Không trồng rừng vẫn làm đường bảo vệ
Theo hướng dẫn thực hiện, Dự án phải làm hoàn thành các công trình lâm sinh trước (tức là là trồng, phục hồi rừng xong) mới cho làm công trình xây dựng để bảo vệ rừng trồng. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên Tiền Phong, nhiều địa phương, các công trình đường được xây dựng tràn lan, thậm chí có nơi không có hoạt động lâm sinh vẫn được đầu tư xây dựng công trình.
Tại xã Đa Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa), Dự án hỗ trợ xây dựng tuyến đường dân sinh kết nối trục liên thôn khoảng hơn 2km bằng bê tông với giá trị khoảng 9 tỷ đồng. Hiện nay, tuyến đường này cơ bản đã xong. Đây là con đường làm giữa cánh đồng trồng lúa, cách xa đê và khu rừng phòng hộ ven biển Đa Lộc.
Báo cáo kết quả thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án ban hành ngày 22/3 của Bộ KH&ĐT chỉ rõ, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, hoạt động trồng rừng sẽ kết thúc trong năm 2023 và hoạt động chăm sóc sẽ thực hiện đến năm 2026 để đảm bảo thành rừng. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT vẫn đưa các hoạt động hướng dẫn kỹ thuật lâm sinh cho các loài chưa được hướng dẫn thực hiện các năm 2023, 2024, 2025; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn về giống cây trồng thực hiện các năm 2023, 2025; các lớp tập huấn, hội thảo thực hiện các năm 2024, 2025, 2026. Bộ KH&ĐT đề nghị rà soát làm rõ sự cần thiết, căn cứ pháp lý phải đầu tư các hoạt động trên. Trường hợp không thuyết minh được căn cứ pháp lý, đề nghị không đưa nội dung này vào dự án điều chỉnh.
Tại xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa, Thanh Hóa), Dự án triển khai trồng mới hơn 13ha rừng ngập mặn. Lãnh đạo địa phương cho hay, tại xã đã triển khai nâng cấp, xây dựng 4 tuyến đường giao thông. Hiện nay đã có một tuyến đường hơn 1km nâng cấp, cải tạo và kè kênh hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ngoài ra, trong xã còn có 2 tuyến đường đang được triển khai trong khu dân cư được thiết kế thảm nhựa và một tuyến khác ngoài khu nuôi trồng thuỷ sản cũng đang được triển khai. Tổng mức đầu tư 4 tuyến đường khoảng 24 tỷ đồng.
Tại xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu, Nghệ An), một tuyến đê kè biển dài khoảng 500m trị giá hơn 10 tỷ đồng cũng mới được hoàn thành. Ông Nguyễn Văn Tuệ, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương, cho hay, đây là công trình do Dự án đầu tư. Trước đây, đoạn kè này đã bị cơn bão số 10 năm 2017 đánh sập. Đáng chú ý, xã Quỳnh Lương không có hoạt động lâm sinh theo phê duyệt. Như vậy, so sánh với thiết kế dự án cho tỉnh Nghệ An ban đầu, đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt…, dự án đầu tư sai địa điểm.
Theo tài liệu thu thập được, một số địa phương khác như xã Nghi Quang (huyện Nghi Lộc); phường Quỳnh Dị, Quỳnh Lộc (Thị xã Hoàng Mai); xã Diễn Vạn, (huyện Diễn Châu); phường Trung Đô (TP. Vinh); xã Tiến Thủy (huyện Quỳnh Lưu) cũng không có hoạt động trồng, phục hồi rừng theo chương trình của Dự án nhưng đều được thụ hưởng các gói nâng cấp, cải tạo các tuyến đường giao thông đi ra khu vực rừng phòng hộ có từ trước.
Xây dựng vượt định mức, chỉ một nhà thầu tham gia
Xã Đông Hưng (Tiên Lãng, Hải Phòng) cũng được thụ hưởng một công trình xây dựng là tuyến đường dẫn ra khu rừng của xã. Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hưng Nguyễn Văn Toản cho hay, tuyến đường này đang triển khai thì gặp vướng mắc trong giải phòng mặt bằng do đi qua bờ đầm của một số hộ dân khai phá trước đây. Tuyến đường dài khoảng 1,7km. Ngoài ra, trên địa bàn xã có tuyến kè, mở rộng đê biển dài khoảng 3km tiếp nối với xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng).
Các công trình dân sinh tại Hậu Lộc, Thanh Hóa |
Trước đó, Ban Quản lý dự án các công trình NN&PTNT Hải Phòng thông báo mở thầu công khai qua mạng các gói thầu xây lắp của Dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển Hải Phòng, mỗi gói thầu chỉ có 1 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu.
Cụ thể, gói thầu Cải tạo, nâng cấp 10 tuyến đường giao thông phục vụ sản xuất, dịch vụ từ rừng ven biển xã Vinh Quang, xã Đông Hưng (huyện Tiên Lãng) trị giá hơn 51,6 tỷ đồng. Gói thầu Cải tạo, nâng cấp 7 tuyến đường giao thông phục vụ sản xuất, dịch vụ từ rừng ven biển phường Bàng La (quận Đồ Sơn) trị giá 20,33 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, Dự án hỗ trợ 47 gói nâng cấp cơ sở hạ tầng quan trọng phục vụ sản xuất, chế biến, tiếp thị hàng hóa, dịch vụ từ khu rừng ven biển với giá trị đầu tư không quá 600.000 USD (khoảng 13 tỷ đồng)/gói cho các xã tại 47 huyện thuộc vùng dự án.
Bộ NN&PTNT là cơ quan Chủ quản Dự án và chịu trách nhiệm chung đối với việc triển khai mọi hoạt động của dự án. UBND các tỉnh, thành phố thực hiện dự án là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn. Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp được giao làm chủ dự án có trách nhiệm quản lý, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của Ban Quản lý dự án Trung ương và chịu trách nhiệm toàn diện trong quản lý và tổ chức thực hiện dự án theo quy định của pháp luật, hiệp định vay và quyết định đầu tư. Đồng thời, Ban là chủ đầu tư với phần việc do Ban Quản lý dự án Trung ương thực hiện.