Kỷ lục về đất đai, và các quyết định phê duyệt
Thông tin ban đầu: Công ty TNHH Xây dựng Thống Nhất có trụ sở chính tại tỉnh Ninh Bình vốn chuyên về công trình giao thông. Sau một thời gian hoạt động trên lĩnh vực này ở Quảng Trị, ngày 2/3/2011, công ty được cấp giấy phép cho một dự án có diện tích “khủng” ở giữa núi rừng nhưng lại cách Quốc lộ 9 khoảng 1 cây số, đường đi thuận tiện.
Theo giám đốc công ty này, ông Vũ Hữu Sử, dự án có tên là “Khu du lịch văn hóa tâm linh, an dưỡng cao cấp và bảo tồn sinh thái tự nhiên Tuyền Lâm”(gọi tắt là Khu văn hóa tâm linh Tuyền Lâm), được duyệt theo Quyết định số 401/UBND-TM của UBND tỉnh Quảng Trị dưới thời ông Nguyễn Đức Cường làm Chủ tịch tỉnh. Cũng theo ông Sử, dự án có tổng diện tích nghiên cứu khổng lồ tới 3.900 ha, trong đó có 1.100 ha xây dựng khu tâm linh. Khu vực này có các ngọn núi đá vôi mà dân bản địa thường gọi là lèn, như Lèn Một (1), Lèn Đôi (2) và Lèn Ba (3)...
Theo điều tra của chúng tôi, trước đó vào năm 2010, trong một dự án khác, chỉ riêng ở Lèn Một, Công ty Thống Nhất của ông Sử đã được UBND tỉnh Quảng Trị quyết định giao đất nhưng là để xây dựng bãi tập kết, dự trữ đá nguyên liệu và chế biến đá, với diện tích hơn 19,2 ha. Trong đó tại xã Cam Tuyền là khoảng 16 ha, ở xã Hướng Hiệp là 3,3 ha; mục đích sử dụng là đất sản xuất, kinh doanh, thời hạn sử dụng 50 năm (đến năm 2060 mới hết hạn) với hình thức nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất.
Tiếp đến, ngày 25/2/2011, Công ty TNHH xây dựng Thống Nhất có văn bản đề nghị xin được lập dự án và xây dựng “Khu du lịch văn hóa tâm linh, an dưỡng cao cấp và bảo tồn sinh thái tự nhiên Tuyền Lâm”. Khoảng một tuần sau, ngày 2/3/2011, UBND tỉnh Quảng Trị có Công văn số 401/UBND-TM về việc lập quy hoạch khu du lịch sinh thái. Theo đó UBND tỉnh đồng ý chủ trương để Công ty TNHH Thống Nhất nghiên cứu lập quy hoạch Khu du lịch sinh thái và bảo tồn thiên nhiên tại xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông và xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ.
Ngày 7/5/2011, UBND tỉnh Quảng Trị có Quyết định số 894/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu chức năng Khu du lịch văn hóa tâm linh, an dưỡng cao cấp và bảo tồn sinh thái tự nhiên Tuyền Lâm ở huyện Cam Lộ và huyện Đakrông.
Công trình được ưu ái chưa từng có, đất đai mênh mông, quy mô được vẽ ra rất hoành tráng nhưng thực tế thì trái ngược, “đầu voi đuôi chuột”. Từ khi triển khai năm 2011 đến nay, công ty này chỉ mới làm đường nội bộ, xây dựng đền chính, ngôi nhà rường có tường bằng sỏi cuội, tượng Phật bà Quan Thế Âm Bồ Tát, tượng Thích Ca Mâu Ni và một số công trình nhỏ khác, rồi im ắng. Chỉ có nhân viên bảo vệ được thuê là người dân địa phương có mặt thường xuyên, cũng đã thay đến ba lượt bảo vệ như thế.
Cho đến nay ở tỉnh Quảng Trị và nhiều địa phương khác hiếm có dự án nào có diện tích đất đai “khủng” như vậy, chưa kể thủ tục tiến hành nhanh chóng đến mức kỷ lục.
Kỷ lục, nhưng phạm pháp
Theo tài liệu, chứng cứ của chúng tôi có được, thật bất ngờ và đáng lên án là có hai công trình vi phạm pháp luật, đó là tượng Phật Bà Quan Thế Âm và tượng Phật Thích Ca vì không có giấy phép xây dựng của cơ quan chức năng. Vậy mà Công ty Thống Nhất vẫn rình rang chuyện xác lập “kỷ lục quốc gia” coi phép nước như trò đùa.
Ngay cả đền thờ chính dù đã được Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị cấp phép (việc cấp phép này có đúng pháp luật hay không xin bàn sau) cũng đã làm không đúng vị trí trong giấy phép xây dựng đã được cấp.
Còn nhà rường có tường xây bằng sỏi cuội, được ông Vũ Hữu Sử cho hay là công ty đã tận dụng nạo vét sông Hiếu nhằm khơi thông dòng chảy, tận dụng sỏi cuội để xây nhà. Nhưng khi chúng tôi đến phía nam sông Hiếu đoạn đi vào dự án, kiểm tra thấy nước ở đây sâu bất thường. Hỏi ra, nghe người dân địa phương ta thán: Đấy là do công ty Thống Nhất nạo vét lấy đá sỏi rất nhiều, giờ để lại hậu quả như vậy. Trước đây, chúng tôi đi lại dễ dàng, nay thì nguy hiểm nếu lỡ hỏng chân mà không biết bơi. Nhìn nhận điều này, ông Nguyễn Thành Công, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cam Lộ cũng đồng tình với ý kiến người dân địa phương.
Ông Nguyễn Trường Khoa, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị, khi trao đổi với chúng tôi còn cho biết thêm một thông tin “động trời” đáng giật mình. “Công ty Thống Nhất triển khai dự án tâm linh ngay trên khu vực đất mà trước đó Sở đã cấp phép cho nghiền sàng vật liệu xây dựng. Thực chất, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa cấp phép cho công ty này để xây dựng công trình tâm linh”, ông Khoa cho biết.
Một điều khó hiểu đó là tháng 3/2017, tỉnh Quảng Trị từng lập đoàn liên ngành để kiểm tra về đại dự án tâm linh này. Báo cáo kết luận kiểm tra đã chỉ ra nhiều sai phạm của dự án. Tuy nhiên, chẳng hề có biện pháp xử lý nào, và mọi thông tin về cuộc kiểm tra vẫn nằm trong vòng bí mật...