
TPO – Vụ tranh chấp đất đai trong gia đình kéo dài suốt 10 năm, trải qua ba cấp tòa vẫn chưa có hồi kết, làm người trong cuộc mệt mỏi. Ông nói gà, bà bảo vịt, còn tòa thì... quay vòng xử tiếp.

> Chuyện về 'cuốn sổ đỏ' 400 năm tuổi
> Khuyến nghị sửa Luật Đất đai để kiểm soát tham nhũng

Bà Bảy và ông Cường (Bác - cháu) chỉ vì mảnh đất 90m2 mà cạn hết tình bác cháu. Ảnh: TL
Bà Bảy và ông Cường (Bác - cháu) chỉ vì mảnh đất 90m2 mà cạn hết tình. Ảnh: TL.

10 năm kiện đất, mất tình

Vụ việc xảy ra trong nội tộc gia đình cụ Nguyễn Danh Bé (SN 1908), trú tại đội 8, xóm Quê, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Nguyên đơn là bà Phí Thị Bảy (SN 1934), trú tại đội 6, xóm Quê. Bị đơn là anh Nguyễn Bá Cường (SN 1967), cùng trú tại đội 6.

Theo cáo trạng, vợ chồng cụ Bé sinh được hai con là bà Nguyễn Thị Thìn (mẹ đẻ anh Cường) và ông Nguyễn Danh Lâm (chồng bà Bảy). Sau khi vợ mất, cụ Bé lấy cụ Đàm Thị Dúi, sinh được ba con là bà Dậu, bà Tuất, ông Mùi.

Cụ Bé tạo dựng được bốn khối tài sản gồm: bốn gian nhà trên sáu thước đất mua từ năm 1948 (bà Bảy đang quản lý); ba thước đất vườn mua của cụ Năm Tân, năm thước đất vườn mua của cụ Năm Thỉnh và khoảng một sào đất, trên xây dựng nhà bốn gian (hiện bà Nguyễn Thị Dậu cùng các con quản lý).

Cả bốn thửa đất này của cụ Bé đã được Ủy ban hành chính tỉnh Hà Đông (cũ) cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất số 1338 năm 1956.

Năm 1952, ông Lâm kết hôn với bà Bảy, ở chung với cụ Bé và cụ Dúi. Năm 1959, ông Lâm, bà Bảy được bố mẹ cho ra ở riêng tại thửa đất sáu thước trên có nhà bốn gian, do hai cụ xây dựng từ năm 1958 (không có văn bản pháp lý). Sau đó, hai cụ Dúi và Bé về sống ở khu Bãi cùng bà Dậu từ năm 1959 cho đến khi hai cụ qua đời.

Hai thửa đất còn lại gồm: ba thước đất vườn mua của cụ Năm Tân và năm thước đất vườn mua của cụ Năm Thỉnh, để trồng cây ăn quả.

Năm 1967, ông Lâm đi bộ đội và hi sinh năm 1968. Sau khi ông Lâm hi sinh, bà Bảy cùng các con quản lí tài sản do cụ Bé và cụ Dúi đã cho (bằng miệng) vợ chồng bà. Việc tranh chấp đất đai bắt đầu nảy sinh từ đây.

Theo bà Bảy, năm 1974, bà đem đổi hai thửa đất (trong số ba thửa được bố mẹ cho) lấy một thửa của ông Chung cùng xóm, nay là thửa số 155, tờ bản đồ số 4, diện tích 180,4m2 đứng tên bà Bảy trong sổ địa chính xã Dương Liễu năm 2000 (Sổ địa chính năm 1986 là thửa số 42, tờ bản đồ số 3, diện tích 162m2 đứng tên bà Bảy).

Còn anh Cường cho rằng, năm 1971, anh được ông bà ngoại đón về nuôi, khi mới bốn tuổi.

Năm 1991, do sức ép của nội tộc, bà Bảy đồng ý để cụ Bé và cụ Dúi xây ba gian quán bán hàng trên một phần đất trong thửa số 155. Anh Cường được hai cụ giao cho quản lý ba quán đó.

Năm 1993, hai cụ Bé và Dúi lập di chúc tại cơ quan công chứng là huyện Hoài Đức với nội dung phân chia tài sản cho con cháu, trong đó cho anh Cường một phần đất thuộc thửa số 155 và tài sản trên phần đất đó.

Năm 2000 cụ Bé mất, năm 2002 cụ Dúi qua đời. Tháng 6/2013, anh Cường có đơn đề nghị UBND huyện Hoài Đức cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ba gian quán mà các cụ giao cho thì xảy ra tranh chấp. Bà Bảy có đơn dề nghị UBND huyện Hoài Đức giải quyết.

Ngày 4/1/2005, UBND huyện Hoài Đức ra quyết định số 01/QĐ-UB công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp đối với toàn bộ thửa đất của gia đình bà Bảy. Anh Cường có đơn khiếu nại, đến ngày 4/4/2006, UBND huyện Hoài Đức ra quyết định số 1178 hủy bỏ quyết định số 01/QĐ-UB ngày 4/1/2005 với lý do việc tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Bà Bảy khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết buộc anh Cường trả bà 85,6m2 đất anh Cường đang quản lý, sử dụng.

Đủ các cấp vẫn chưa xong

Trải qua các cấp xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm rồi giám đốc thẩm), vụ tranh chấp vẫn chưa ngã ngũ.

Phía nguyên đơn chỉ cung cấp được các tài liệu liên quan đến vụ kiện gồm: Biên bản tóm tắt cuộc họp gia đình ngày 16/8/1991 (bản phô tô); Biên bản hòa giải không thành ngày 27/8/2003 tại UBND xã Dương Liễu (bản phô tô); Di chúc ngày 18/8/1993 (bản phô tô); Quyết định số 01/QĐ-UB ngày 4/1/2005 của UBND huyện Hoài Đức (bản phô tô); Quyết định số 1178/QĐ-UB ngày 4/4/2006 của UBND huyện Hoài Đức (bản phô tô); Công văn số 562/UBND ngày 17/2/2006 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ, bản phô tô) và trích lục bản đồ ngày 12/9/2006 (bản gốc).

Bà Bảy và các con đều khẳng định trước tòa là đất đai có được do cụ Nguyễn Danh Bé cho nhưng chỉ bằng miệng và không có giấy tờ chứng minh ngoài di chúc năm 1993.

Tòa án cấp phúc cho rằng, nguồn gốc đất này là của vợ chồng cụ Bé nên di chúc của cụ Bé, cụ Dúi lập năm 1988 và năm 1993 đã định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữa của hai cụ là di chúc hợp pháp. Cho đến trước khi lập di chúc năm 1988 và 1993, cụ Bé chưa định đoạt tài sản cho ai bằng một văn bản pháp lý nào.

Trong khi đó, Tòa tối cao cho rằng, tòa phúc thẩm không xem xét nguồn gốc đất; quá trình sử dụng, kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất; người đứng tên sử dụng đất; nội dung biên bản cuộc họp gia đình nói trên, là chưa đủ căn cứ.

Cũng theo Tòa tối cao, Tòa sơ thẩm xác định diện tích đất đang tranh chấp thuộc quyền sử dụng của bà Bảy, nhưng khi buộc vợ chồng anh Cường trả đất cho bà Bảy lại không xem xét đến nhu cầu ở của gia đình anh Cường là không đảm bảo quyền lợi của anh Cường.

Do đó, cần phải hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm và bản án dân sự phúc thẩm để xét xử lại vụ án.

Mới đây, tại phiên tòa sơ thẩm (vòng 2) ngày 20/3/2013, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phía nguyên đơn là chị Nguyễn Thị Mai, chị Nguyễn Thị Dung, chị Nguyễn Thị Minh đều đề nghị Tòa án giải quyết buộc anh Cường phải trả đất cho gia đình bà Bảy theo quy định của pháp luật.

Trong diễn biến thời gian tranh tụng, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phía bị đơn là anh Nguyễn Bá Cường, Nguyễn Bá Nam (bà Nguyễn Thị Thìn ủy quyền), bà Nguyễn Thị Dậu, chị Danh Thị Hà đều đề nghị Tòa án chấp nhận di chúc của cụ Bé, cụ Dúi để cho con cháu được hưởng phần tài sản của hai cụ, trong đó có gia đình anh Nguyễn Bá Cường.

Ngoài ra, anh Cường và anh Nam đề nghị Tòa án yêu cầu phía nguyên đơn cung cấp bằng chứng pháp lý chứng minh mảnh đất bà Bảy đòi của anh Cường là do bà Bảy mua được hay ai cho và giấy tờ chứng minh cho việc mua bán, cho tặng đó? Tuy nhiên, phía nguyên đơn không đưa ra được bất kỳ bằng chứng pháp lý nào.

Hội đồng xét xử sơ thẩm lần thứ ba tại TAND huyện Hoài Đức cho rằng, bản di chúc của hai cụ Bé và Dúi lập năm 1993 đúng pháp luật về hình thức, song về nội dung có phần không hợp pháp. Do đó, mảnh đất thuộc thửa số 155 (hiện gia đình anh Cường đang quản lý) vì trước đây hai cụ đã cho vợ chồng bà Bảy, ông Lâm nên hai cụ định đoạt tài sản cho anh Cường trong di chúc chỉ có hiệu lực đối với phần nhà do hai cụ xây dựng trên đất đó. Nay bà Bảy đòi lại mảnh đất trên là hoàn toàn phù hợp với quy định tại điều 258 của Bộ luật dân sự nên được Tòa chấp nhận.

Qua xác minh, hiện nay, gia đình anh Cường không có nơi ở nào khác nên cần giao phần đất 41,5m2, có căn nhà cấp bốn cho gia đình anh Cường tiếp tục sử dụng và thanh toán giá trị đất cho bà Bảy. Phần đất còn lại buộc anh Cường phải trả lại cho bà Bảy.

Cuối cùng, tòa sơ thẩm quyết định buộc anh Cường phải trả lại bà Bảy và các thừa kế của ông Lâm (gồm chị Mai, chị Dung, chị Minh) 44m2 đất thuộc thửa số 155 (tờ bản đồ số 4 của UBND xã Dương Liễu lập năm 2000) và các công trình có trên đất. Bà Bảy và các hợp đồng thừa kế của ông Lâm phải thanh toán giá trị công trình có trên đất của anh Cường là 16,6 triệu đồng.

Giao cho gia đình anh Cường tiếp tục sử dụng 41,5m2 đất và các công trình có trên đất tại thửa số 155 như trên. Gia đình anh Cường phải trả cho bà Bảy và các hợp đồng thừa kế của ông Lâm giá trị quyền sử dụng 41,5m2 đất là 2.075.000.000đ, đối trừ các khoản phải thanh toán còn lại là 2.058.400.000đ.

Nguyên đơn và bị đơn có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án…

Gia đình anh Cường kịch liệt phản đối bản án mà tòa sơ thẩm đưa ra tiếp tục kháng cáo lên cấp cao hơn.

Theo Viết
MỚI - NÓNG