Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng.
Chiều 16/11, tại phiên chất vấn Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, thành công trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, cũng như vàng, ngoại tệ vừa qua đã góp phần bảo đảm nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, vàng trong dân còn lớn, nếu huy động được sẽ bổ sung thêm nguồn vốn quan trọng để đưa vào sản xuất kinh doanh, phục vụ đầu tư phát triển kinh tế xã hội. Đại biểu Sơn chất vấn Thống đốc về quan điểm của mình và sắp tới NHNN có giải pháp gì để huy động nguồn lực này.
Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) đánh giá, nguồn vốn trong dân còn rất lớn, nếu có chính sách huy động, dân có niềm tin sẽ sẵn sàng giúp đất nước vượt qua khó khăn trong phát triển. Dẫn dụ trường hợp cụ Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ đã hiến trên 5 nghìn lượng vàng cho đất nước, theo ông Nhường, dự báo hiện có khoảng 500 tấn vàng và trên 10 tỷ USD đang nằm trong dân.
“Đây là vốn chết, dân cất giữ vừa không an toàn, vừa không có lợi cho phát triển kinh tế xã hội. Thống đốc có giải pháp gì để huy động số vốn này trong dân, để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, đầu tư vào hạ tầng phát triển đất nước. Để huy động được, thống đốc có cam kết bảo đảm quyền lợi của người dân khi phá sản các tổ chức tín dụng?”, ông Nhường chất vấn.
Trả lời chất vấn, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, đây là một trong những nội dung Chính phủ chỉ đạo sâu sát, quyết liệt từ năm 2016. “Qua quá trình thực tiễn điều hành tiền tệ vừa qua, tôi cho rằng giải pháp căn cơ, bền vững, khả thi nhất là Chính phủ và các bộ, ngành kiên định mục tiêu điều hành vĩ mô, qua đó củng cố giá trị của đồng Việt Nam, tạo lòng tin của doanh nghiệp và người dân. Trên cơ sở đó, người dân ủng hộ và có lòng tin vào đồng Việt Nam, không đầu tư vào vàng và ngoại tệ để chuyển sang đồng Việt Nam, như gửi tiết kiệm hoặc đầu tư chứng khoán, trực tiếp đầu tư sản xuất kinh doanh. Việc này cần thực hiện có lộ trình”, ông Hưng lý giải.
Cũng theo Thống đốc, trong nhiều năm qua, thị trường vàng có sự điều tiết. Trước đây vàng, ngoại tệ có nhiều kênh tác động gây lạm phát, bất ổn cho nền kinh tế, song nhiều năm vừa qua, thị trường vàng “rất ổn định”, không phải mất ngoại tệ để nhập khẩu vàng.
Ngoại tệ, theo ông Hưng, là một nguồn rất quan trọng. Vừa qua dù áp dụng trần lãi suất 0% nhưng không có nghĩa chúng ta không huy động nguồn lực này. “Nguồn lực đó đã chuyển hoá vào sản xuất kinh doanh. Thực tế đã chứng minh trong mấy năm qua thị trường ngoại hối rất ổn định, tỉ giá ổn định, chúng ta mua lượng lớn ngoại tệ từ dân để tăng dự trữ ngoại hối”, ông Hưng cho hay.
Dự án BOT giao thông đảm bảo an toàn mới cho vay
Chất vấn về BOT, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đặt câu hỏi, có hay không các ngân hàng cho vay dự án BOT rất lớn, dư nợ nhiều, ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất và dư nợ cho vay các lĩnh vực khác? Trả lời câu hỏi này, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, thời gian qua mặt bằng lãi suất đã giảm rất mạnh.
Hiện các tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất cho vay trung, dài hạn khoảng 8%, các lĩnh vực bình thường khác khoảng 9 –10%, cá biệt một số lĩnh vực khác có rủi ro cao thì lãi suất cho vay cao hơn. Thống đốc NHNN cho hay, với các dự án BOT, tỉ trọng tín dụng chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng dư nợ, mức rất thấp. Tuy nhiên, trước nhu cầu vốn rất lớn để triển khai các dự án BOT, NHNN yêu cầu phải kiểm soát chặt hoạt động tín dụng cho vay BOT và bất động sản.
Đánh giá cao phần trả lời của Thống đốc đã đi vào trọng tâm, tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cũng chia sẻ một vấn đề ông lo lắng. Tới đây, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua nghị quyết về đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, trong đó, tổng vốn đầu tư của dự án 118 nghìn tỷ đồng, nhưng vốn ngân sách chỉ đảm đương được 55 nghìn tỷ đồng, còn lại huy động 63 nghìn tỷ, dự kiến sẽ vay hệ thống ngân hàng trên 50 nghìn tỷ.
“Một trong những điểm tắc nghẽn là vượt quá khả năng cho vay của hệ thống tín dụng do những ràng buộc về điều kiện pháp lý, ví dụ không được cho vay mỗi khách hàng vượt quá 15% vốn tự có trong ngân hàng, hay không được sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn. Thống đốc có thể trả lời thêm để các đại biểu yên tâm khi bấm nút thông qua nghị quyết này?”, đại biểu Ngân nêu.
Thống đốc Lê Minh Hưng lý giải, vấn đề vốn cho đường cao tốc rất quan trọng, nhưng rủi ro cho hệ thống ngân hàng cũng quan trọng không kém. “Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ, không phải hệ thống ngân hàng không cho vay BOT giao thông, mà chúng tôi chỉ đạo tổ chức tín dụng phải tăng cường chức năng thẩm định phương án tài chính, để đảm bảo dự án hiệu quả, khả thi, tăng cường thẩm định năng lực tài chính của nhà đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính thực sự thì vẫn cho vay”, ông Hưng nói.