Dự án BT–Biến tướng thành 'giao dịch ngầm' giữa quản lý và nhà đầu tư

ĐBQH Mai Sỹ Diến (ảnh Như Ý)
ĐBQH Mai Sỹ Diến (ảnh Như Ý)
TPO - ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) phản ánh thực tế là các dự án xây dựng - chuyển giao (BT) thời gian qua chủ yếu là chỉ định thầu, ít tổ chức đấu thầu. Điều này khiến dự án BT biến tướng thành "giao dịch ngầm” giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý .

Sáng nay (29/10), Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung liên quan đến ngân sách Nhà nước và đầu tư công.

Đề cập đến hình thức đầu tư BT, ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa), trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp thì việc đầu tư theo hình thức BT là cần thiết. Tuy nhiên, thực tế triển khai lại cho thấy, các hợp đồng đầu tư BT đang rất có vấn đề.

“Đầu tư BT, dù đã có quy định về đấu thầu nhưng thực tế diễn ra cho thấy toàn là chỉ định thầu. Bên cạnh đó, không ít dự án BT có biểu hiện của việc “giao dịch ngầm” giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý”, ông Diến phản ánh.

Cũng theo ông Diến, việc thực hiện dự án BT như cách thức hiện nay chưa bảo đảm giảm gánh nặng cho ngân sách. “Vậy có nên thực hiện dự án BT như thời gian qua nữa không”, ông Diến đặt vấn đề.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) thì phản ánh những hạn chế trong việc đánh giá về hiệu quả đầu tư công. "Gần như chúng ta không có câu trả lời về sự hiệu quả cao, thấp hay không hiệu quả của số dự án này", bà Mai nói và đề xuất cần sớm hoàn thành tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu ra; ngay khi lựa chọn dự án cần làm rõ kết quả đầu ra gắn với nguồn lực đầu tư...

Cùng chung quan điểm, ĐB Nguyễn Ngọc Phương ( Quảng Bình) cũng cho rằng Chính phủ cần thống kê vừa qua bao nhiêu dự án đầu tư công hiệu quả, dự án nào thua lỗ... Như vậy mới xác định được trách nhiệm tổ chức, cá nhân và xử lý nghiêm, tránh thất thoát vốn Nhà nước.

"Chính phủ phải bổ sung báo cáo, thanh tra xử lý sai phạm thời gian qua đến đâu, bao nhiêu dự án phá sản, được phục hồi và mức độ xử lý", ông đề nghị.

MỚI - NÓNG