Dự án 'Gặp gỡ một người Do Thái'

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Giải đáp các thắc mắc và xóa bỏ các định kiến” là dự án khuyến khích mọi người ở Đức tìm hiểu và thay đổi suy nghĩ về cộng đồng người Do Thái. Dự án ra đời vào thời điểm tội phạm nhắm vào người Do Thái đang ở mức cao kỷ lục.

Háo hức giơ tay xin phép phát biểu, Niklaus, 11 tuổi hồn nhiên nhận xét về hai tình nguyện viên người Do Thái tới gặp em và các bạn cùng lớp tại một trường học ở Berlin. “Em cứ tưởng là sẽ gặp một giáo sĩ Do Thái già, không phải phụ nữ trẻ như các chị”, em nói.

Dự án 'Gặp gỡ một người Do Thái' ảnh 1

Một số vật dụng đặc trưng của người Do Thái

Đó là những bình luận ngây thơ một học sinh tiểu học sẽ nói và cũng chính là tư tưởng định kiến mà “Gặp gỡ một người Do Thái” - một dự án mới do chính phủ Đức tài trợ - đang cố gắng thay đổi. Các bạn cùng lớp Niklaus tại trường Sophie Scholl cười khúc khích trước câu hỏi của em.

“Không cần suy nghĩ quá nhiều đâu. Các em cứ hỏi bất cứ điều gì nảy ra trong đầu mình”, Karina, sinh viên ngành tâm lý học 18 tuổi - một trong số 350 tình nguyện viên người Đức gốc Do Thái trong dự án nói. Tính cách vui vẻ, cởi mở của tình nguyện viên Karina giúp các em học sinh nhỏ tuổi bớt nhút nhát hơn. “Đây là một cuộc trò chuyện. Tôi sẵn sàng đón nhận mọi câu hỏi trên đời. Tôi tin rằng những người theo tín ngưỡng khác có quyền tồn tại và cần được đối xử với sự tôn trọng và khoan dung”, cô nói.

Dự án 'Gặp gỡ một người Do Thái' ảnh 2

Karina (phải) và một tình nguyện viên khác tại buổi “Gặp gỡ người Do Thái” tại một trường học ở Berlin

“Gặp gỡ một người Do Thái”, được điều hành bởi Hội đồng Trung tâm của người Do Thái ở Đức, có mục tiêu mở rộng quan điểm về Do Thái giáo và cuộc sống của người Do Thái thông qua các cuộc gặp gỡ thoải mái và gần gũi. Kế hoạch này được triển khai từ năm ngoái. Đã có hơn 500 sự kiện như vậy đã được tổ chức tại trường học các cấp, trường đại học, câu lạc bộ thể thao và nhiều cơ sở khác nhau. Hơn 75 năm sau khi sự kiện Holocaust kết thúc (Cuộc diệt chủng người Do Thái của Phát xít), kế hoạch này có ý nghĩa quan trọng và hợp thời. Tội phạm căm thù nhắm vào người Do Thái đang ở mức cao kỷ lục ở Đức, trong khi các phát biểu sỉ nhục người Do Thái trên mạng đang tăng vọt. Các nhà tổ chức của dự án không làm việc với những nhóm công khai phân biệt người Do Thái.

Các tình nguyện viên của chương trình - từ 14 tuổi trở lên - cố gắng tạo một cuộc thảo luận thẳng thắn và thân mật với người nghe, thay vì chỉ dàn dựng một bài giảng sư phạm. Bằng cách truyền tải bản sắc Do Thái đa diện và hiện đại, họ hy vọng sẽ xóa bỏ các định kiến phân biệt và giúp đưa người Do Thái Đức vượt ra ngoài ký ức quan trọng, nhưng đôi khi hạn chế về Holocaust.

“Hình ảnh người Do Thái ở Đức thường rất trừu tượng. Nó hầu như luôn gắn liền với Holocaust, hoặc chủ nghĩa bài Do Thái hoặc các cuộc thảo luận về chính trị của Israel. Kết quả là phần lớn nước Đức không thể hình dung hoặc liên hệ với cuộc sống của người Do Thái. Nhưng trong thực tế, chúng tôi là một xã hội vô cùng đa dạng”, bà Mascha Schmerling, điều phối viên của dự án cho biết.

Các tình nguyện viên, thường luôn làm việc theo cặp, được đào tạo trong các cuộc hội thảo cuối tuần, bao gồm các chủ đề như Do Thái giáo, Israel và chủ nghĩa bài Do Thái, cũng như các kỹ năng hùng biện và xử lý xung đột. Ngoài việc chuẩn bị cho các sự kiện gặp mặt, nó cũng giúp các tình nguyện viên khám phá và củng cố bản sắc Do Thái của riêng họ.

Những cuộc gặp mặt này thường tạo ấn tượng lâu dài - và nhiều bài học đã được rút ra. Chẳng hạn, rất ít học sinh biết rằng tính Do Thái chỉ được thừa hưởng từ người mẹ. hay chỉ có đàn ông mới mặc kippah. Tuy nhiên, thông điệp quan trọng là bất cứ ai trên đường phố, bất kể ngoại hình hay cách hành xử của họ, đều có thể là người Do Thái.

“Tôi nghĩ rằng họ sẽ kể một số câu chuyện đời buồn và mọi thứ sẽ rất khô khan nhưng hoàn toàn không phải như vậy”, Ida - một học sinh nói.

Cô Layla El-Kassem, giáo viên môn đạo đức lớp 8 của trường đồng tình: “Khuyến khích bọn trẻ hỏi điều gì đó mới rất thú vị. Chúng được học về lòng khoan dung, nhưng đồng thời chúng cũng phải tự hỏi vì sao mình từng có những định kiến như vậy”.

Nhưng ngay cả khi năm 2021 đánh dấu kỷ niệm 1700 năm người Do Thái xuất hiện ở Đức, sự thiếu hiểu biết về người Do Thái Đức vẫn còn rất nhiều. Chỉ 0,2% dân số Đức là người Do Thái, và theo một cuộc khảo sát được công bố năm ngoái, gần một nửa dân chúng chưa bao giờ tiếp xúc với người Do Thái. Bối cảnh nạn phân biệt gia tăng ở Đức đã khiến những vấn đề đó trở thành trọng tâm. Số liệu thống kê gần đây nhất của chính phủ cho thấy tội phạm bài Do Thái đang ở mức cao kỷ lục kể từ khi cảnh sát Đức bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 2001. Có 2275 tội phạm như vậy vào năm ngoái và 55 trong số đó là hành vi bạo lực. Hơn thế nữa, Viện Đối thoại Chiến lược phát hiện ra rằng nội dung căm thù người Do Thái trực tuyến đã tăng gấp mười ba lần ở Đức chỉ trong một năm.

“Dự án “Gặp gỡ một người Do Thái” cho thấy rằng chúng ta vẫn còn rất xa so với chuẩn mực”, ông Michael Brenner, giáo sư về lịch sử và văn hóa Do Thái tại Đại học Munich cho biết. “Chúng ta không nên chỉ nói về sự tàn phá cuộc sống của người Do Thái trong lịch sử, mà cả về những gì từng có trước đây, những gì không bị phá hủy, và những gì ngày nay có”.

Ông cho biết thêm: “Mặc dù đã 75 năm kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai và thảm họa Holocaust, người Do Thái ở Đức vẫn bị coi là một điều gì đó khác biệt. Định kiến chính về người Do Thái, cũng như với nhiều nhóm người thiểu số khác, là họ có ngoại hình và cách cư xử khác biệt. Nhưng khi bạn thực sự gặp một người, bạn sẽ nhận ra rằng họ không khác bạn và tôi nhiều”.

MỚI - NÓNG