Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc: Bao giờ hết cơn 'đói vốn'?

Một trong số những tuyến đường đang được khẩn trương thi công
Một trong số những tuyến đường đang được khẩn trương thi công
TP - Giữa tháng 9/2020, một số hạng mục tại Dự án Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội tại Hòa Lạc đã rục rịch khởi động. Đây là một tín hiệu vui cho nhiều người dân, đặc biệt là những người “sống mòn” tại dự án chậm suốt 17 năm nay. 

Đi khảo sát tại dự án, nhiều tuyến đường quy hoạch đến 6 làn xe, 2 bên đều có vỉa hè, hạ tầng ngầm đầy đủ, thế nhưng lại bị cắt ngang bởi vườn chuối, đồi chè, hay hoa màu của người dân.

Các tuyến đường khác đa số là đường cụt, vì bị tắc khâu giải phóng mặt bằng (GPMB). Tuy nhiên, thời điểm này, Ban Quản lý dự án ĐHQG đang thực hiện cuốn chiếu, tức là có vốn đến đâu, sẽ tiến hành GPMB ngay đến đó. Có mặt bằng ở đâu thì làm ngay ở đó.

Đơn cử như tuyến số 3, chạy từ trung tâm dự án đến Quốc lộ 21, con đường 6 làn xe rất đẹp nhưng vẫn phải chờ vì vướng GPMB khoảng 200m2 vườn chuối và nhà ở của 1 hộ dân để thi công. Ngày 12/9/2020, chủ đầu tư đã cho thi công nốt đoạn ngược lại từ Quốc lộ 21 đổ về tuyến đường số 3…

 Hiện tại, 4 tuyến đường chính là đường số 3, 6, 11, 12 đã cơ bản hoàn thành.

Đến nay, dự án ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc đã hoàn thành một số hạng mục công trình đưa vào vận hành khai thác như: Ký túc xá số 4 chuyển công năng thành Trung tâm giáo dục quốc phòng, cung cấp cơ sở đào tạo cho tất cả các trường phía Bắc có nhu cầu giảng dạy về quốc phòng an ninh; Nhà công vụ phục vụ tổ chức hội nghị, hội thảo của ĐHQG và những hội thảo chuyên ngành về giáo dục đào tạo. 2 khối nhà 6 tầng Khoa Toán đã hoàn thiện; Khối nhà Khoa Lý đã xây xong tầng 1.

Lãnh đạo UBND xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất cho biết, vẫn còn hàng trăm hộ dân phải sinh sống tạm bợ trong khu dự án. Nói là “tạm bợ” vì hệ thống hạ tầng như điện, đường  đều không có. Trong khi khu tái định cư chưa hoàn thành,  nên người dân chưa thể đi đâu. “Chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đến dự án này và Dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc để sớm đi vào hoàn thiện, ổn định đời sống của người dân tại địa bàn”, lãnh đạo xã Thạch Hòa cho biết.

Dự án 22.000 tỷ đồng, giải ngân gần… 2.000 tỷ

Dự án đầu tư xây dựng ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc được Chính phủ phê duyệt năm 2003 với mục tiêu chính là xây dựng khu đô thị đại học hiện đại, tiên tiến bậc nhất Đông Nam Á. Đây cũng sẽ là khu đô thị đại học liên hoàn thống nhất gồm 9 đại học thành viên, 8 viện, 13 trung tâm nghiên cứu, 4 trường THPT chuyên với quy mô hơn 41.000 sinh viên, học sinh.

Dự án được phê duyệt mức đầu tư 22.000 tỷ đồng, thế nhưng 17 năm qua, dự án mới được đầu tư gần 2.000 tỷ đồng (gần 10%), chủ yếu cho GPMB và làm đường. Đây được cho là mấu chốt cho toàn bộ sự chậm trễ của “siêu dự án” này.

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ĐHQG Hà Nội (BQLDA) cho hay, dự án ĐHQG Hà Nội trước đây do Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư, đến năm 2018 bắt đầu chuyển về ĐHQG Hà Nội. Thời điểm Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư, đã giải ngân hơn 100 tỷ nhưng hết vốn bỏ lại dở dang… Việc chuyển tiếp dự án rất khó khăn vất vả, do phải điều chỉnh nên mất thời gian, công sức hơn nhiều so với thành lập một dự án mới.

Được biết, ĐHQG đề xuất về vốn và được Chính phủ cấp thêm 500 tỷ đồng, căn cứ vào nguồn vốn BQLDA nỗ lực đáp ứng giải ngân sớm nhất. “Tập trung vào các vấn đề cho người dân, để họ được ổn định cuộc sống ở khu tái định cư sớm nhất có thể”, đại diện BQLDA nói.   

Ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng Ban Xây dựng ĐHQG Hà Nội đề xuất Chính phủ các cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi nhằm tạo điều kiện kêu gọi nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng dự án theo hình thức xã hội hóa; Ưu tiên bố trí vốn trung hạn 2021- 2025 để ĐHQG Hà Nội hoàn thành dứt điểm công tác GPMB, dự án tái định cư phân khu phía Bắc và các công trình cấp bách, thiết yếu đáp ứng nhu cầu khai thác cơ sở vật chất giai đoạn 1 của ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.