Dự án nghi “ăn” hối lộ lớn cỡ nào?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Dự án nghi ngờ có quan chức nhận tiền “lại quả” hơn 16 tỷ đồng của Cty JTC, có giá trị lên tới hơn 44.000 tỷ đồng.

Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1: Ngọc Hồi - Yên Viên) được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 12/2/2004. Cho tới nay, dự án này đã tiếp nhận 2 khoản vay ODA của Nhật Bản, với tổng giá trị 21,271 tỷ yên. 

Dự án chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Quyết định đầu tư tháng 10/2008, với tuyến đường sắt trên cao đoạn Giáp Bát - Gia Lâm (dài 15,36km) và Tổ hợp Ga Ngọc Hồi (dài 3,85km). 

Tổng mức đầu tư là 19.460 tỷ đồng (gồm 13.972 tỷ vay ODA Nhật, còn lại là đối ứng của Việt Nam). Dự án do Tổng Cty Đường sắt làm chủ đầu tư; quản lý dự án là Ban quản lý các dự án Đường sắt (RPMU), tiến độ dự kiến từ năm 2008 đến 2017. 

Hiện tại, Việt Nam đã ký hiệp định vay vốn Nhật Bản lần 1 với giá trị 4,683 tỷ yên (khoảng 965 tỷ đồng) cho công tác thiết kế kỹ thuật và hỗ trợ đấu thầu. 

Việc đấu thầu chọn tư vấn thực hiện vào tháng 4/2008, trúng thầu là liên doanh do Cty Tư vấn Giao thông Nhật (JTC) đứng đầu, với các công ty Nhật khác (gồm JARTS, JRC, JEC, KOKEN) và các Cty Tư vấn Việt Nam (gồm Cty TRICC, TEDI và TEDI-South), viết tắt là liên danh JKT. 

Giá trúng thầu hơn 2,8 tỷ yên, và hơn 320 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi thực hiện có một số thay đổi, phát sinh, giá trị hợp đồng điều chỉnh tăng lên hơn 3,6 tỷ yên và hơn 236 tỷ đồng, thời gian thực hiện kéo dài thêm 11 tháng (đến hết tháng 10/2012).

Hiện, tư vấn đã cơ bản hoàn thành thiết kế, nhưng do vướng cầu vượt sông Hồng (thay thế cầu Long Biên) chưa được duyệt. Do đó, thiết kế toàn tuyến vẫn chưa được phê duyệt. Hợp đồng tư vấn đã giải ngân được khoảng 80% tiền yên và 69% tiền đồng (giá trị hợp đồng còn lại hơn 705,3 triệu yên và gần 72,4 tỷ đồng).

Giai đoạn 2a được phê duyệt đầu tư tháng 12/2012 (đoạn Giáp Bát - Ngọc Hồi dài 5,649 km) và kết nối với giai đoạn 1. Tổng mức đầu tư là 24.825 tỷ đồng (gồm 75,667 tỷ yên và 4.477 tỷ đồng). Đã vay ODA Nhật 16,588 tỷ yên. 

Tổng Cty Đường sắt đã tổ chức đấu thầu gói tư vấn thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2a, đơn vị trúng thầu vẫn là liên doanh do Cty JTC đứng đầu. Hiện đang giai đoạn thương thảo tài chính, dự kiến ký hợp đồng trong tháng 7/2014.

Ngoài dự án trên, Cty JTC còn tham gia khá nhiều dự án về hạ tầng giao thông ở Việt Nam, hầu hết là các dự án đường sắt. Ví dụ như: Năm 2005, công ty này liên doanh với Cty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) và Cty Dịch vụ kỹ thuật đường sắt Nhật Bản để cung cấp gói dịch vụ tư vấn an toàn đường sắt tuyến Hà Nội - TPHCM. 

Năm 2009, JTC tham gia liên doanh nghiên cứu, đề xuất lựa chọn công nghệ xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam; JTC cũng tham gia liên doanh tư vấn dự án thay thế 7 cầu yếu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam… Chủ đầu tư các dự án này đều là Tổng Cty Đường sắt.

Sau khi có thông tin Cty JTC “lại quả” 80 triệu yên (khoảng 16 tỷ đồng), và nghi vấn liên quan tới dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1), Bộ GTVT đã yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng giải ngân theo hợp đồng đã ký (với JTC); đồng thời, tạm dừng thương thảo tài chính hợp đồng tư vấn thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2a đối với JTC.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.