Đồng Tháp thông tin vụ bờ kè gần trăm tỷ nhiều lần sạt lở

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 20/4, Sở NN&PTNT Đồng Tháp thông tin về công trình Dự án kè chống xói lở bờ sông Tiền, khu vực chợ Bình Thành, huyện Thanh Bình với kinh phí trên 90 tỷ đồng nhiều lần sạt lở.
Đồng Tháp thông tin vụ bờ kè gần trăm tỷ nhiều lần sạt lở ảnh 1

Bờ kè khu vực chợ Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp bị lún nghiêng đỉnh kè. Ảnh: P.H

Theo Sở NN&PTNT Đồng Tháp, dự án kè chống xói lở bờ sông Tiền khu vực chợ Bình Thành, huyện Thanh Bình được UBND tỉnh quyết định đầu tư tại Quyết định số 1211/QĐ-UBND.HC ngày 30/10/2015, với chiều dài 850m, thời gian thực hiện 2016 – 2020 với tổng mức đầu tư trên 90 tỷ đồng.

Công trình do Sở NN&PTNT Đồng Tháp là chủ đầu tư Dự án; Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT (Ban QLDA) là đại diện chủ đầu tư thực hiện quản lý, giám sát Dự án. Đơn vị khảo sát địa hình, địa chất, thiết kế thi công: Liên danh Viện Kỹ thuật Biển và Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam. Đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Nhân Bình.

Dự án có 2 gói thầu xây lắp gồm: Gói thầu số 6 xử lý khẩn cấp khắc phục sạt lở, thực hiện thi công ở chân kè từ cao trình +0,5m trở xuống lòng sông khởi công ngày 01/9/2016, hoàn thành ngày 29/12/2017. Gói thầu số 7 là kè bê tông cốt thép bảo vệ bờ, thực hiện thi công phần trên bờ từ cao trình +0,5m trở lên trên bờ (khởi công ngày 25/9/2017, hoàn thành ngày 31/12/2020.

Đồng Tháp thông tin vụ bờ kè gần trăm tỷ nhiều lần sạt lở ảnh 2

Quá trình thực hiện dự án xảy ra 3 lần sạt, trượt công trình, gồm: tháng 5/2019 tại gói thầu số 7 xảy ra sạt lở chiều dài 40m, sâu vào bờ 9m. Ngay sau khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư và các bên liên quan đã thực hiện kịp thời, đầy đủ các trình tự theo quy định về sự cố công trình. Kết quả xử lý trách nhiệm đã được UBND tỉnh thống nhất và đơn vị thi công đã thực hiện hoàn thành vào ngày 31/12/2020. Sau khi sự cố công trình xảy ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo Chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn độc lập kiểm định sự cố và mức độ ổn định, an toàn của toàn tuyến công trình, đưa ra giải pháp khắc phục hiệu quả; đồng thời giao Tổ điều tra sự cố kiểm định kết quả thực hiện.

Theo Báo cáo của Tổ điều tra sự cố, bên cạnh những nguyên nhân do yếu tố khách quan, còn tồn tại những sai sót trong do lỗi chủ quan của thiết kế, thi công và đơn vị giám sát cần phải rà soát khắc phục các khiếm khuyết. Chủ đầu tư đã yêu cầu Công ty Cổ phần Nhân Bình khẩn trương khắc phục sửa chữa các tồn đọng trước khi xóa bảo hành và đã cơ bản hoàn thành trong tháng 5/2020.

Sự cố sạt trượt chân kè vào tháng 4/2021 tại gói thầu số 6, một phần thảm đá, vải địa và bao tải cát tiếp giáp dầm khóa chân kè đã bị trượt ra lòng sông, cách dầm khóa chân kè khoảng 40m. Ngay khi xảy ra sự việc, Ban QLDA đã yêu cầu đơn vị thiết kế, nhà thầu thi công, đơn vị lặn cùng có mặt tại hiện trường để có giải pháp xử lý kịp thời. Đơn vị thi công đã huy động nguồn lực thực hiện thả bao tải cát đắp bù tạo mái, gia cố cọc bê tông cốt thép để giữ ổn định thân kè.

Trên cơ sở báo cáo của Sở NN&PTNT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn giao chủ đầu tư thuê tư vấn độc lập kiểm định, xác định nguyên nhân và giải pháp khắc phục; đồng thời chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan có giải pháp trước mắt ổn định khu vực bị sạt trượt, đảm bảo không ảnh hưởng đến khu vực xung quanh và hạng mục công trình phía trên.

Theo kết quả đánh giá của Đơn vị kiểm định độc lập (Công ty TNHH Tư vấn Trường Đại học Thủy lợi - Chi nhánh Miền Nam) xác định nguyên nhân do địa tầng nền đất yếu có bề dày lớn và sức chịu tải nhỏ: Khi đắp bao tải cát (gia tăng ứng suất) thì nền công trình có xu hướng bị lún và luôn làm việc ở trạng thái ứng suất tới hạn. Khi phát sinh thêm một yếu tố bất lợi khác (lòng sông tại vị trí chân kè bị xói), sẽ gây ra ảnh hưởng lớn đến sự mất ổn định tổng thể của công trình. Đồng thời, đoạn kè thuộc phạm vi bờ lõm của đoạn sông cong và lòng sông bị co hẹp hơn một nửa so với chiều rộng lòng sông ở phía thượng lưu và hạ lưu, nên vận tốc dòng chảy hoàn lưu qua đoạn sông cong lớn. Dòng chảy mặt có xu hướng kéo phần kết cấu mái đã được gia cố về phía hạ lưu theo chiều dòng chảy, dòng chảy đáy có xu hướng mang phần bùn cát ở dưới chân kè về phía bờ lồi và tạo các hố xói ở chân kè, phạm vi các hố xói hiện hữu ngày càng mở rộng hơn, theo thời gian đã gây sạt trượt chân kè ở đáy sông và gây mất ổn định mái kè.

Mặt khác, theo kết quả kiểm định thực hiện tháng 9/2019, dưới chân kè đã xuất hiện hố xói và đang có xu hướng mở rộng. Tại vị trí xảy ra sạt trượt, lớp đất yếu có chiều dày khá lớn khoảng 20m và giá trị sức chống cắt không thoát nước. Su của đất lớp 2 tương đối nhỏ nên nền công trình dễ bị sạt trượt dưới tác động của dòng chảy.

Trường hợp thứ 3, lún nghiêng đỉnh kè vào tháng 4/2022, Sở NN&PTNT Đồng Tháp phát hiện có dấu hiện răn nứt, lún nghiêng đỉnh kè, nên đề nghị Ban Quản lý dự án yêu cầu đơn vị thi công khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp khắc phục như: tháo dỡ giảm tải đỉnh kè, gia cường chân mái, đồng thời đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu, đề xuất giải pháp xử lý phù hợp đảm bảo an toàn, ổn định cho công trình.

Trước tình hình trên, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp trực tiếp khảo sát thực tế hiện trường và chỉ đạo khắc phục. Tại cuộc họp ngày 18/4/2022, lãnh đạo UBND tỉnh thống nhất cần phải xử lý ổn định phần chân kè trước khi xây dựng phần lan can, vỉa hè thuộc phần đỉnh kè; đồng thời giao Sở NN&PTNT làm việc cụ thể với tư vấn thiết kế là Viện Kỹ thuật Biển, tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia chuyên ngành có kinh nghiệm thống nhất phương án xử lý để có văn bản đề xuất các phương án xử lý trình UBND tỉnh.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.