Ở cách trung tâm TP Vinh chỉ chừng 1km, những căn nhà cấp 4 cũ kỹ nằm khuất trong những rặng tre, cỏ dại um tùm. Con đường dẫn vào khu nhà các hộ dân này bằng đất rải đá dăm lổn nhổn bên cạnh những hồ nước đen kịt, bốc mùi hôi. Mùa lũ nhà cửa ngập hơn 1m, người dân phải dùng thuyền di chuyển. Mùa nắng, gió thổi bụi bay mù mịt.
Dự án đường Lê Mao kéo dài. Phần nhà cửa, cây cối rậm rạp là điểm sẽ giải tỏa để thực hiện giai đoạn hai. |
Căn nhà cấp 4 của gia đình ông Trần Đức Trường (trú khối tân Phượng, phường Vinh Tân, TP Vinh, Nghệ An) được xây dựng từ 35 năm trước đến nay đã xuống cấp, hư hỏng nhiều chỗ.
“Không chỉ gia đình tôi, mà nhiều nhà khác đã cũ, xuống cấp trầm trọng nhưng không thể xây dựng, cơi nới. Nhiều cuộc họp tiếp xúc cử tri, người dân được hứa hẹn năm sau sẽ di dời, nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì”, ông Trường chia sẻ.
Ông Trường sở hữu khu đất rộng 1.600 m2 nhưng không thể tách thửa để chia cho bốn người con trai. Ông hiện sống cùng con trai thứ hai, ba người con khác đã đi thuê chỗ khác ở. “Gia đình muốn làm giấy tờ, sửa chữa nhà cửa cái gì cũng khó khăn”, ông Trường nói.
Những căn nhà cấp 4 cũ kỹ nằm khuất trong những rặng tre, cỏ dại um tùm. |
Ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Nga (38 tuổi, con dâu ông Trường), là căn phòng rộng gần 30m2, ẩm thấp, nhiều lần chị muốn sửa chữa để có không gian thoải mái hơn, nhưng không được chính quyền duyệt đề xuất. Bên trong nhà chỉ đủ đặt chiếc giường, tủ nhôm cùng một số vật dụng. Góc bếp bố trí bên cạnh bậc thềm, sát cửa ra vào, chỉ đủ đặt bếp gas và vài cái nồi.
“Các con đã lớn, muốn có không gian riêng cho chúng học tập và sinh hoạt nhưng đành bất lực. Tôi đi làm thuê thời vụ, để kiếm tiền mua đất ở khu vực khác rồi xây nhà là không thể. Ai cũng muốn được đi tái định cư sớm để bớt khổ”, chị Nga tâm sự.
Bà Hường chia sẻ về những khó khăn gặp phải |
Ngồi trong căn nhà cấp bốn với mái ngói thủng lỗ chỗ được che tạm bằng những tấm gỗ ép, bà Nguyễn Thị Hường (87 tuổi, trú khối Tân Phượng, phường Vinh Tân) liên tục lấy tay lau mồ hôi.
“Mái thủng, nắng chiếu xuống khiến nhà nóng ran, tôi muốn sửa nhà, lắp điều hòa cho mát, song không thể do vướng quy hoạch. Còn mùa mưa lũ, nước dâng cao chúng tôi phải chạy đi sơ tán”, bà Hường cho hay.
Những căn nhà tạm bợ, chờ tái định cư |
Dự án đường Lê Mao kéo dài được thi công từ năm 2008, với điểm đầu giao cắt với đường Trần Phú, điểm cuối là sông Vinh, tổng cả tuyến dài 1,5 km. Công trình được đầu tư theo hình thức BT (hợp đồng xây dựng, chuyển giao), do một công ty ở Hà Nội làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, thi công được 1 km, chính quyền đang làm thủ tục giải phóng mặt bằng đoạn hai thì chính sách đầu tư BT bị dừng lại, phải chuyển sang đầu tư công. Theo phương án ban đầu, doanh nghiệp đã có quỹ đất bố trí cho các hộ dân bị ảnh hưởng được tái định cư xung quanh đó. Song khi chuyển sang đầu tư công, TP Vinh gặp khó khăn về vốn nên dự án phải dừng lại.
Những căn nhà được xây dựng cách đây hơn 30 năm nay đã xuống cấp, hư hỏng nhiều chỗ. |
Theo tính toán, nơi ở hiện nay của các hộ dân có diện tích giải phóng mặt bằng hơn 18.000 m2. TP Vinh từng dự kiến bố trí khu đất tái định cư tại phường Trung Đô, song người dân không đồng ý. Các cuộc họp sau đó, chính quyền đề xuất nơi ở mới tại phường Hưng Đông, Nghi Phú..., cách điểm hiện tại 6-7 km, song cũng không nhận được sự đồng tình của người dân.
Mỗi khi mưa xuống, đường dẫn vào nhà dân biến thành sông, phải dùng thuyền di chuyển. |
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng TP Vinh, cuối tháng 5/2023, thành phố đã có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường Lê Mao kéo dài giai đoạn hai, với tổng vốn hơn 139 tỷ đồng cho 500m còn lại. Trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 59 tỷ đồng, dự kiến triển khai năm 2024.