Động vật hoang dã có biết đếm số?

Ngoài việc giúp tránh những kẻ săn mồi, khả năng "đếm số" này còn là công cụ giúp các loài động vật đối phó với một loạt vấn đề nan giải khác
Ngoài việc giúp tránh những kẻ săn mồi, khả năng "đếm số" này còn là công cụ giúp các loài động vật đối phó với một loạt vấn đề nan giải khác
TPO - Ngoài việc giúp tránh những kẻ săn mồi, khả năng "đếm số" này còn là công cụ giúp các loài động vật đối phó với một loạt vấn đề nan giải khác, chẳng hạn như tìm bạn đời, kiếm ăn và xác định phương hướng.

Động vật có biết đếm như người?

Ở người, đếm số là một trong những khả năng cơ bản. Theo một nghiên cứu đăng trên trang The Royal Society "một, hai, ba, bốn, năm" là những tiếng phát âm hầu như không thay đổi từ thuở xa xưa cho đến nay trong mọi thứ tiếng, có thể đã tồn tại khoảng 10.000-100.000 năm.

Tuy nhiên, trong suốt hàng thế kỷ, con người không tin loài vật có thể tính toán.

Cách đây hơn 100 năm, quan điểm về loài vật có thể đếm hay không đã thay đổi hoàn toàn khi chú ngựa Clever Hans trình diễn khả năng giải toán của mình vào năm 1907 bằng cách gõ guốc xuống sàn.

Kể từ đó, các nhà khoa học bắt đầu truy tìm và phát hiện rất nhiều bằng chứng cho thấy rằng: không chỉ con người, những động vật khác cũng có thể đếm, như một hoạt động bản năng để sinh tồn.

Thông qua nguồn dữ liệu từ các quá trình theo dõi và phân tích, giới khoa học đã tổng hợp toàn bộ các nghiên cứu có liên quan đến chủ đề này và đưa ra kết luận rằng, từ những loài động vật như ong, chim cho đến sói, có rất nhiều động vật sở hữu khả năng xử lý và thể hiện những thứ tương tự như các con số - và những biểu hiện ấy được mô tả như một kỹ năng "đếm số".

Hơn nữa, nghiên cứu mới này cũng đề cập đến việc "thế mạnh về toán học" này cũng giúp cho các loài động vật sinh tồn tốt hơn trong môi trường hoang dã vô cùng khắc nghiệt kia.

Động vật hoang dã có biết đếm số? ảnh 1
 

Những lợi ích từ việc “đếm số” ở giới động vật

Andreas Nieder - một chuyên gia trong lĩnh vực khoa học thần kinh thuộc ĐH Tuebingen, Đức, đã tiến hành nghiên cứu gần 150 báo cáo liên quan đến những cách mà các loài động vật nhận thức về con số. Andreas kết luận rằng, khả năng nhận biết con số tồn tại ở hầu hết các loài động vật trên Trái đất; đặc biệt là khả năng sử dụng hệ thống số đếm để tìm thức ăn.

Các kết quả trong môi trường nghiên cứu tại phòng thí nghiệm cho thấy, loài cóc tía phương Đông sử dụng phương thức được gọi là "hệ thống số gần đúng" để lựa chọn giữa vô số các loại thức ăn khác nhau.

Đối với các loài cóc/ếch/nhái, việc lựa chọn phần ăn có 3 hay 4 con mồi đều là như nhau, nhưng khi số lượng con mồi lại chênh lệch kiểu 3:6 hay 4:8, chúng sẽ luôn chọn phần có số lượng lớn hơn.

Khả năng nhận biết con số cũng đã được chứng minh tồn tại ở loài ong mật, khi mà chúng sử dụng khả năng này để ghi nhớ số lượng những chướng vật trên hành trình từ tổ ong đến nơi chúng kiếm mật, từ đó giúp chúng có thể nhớ đường trở về tổ. Tương tự, loài kiến sa mạc - với tên khoa học là Cataglyphis fortis, cũng sử dụng cách đếm bước chân để xác định quãng đường từ tổ của chúng đến nơi kiếm ăn.

Theo The New York Times, các nhà khoa học nhận thấy rằng những động vật tiến hóa về chuỗi âm không chỉ có khả năng phân biệt số lớn hay nhỏ mà còn có thể phân biệt số lượng, ví dụ như 2 khác 4, 4 khác 10, và thậm chí 40 khác 60…

Loài nhện Araneidae có thể đếm được bao nhiêu miếng mồi đang được cất giữ trong "nhà" của chúng. Khi các nhà khoa học thử lấy trộm thức ăn của chúng, nhện sẽ đi kiếm với thời gian tỉ lệ thuận với số lượng mồi bị mất.

Loài cá cũng có thể đếm. Chúng ta vẫn biết những loài cá nhỏ thường sống theo đàn, càng đông càng dễ trốn thoát kẻ thù. 

Yêu cầu thiết yếu của cuộc sống khiến chúng tính toán rất nhanh. Ví dụ những loài cá nước ngọt thường có thể nhận thấy số lượng 4 con cá là khác với số lượng 5 con cá, hoặc 8 con cá không giống với 10 con cá, do đó cá sẽ chọn bơi theo đàn đông hơn.

Hay như loài cá ba gai (tên khoa học: Gasterosteus aculeatus) có khả năng phân biệt lớn hơn: chúng có thể nhận thấy sự khác nhau giữa nhóm 6 con cá và nhóm 7 con, hay nhóm 18 con và nhóm 21 con trong chớp mắt.

Tốc độ phân biệt có thể tương đương với một số loài chim, loài thú và có thể so sánh với cả con người.

Tiến bộ hơn cả là loài tinh tinh. Người ta có thể dạy tinh tinh liên kết một nhóm đồ vật với một con số cụ thể trong bộ số Ả Rạp 1 chữ số. Ngoài ra, tinh tinh có thể biết 3 bình phương có mối liên hệ với 3, 5 bình phương có mối liên hệ với 5. Tinh tinh còn có thể sắp xếp các chữ số theo một thứ tự nhất định.

Đối với các loài động vật khác, ví dụ như ở loài sói xám, chúng cần phải biết rõ về số lượng cá thể trong đàn để có thể tiến hành kế hoạch săn mồi phù hợp. Một đàn sói gồm khoảng 6-8 con thì thích hợp cho việc săn nai sừng xám hoặc nai sừng tấm; và nếu muốn săn một con bò rừng Bison, số lượng sói trong đàn cần có là khoảng 13 con.

Ở những loài vật thường bị coi là con mồi, chúng sử dụng khả năng nhận biết số lượng để có thể gia tăng khả năng thoát khỏi nanh vuốt của kẻ đi săn. Nai sừng tấm thường hay phân tán thành các đàn nhỏ hoặc tụ tập thành một đàn lớn để tránh gặp phải sói; và trong ngành sinh vật học, họ mô tả hành vi này là chiến thuật “an toàn về số lượng”.

MỚI - NÓNG