Dự án cầu Cao Lãnh: Người dân khốn đốn vì chưa được bồi thường

TPO - Cầu Cao Lãnh (Đồng Tháp) và tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 5/2018 nhưng đến nay nhiều hộ dân chưa nhận được bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do bị ảnh hưởng bởi dự án. 

Công trình cầu Cao Lãnh và tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống (thuộc dự án kết nối trung tâm ĐBSCL) khánh thành ngày 27/5/2018, có tổng mức đầu tư khoảng 7.500 tỷ đồng từ nguồn viện trợ của Chính phủ Úc, vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. 

Dự án cầu Cao Lãnh: Người dân khốn đốn vì chưa được bồi thường ảnh 1 Quá trình thi công cầu Cao Lãnh và tuyến nối đã gây ảnh hưởng đến nhiều hộ dân. Ảnh: CK

Được biết, quá trình thi công dự án đã làm hơn 60ha đất ruộng của hơn 200 hộ dân hai bên đường thuộc huyện Lấp Vò bị sụt lún, ảnh hưởng đến sản xuất; gây nứt nhiều nhà dân ở huyện Lấp Vò, huyện Cao Lãnh và TP Cao Lãnh. Nhà thầu đang thu xếp tài chính, đồng thời tiếp tục khảo sát để xác định mức độ thiệt hại và tính toán phương án bồi thường...

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh đã đề nghị chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng Cty Cửu Long) nhanh chóng chi trả bồi thường thiệt hại theo mùa vụ để giảm bớt khó khăn cho người dân.  

“Công tác hồ sơ bồi thường thì xong hết rồi, vấn đề còn lại là vốn, mà vốn này là Bộ GTVT quyết định nên tỉnh đã đề nghị Tổng Cty Cửu Long kiến nghị Bộ GTVT cung cấp vốn để chi trả bồi thường.” - ông Hùng cho hay.   

Tại buổi làm việc với ADB và Tổng Cty Cửu Long mới đây, ông Hùng đề nghị chủ đầu tư khẩn trương yêu cầu các đơn vị thi công chi trả tiền bồi thường đối với các trường hợp đã thỏa thuận, cam kết với người dân, đồng thời làm việc với UBND huyện Cao Lãnh, huyện Lấp Vò và TP Cao Lãnh để thống nhất các số liệu nhà dân bị ảnh hưởng, làm cơ sở giải quyết dứt điểm vấn đề bồi thường.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đình Cường - chuyên gia cao cấp của ADB nhận định việc bồi thường sụt lún nằm trong chính sách bảo trợ xã hội của ADB, đề nghị Tổng Cty Cửu Long làm việc với ADB để lấy cơ sở kiến nghị cấp thẩm quyền sớm thông qua việc bồi thường, hỗ trợ cho người dân.  

Dự án cầu Cao Lãnh: Người dân khốn đốn vì chưa được bồi thường ảnh 2 Cầu Cao Lãnh khánh thành ngày 27/5/2018, thuộc dự án kết nối trung tâm ĐBSCL. Ảnh: CK

Gần 50 tỷ đồng khắc phục sụt lún

Trước đó, ngày 6/11, Bộ GTVT có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này. Theo Bộ GTVT, qua khảo sát, đánh giá mức độ thiệt hại do sụt lún, các bên liên quan đã thống nhất lựa chọn giải pháp theo hình thức phục hồi thu nhập.

Cụ thể, đền bù thiệt hại các vụ mùa cho các hộ dân do không sản xuất được khi sụt lún đất; san lấp cao độ như trước khi sụt lún và cải tạo đất mặt, phục hồi điều kiện sản xuất nông nghiệp..., chi phí thực hiện dự tính là 49,2 tỷ đồng. 

Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đền bù/hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng do sụt lún đất từ nguồn chi phí giải phóng mặt bằng thông qua hình thức phục hồi thu nhập, sử dụng khoản vay của dự án.

Còn theo UBND huyện Lấp Vò, ngoài việc gây sụt lún đất, nứt nhà dân, việc thi công tuyến đấu nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại của bà con trên các tuyến đường dân sinh và tình hình nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp trên các tuyến kênh thủy lợi cắt ngang dự án. Nhưng đến nay một số đơn vị nhà thầu chưa thực hiện xong việc hoàn trả hiện trạng đối với các tuyến đường dân sinh và kênh thủy lợi... 

MỚI - NÓNG