Theo quy hoạch, đường vành đai 2,5 sẽ bắt đầu từ Khu đô thị Tây Hồ Tây, đi qua đường Nguyễn Văn Huyên - đường Dương Đình Nghệ - Trung Kính - Hoàng Đạo Thúy - đường trục Khu đô thị Khương Đình - Khu đô thị Định Công - Kim Đồng - Tân Mai - điểm cuối là Đền Lừ.
Song song với quy hoạch đường vành đai 2 và đường vành đai 3, đường vành đai 2,5 sẽ là tuyến giao thông huyết mạch, giúp giảm tải mật độ giao thông đang quá cao hiện nay.
Năm 2002, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án đầu tư tuyến đường Đầm Hồng - Giáp Bát trên địa bàn huyện Thanh Trì (nay là quận Hoàng Mai) nhằm giải tỏa lưu lượng phương tiện giao thông ở khu vực Linh Đàm. Dự án có tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng, xây dựng theo hình thức đầu tư hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT). Sau 18 năm vẫn chưa hoàn thành. Nguyên nhân là do vấn đề giải phóng mặt bằng khó khăn tại một số ngôi nhà trên đường vành đai 2,5 đoạn qua cầu L3 qua sông Lừ.
Hiện trên dự án đường vành đai 2,5 này vẫn còn hàng chục ngôi nhà chưa được giải phóng mặt bằng khiến việc thi công không thể diễn ra.
Người dân khu vực này vẫn phải dùng cầu tạm vì đoạn cầu L3 chưa thể thông xe.
Nhìn từ trên cao có thể thấy nhiều ngôi nhà chưa được giải phóng.
Đường vành đai 2,5 được thiết kế chiều rộng 40m, 2 lòng đường với 4 làn xe chạy rộng 22m, vỉa hè rộng 7,5m. Dự án được chia làm 3 giai đoạn: (i) Hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và thông tuyến từ Vĩnh Tuy - Tân Mai - Kim Đồng - Khu đô thị mới Định Công; (ii) Mở rộng tuyến đường từ Hoàng Đạo Thúy đến Khu đô thị Tây Hồ Tây; (iii) Thông tuyến từ Hoàng Đạo Thúy tới Khu đô thị mới Định Công.