Muốn lay động, bùng nổ hơn
“Sợ chung kết không được như thế ấy chứ”, có người nói, có ý nghi ngờ rằng đêm chung kết toàn quốc diễn ra ở nhà thi đấu Phan Đình Phùng, TPHCM không gian không thể sánh được với đất trời Hạ Long nên thiết kế sân khấu hẳn kém hơn, khán giả ít hơn và sự thăng hoa nghệ thuật của nghệ sĩ cũng khó bằng, do đầu tư tiết mục kém hơn. (Có chăng, đặc sản Bi Rain thì đảm bảo hấp dẫn).
Không biết qua ti vi thì thế nào chứ tại sân khấu Cung nhạc nước Tuần Châu tối 17/7, có khá nhiều thứ cho khán giả nhâm nhi, từ màn áo tắm với dàn dựng nổi bật của tốp vũ công nam trở đi. Một khán giả nữ theo ủng hộ người nhà là thí sinh, khen ca nhạc trong màn áo tắm ấn tượng hơn chung khảo phía Nam, và “DJ đêm nay chơi quá hay”.
Trong khi đó, khán giả Hải Nam, đứng tuổi, ở Quảng Ninh nhận xét: “Không nghi ngờ về độ hoành tráng, nhưng ca nhạc hơi nhiều Pop, Rock. Khán giả lớn tuổi như tôi muốn có những tiết mục biểu hiện chiều sâu hơn nữa của nền văn hoá Bắc bộ”. Hỏi Hò biển của Nguyễn Cường thì sao, tiết mục mở màn đêm diễn. Ông đáp “Đấy, quá hay, phải như thế”.
Gặp Tổng đạo diễn Hoàng Nhật Nam một ngày sau đêm chung khảo, trông anh mệt mỏi, nụ cười không được tươi. Anh thẳng thắn: Mọi người nói so với tầm của một đêm chung khảo thì thế là hoành tráng lắm rồi nhưng nói thật, mọi thứ chưa được như mình mong đợi. Muốn phải bùng nổ, lay động lòng người hơn. Sự kết nối tốt hơn. Do địa hình đặc biệt và mưa lớn hai ngày nên phần thi công sân khấu bị trễ. Có một số phần khác chưa được mượt mà dù khán giả có thể không nhận ra. Rồi màn pháo hoa kết chương trình rất lộng lẫy nhưng vì bị lố sóng nên truyền hình cắt đi, khán giả truyền hình chỉ xem được khoảng 10 giây, quá tiếc.
Bất ngờ Ánh Hà
Sánh vai cùng ca sĩ Thanh Hà (hải ngoại) trên sân khấu đêm chung khảo phía Bắc là giọng ca chuyên nhạc Trịnh- Ánh Hà. Chị mở phòng trà cùng tên ở Đà Nẵng, từng tham gia một số chương trình lớn như Nguyễn Ánh 9- Nửa thế kỷ âm nhạc tại Hà Nội, Hải Phòng hay Bước chân miền Trung của “ông bầu” Đàm Vĩnh Hưng. Chắc chắn một điều rằng đêm chung khảo vừa qua góp phần giới thiệu Ánh Hà đến với đông đảo công chúng hơn nữa.
Mãi 37 tuổi, Ánh Hà mới khởi nghiệp ca sĩ. Trước đó chị có thời gian làm nhân viên cho một khách sạn của nhà nước ở Đà Nẵng. Chị cho hay thần tượng Khánh Ly và nghe giọng ca này từ nhỏ nhưng việc giọng giống Khánh Ly hoàn toàn do bẩm sinh.
“Rất vui khi nhận được lời mời ở một chương trình lớn, sân khấu đẹp, hoành tráng như hoa hậu”, Ánh Hà bày tỏ. “Bản phối mới cũng làm tôi hơi bất ngờ vì đã quen hát kiểu nhẹ nhàng, trữ tình.” Ánh Hà không chút lép vế khi hát cùng ca sĩ nổi tiếng tuy nhiên phần giao lưu của “Song Hà” hơi lê thê. Thanh Hà cảm động trước khán giả quê nhà nên nói hơi dài. Ánh Hà nói ngắn nhưng cứ nói một câu lại ngưng hai ba câu. Nói chuyện bên ngoài thì biết, Ánh Hà “lợi giọng” chứ không hề lợi khẩu.
Cảm giác như mơ
Đào Thị Hà (Nghệ An) gương mặt sáng sân khấu, trình diễn tự tin nhưng được xướng tên gần cuối. “Lúc đấy em tưởng mình không được rồi, khi đọc đến tên em vui sướng cực, hôm sau vẫn có cảm giác đang mơ”, Hà cười tươi rói, khác hẳn vẻ khá lạnh thường ngày.
Cô gái 1m80 Ngô Thanh Thanh Tú chung cảm giác hoang mang, thấy các cô gái đứng gần đầy sân khấu mà chưa đến tên mình. “Em còn không đếm được xem bao nhiêu người được gọi tên rồi, không biết đó có phải người cuối hay không”, Tú nói. Khán giả có thể thắc mắc về bộ áo dài đen của Thanh Tú, ban đầu cô cũng hoang mang nhưng “được NTK Ngô Nhật Huy giải thích mỗi màu sắc đều có sắc độ riêng, riêng màu đen duy nhất một bộ, em thấy mình thật nổi bật”, Tú nói.
Khác với hai cô gái này, Trần Huyền Trang được gọi tên khá sớm. Hôm sơ khảo cô có chút e ngại vì chỉ 1m66 dù vòng eo chỉ 56cm, nên giây phút biết mình bước tiếp vào chung kết cảm thấy “vui nhưng thấy áp lực”. Cô gái Quảng Ninh nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt ngay trên sân nhà. Biết điểm yếu về chiều cao, Trang tự hứa ghi điểm bằng phong cách trình diễn, thể hiện bản thân tốt hơn trong vòng chung kết.
Thuyền trưởng của người đẹp
Đảm trách việc chở người đẹp đi thăm vịnh, thuyền trưởng tàu Paradise Luxury B2 Phan Công Cường chính hiệu là đại sứ du lịch của Hạ Long. Ông từng được mời ghi hình cho chương trình Nụ cười Hạ Long của ngành du lịch Quảng Ninh. Ông cũng thường xuyên được chọn làm thuyền trưởng cho những chuyến tàu chở người đẹp thăm vịnh. Ngoài tay nghề, tính tình… còn một lý do “phụ” nữa là ông thuộc hàng “nam vương” trong các thuyền trưởng của Tuần Châu. Như thế chụp ảnh chung với các người đẹp chắc là cũng tương xứng hơn(!) “Các bạn đoàn Hoa hậu Việt Nam đến với Tuần Châu lần này có vóc dáng mát mẻ, cao ráo, đẹp đẽ,” ông nhận xét. “Các bạn rất nhẹ nhàng, ứng xử thân thiện với dân du lịch đi tàu chúng tôi”.
Chỉ huy tàu du lịch được 8 năm, thuyền trưởng Cường bày tỏ: “Tôi mong mọi người có ý thức gìn giữ môi trường, chung tay bảo vệ Hạ Long để nơi đây mãi là di sản thế giới đẹp hùng vĩ.” Đội tàu của Tuần Châu đều chú trọng thu gom rác đưa vào bờ sau mỗi chuyến đi. Có thời gian rảnh, họ lại tự động đi dọc vịnh để hớt rác. “Đây là việc quan trọng phải làm vì liên quan trực tiếp tới sự sống còn của ngành du lịch và nghề nghiệp của chúng tôi,” ông Cường nhận định.
Nguyễn Cát Nhiên, Huỳnh Thúy Vi, Trần Thị Thu Hiền vì sao thi phía Bắc?
Sau đêm chung khảo 17/7, một số khán giả và nhà báo thắc mắc vì sao vòng miền Bắc lại có ba thí sinh miền Nam. Thực tế, Nguyễn Cát Nhiên (Đồng Nai) bị bỏng nhẹ, vết thương chưa lành hẳn còn Trần Thị Thu Hiền (Lâm Đồng) bận việc gia đình nên phải chờ tháng sau mới thi được. Riêng Huỳnh Thuý Vi (Cần Thơ) có đến điểm thi sơ khảo phía Nam nhưng không được Ban Thí sinh cho vào trình diễn trước Ban Giám khảo vì chưa bổ sung đủ hồ sơ. Trước đó, kiểm tra hồ sơ dự thi của Vi, Ban Thí sinh thấy bản photo bằng tốt nghiệp phổ thông chưa công chứng nên đã điện thoại nhắc khi thi phải mang bằng gốc để đối chiếu, nhưng thí sinh lại quên. Do không đủ hồ sơ dự thi phía Nam, Vi được BTC cho phép bổ sung hồ sơ để dự thi ở miền Bắc. Cả ba thí sinh phía Nam nói trên cuối cùng đều được lọt chung kết.