Đồng nát sắt vụn của Lý

TP - Thường niên có tour xuyên Việt “Hát cho dân tôi nghe” ở những sân khấu gần như vô tiền khoáng hậu trên cánh đồng, ngoài bờ sông, trên đồi thông hay trên đường... Có đôi khi, “sàn diễn” lại là khu ổ chuột ở Kenya hay thảo nguyên Nội Mông chỉ có gió và sao trời. Những nơi Lê Cát Trọng Lý từng đi qua, sau ngạc nhiên ban đầu, đều trở thành con đường của riêng cô.

Thứ âm nhạc mang đến an ủi và chia sẻ

Đồng nát sắt vụn của Lý ảnh 1 Lê Cát Trọng Lý

Tôi từng tham dự rất nhiều buổi diễn của Lý, to có, nhỏ có. Song thực lòng, tôi vẫn thích những cuộc vui nho nhỏ hơn. Khi đó, Lý ôm guitar ngồi ở giữa, chừng vài ba chục khán giả ngồi xếp bằng xung quanh. Trong một không gian tương đối hẹp, Lý vừa hát vừa rủ rỉ kể những câu chuyện nhỏ của mình. Có lần, Lý mới cất câu hát đầu tiên, có người đã rơi nước mắt. Chị Phương Vũ, lớn tuổi hơn cả Lý và làm công việc chả liên quan gì đến nghệ thuật song lại là một khán giả trung thành nói rằng: “Tôi mê nhạc của Lý vì tôi tìm thấy ở đây sự an ủi và chia sẻ”.

Thời gian trước, Lý có một chương trình dài hơi mang tên “Vì sao chúng ta ở đây ôm chặt buồn, mà sao chúng ta chẳng ôm nhau một lần”. Nhiều người thậm chí không kịp nhìn kịch bản đã nhanh tay đặt vé. Một khán giả bình luận: “Không ai nghĩ đấy là tên của một buổi hòa nhạc. Nó giống với các khóa học tâm lý “chữa lành” hơn”.

Năm nay, nếu không dính COVID-19 thì Lý cũng đã cùng 10 gương mặt nghệ sỹ Việt Nam đương đại đặc biệt dắt nhau qua 10 tỉnh thành, từ Sapa, Hà Nội, Hạ Long, Vinh, Huế, Đà Nẵng, cho đến Măng Đen, Sài Gòn, Đà Lạt, Cần Thơ, để hát, trong 18 đêm.

Đây là tour diễn đầu tiên của Lý có mặt những nghệ sỹ trẻ tài năng của Việt Nam với nhiều phong cách âm nhạc khác biệt ở các thể loại Rock, Rap, Electro, Folk, Pop, v.v... Giải thích về lựa chọn này (thay vì solo như những chương trình trước), Lý cho biết cô mong ước có dịp được chơi nhạc cùng, sáng tác cùng những gương mặt trẻ với tâm hồn đầy tình cảm và giới thiệu những tâm hồn ấy đến với khán giả.

Mục đích chính của Lý khi làm những buổi diễn này vẫn là “mong muốn âm nhạc kéo mọi người lại gần nhau hơn, từ em bé, học sinh sinh viên đến người lớn tuổi, người ở các ngành nghề lao động khác nhau khi chúng ta ngồi lại cùng nhau ở “Những chiều muộn gấp gáp”.

Fan bảo, Lý là một nghệ sĩ đích thực, bởi chỉ có nghệ sĩ thực thụ mới đem giọng hát của mình phục vụ những người nghèo, những người yếu thế mà không phải chỉ chăm chăm chạy theo cát xê và những sân khấu hoành tráng. Nhắc chuyện này, tôi nhớ có lần phỏng vấn, Lý bảo khi làm việc với một số nhạc sĩ tên tuổi của châu Âu, bài học lớn nhất cô rút ra cho mình đó là những người này đều cho khán giả nhiều hơn những gì họ nhận lại, thậm chí cho không giới hạn. Lý thích cách cho đi ấy, vì nó đem lại niềm vui. Cho nên, khi Lý hát, “bài cuối” bao giờ cũng chuyển thành “bài áp cuối”. Thậm chí, đèn bật sáng rồi, khán giả lục tục đứng lên rồi, có người chạy lên tận sân khấu yêu cầu Lý hát nốt “Tám chữ có”, Lý lại một mình một đàn, kéo tất cả những người đã dợm chân đi ngồi lại.

Đừng mua nhiều nhà hơn mình cần

“Đừng mua nhiều nhà hơn mình cần” là tên một bài hát của Lý, cũng là tên album mới nhất của cô, thoạt nghe giống hệt một slogan của hội bảo vệ môi trường. Nói thêm một chút về ca từ trong sáng tác của Lý, mặc dù đối tượng khán giả chủ yếu của cô là người trẻ, song tác phẩm của Lý lại nói khá ít về tình yêu. Chính ngoại lệ này, đã ít nhiều phân tách Lý và những người còn lại trong thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay. Có lẽ, từ trước đến nay, ở ta khó mà tìm được một nữ ca sĩ lên sân khấu mà không trang điểm, không diện trang phục của những nhà mốt hàng đầu, không nhảy, không vũ đoàn..., trừ Lê Cát Trọng Lý.

Lý hay có những câu trả lời bất ngờ cho những câu hỏi phỏng vấn. Ví dụ hỏi: hôm qua biểu diễn tốt không? Cô sẽ trả lời: hôm qua em diễn vui! Lý lấy vui làm thước đo thành công của mình.

Thực ra, thì kể từ sau khi “Chênh vênh” trở thành quán quân Bài Hát Việt, Lý đã định danh mình trong hình ảnh một nhạc sĩ trẻ vừa sáng tác vừa biểu diễn ca khúc của mình, mỗi lần cất lời ca đều như đưa ra những cái ôm ấm áp. Rất nhiều người bình luận, thực ra giọng Lý không phải là hay nhất, ca từ không phải là “triết lý” nhất, song tổng hợp lại, những cảm xúc mà cô đem lại cho khán giả luôn tình cảm và xúc động nhất.

Trong khối tài sản âm nhạc của Lý, “Chênh vênh” có lẽ là một trong những ngoại lệ ít ỏi nói về tình yêu. Những bài hát còn lại, nếu không phải là du ca trên đường, kêu người ta đừng mua nhiều nhà hơn mình cần, thì cũng kiểu chưa nghe bao giờ như là “trời ơi”, “làm sao hết ngu bây giờ” hoặc mới đây đem cả “đồng nát sắt vụn bán đi” vào lời hát.

Ca từ không giống ai này của Lý, thế nhưng khi đem đặt vào khung cảnh Kibera - khu ổ chuột lớn thứ 2 Kenya và lớn thứ 3 thế giới lại vừa vặn không ngờ. Ở đây, Lý hoàn thành video “Liệu có thương nhau mãi” dưới sự đồng ý của người dân Kibera. Rất nhiều khán giả bị sốc khi xem video này, những mô tả trong sách vở về sự đói nghèo, lạc hậu một lần nữa được chứng thực bằng những dãy nhà tạm xộc xệch bị bao phủ bởi tầng tầng bụi đất như mênh mông bất tận.

Giữa khung cảnh ấy, Lý ôm guitar ngồi hát, tiếng hát trong và mảnh ấy đánh thẳng vào cảm xúc người xem gợi lên hàng trăm cảm xúc ngũ vị tạp trần. Nó khiến người ta nhớ đến “Hãy để ngày ấy lụi tàn” - tiểu thuyết nổi tiếng về nạn phân biệt chủng tộc của Gerald Gordon. Một thú vị, nhiều bài hát của Lý, lấy cảm hứng từ các cuốn sách, lại cũng gợi mở đến những cuốn sách khác. Như “Con đường Santiago” cô lấy cảm hứng từ tiểu thuyết “Nhà giả kim” của Paulo Coeho, kể về công cuộc đi tìm vàng của một cậu trai, đi hoài đi mãi mới nhận ra vàng ở ngay trong mình. Hay như bài “Chuyến xe”, nó chính là một phiên bản âm nhạc của “Sáu người đi khắp thế gian”, bộ tiểu thuyết du ký từng làm điên đảo rất nhiều thế hệ thanh niên.

Khi không biết làm gì thì làm thinh

Lý từng nói rằng, cô không thể đi hát những chương trình đẹp và lộng lẫy, cũng như thay đổi để theo xu hướng bởi vì cô biết, nếu làm thế, chỉ một thời gian sau Lê Cát Trọng Lý sẽ bị đào thải.

Còn nhớ, khi Lý và “đồng bọn” làm xong “Khù Khờ tour” (kéo dài từ 2016 đến 2018) và giúp đỡ cho hàng nghìn em nhỏ, phụ nữ là công nhân nhà máy, em gái vị thành niên, cũng như lập được 82 hồ sơ khuyến học thì Lý không biết làm gì nữa. Lúc đó, một người lớn tuổi khuyên cô lúc này nên nằm yên, để thở, để suy nghĩ chứ đừng thừa thắng xông lên. Lý chấp nhận ngay ý tưởng ấy, sau này nó trở thành kim chỉ nam cho cuộc sống của cô: khi không biết làm gì thì làm thinh!

Lý có thể nói hàng giờ về đạo Phật, theo kiểu của cô. Và rằng đạo Phật dạy cô nhiều bài học, để sống thoải mái hơn. Mẹ Lý là người rất quan tâm đến những dư luận xung quanh con gái. Bà thích sưu tầm và cất giữ những bài báo, những chương trình liên quan đến Lý. Lý chỉ cười: mẹ làm chi cho khổ, giờ người ta khen con, nhưng sẽ có lúc người ta chê con.

Đồng nát sắt vụn của Lý ảnh 2
Chuyện Lý học đại học cho bố, rồi lại bỏ học - cho mình, cô đã kể nhiều lần. Và không bao giờ quên những tin nhắn dài như email của bố, không bao giờ quên lời nhắc nhở của bố: tiếng vỗ tay đã giết chết con! Nhưng đại học thì vẫn bỏ, đến mức giờ bố vẫn giận. Lý bảo, việc bỏ học không phải là điều hay ho, nhưng nếu đi học mà không đến nơi đến chốn, đi học chỉ vì để cho giống mọi người, để lấy danh dự thì cô không làm.

Trước đây, khi chưa nổi tiếng, tuần hai lần, đều đặn Lý hát ở một quán cà phê của bạn. Đây là nơi cô thử nghiệm những sáng tác mới của mình. Cứ hát đi hát lại, như một bài tập, cho nên khi lên sân khấu thì đã thuần thục lắm rồi. Hát ở quán với Lý không chỉ là mưu sinh, đó là lao động, là làm việc liên tục.

Lý nhận cô hát tiếng Anh tốt hơn tiếng Việt. Hát tiếng Việt hay rất khó, khó để cho nó tự do, du dương. Lý thích hát ra cái mênh mang. Và về điểm này thì rất phục Trần Thu Hà. Hà Trần hát giọng giả và giọng thật khiến người ta không phân biệt được, cứ mềm như nước chảy.

Lần nào biểu diễn Lý cũng diện sơ mi không trắng thì đen. Bạn Lý bảo: mi là ca sĩ nghèo nhất nước, và bắt Lý thay đổi. Lý chuyển sang váy, bới tóc và trang điểm. Nhưng chỉ được đôi ba lần. Cô bảo: bị bận tâm về trang phục, cô mất tập trung và không tự tin. Thế nên, Lý gần như là ca sĩ duy nhất, hát trọn một show diễn với khuôn mặt không trang điểm, với trang phục thường ngày và giọng ca không màu mè. Điều ấy làm khán giả thích cô hơn.

Lớp học đặc biệt

Lý có một mơ ước lớn, là lập được một lớp học đặc biệt. Năm nay, lớp học ấy đã hình thành, lấy tên là Cẩm Chướng, đặt tại Măng Đen, Kon Tum.

Học viên của Lý có khoảng 3 tháng để học về Lịch sử âm nhạc phương Tây cổ điển và hiện đại, Lịch sử âm nhạc phương Đông, Nghe nhạc tập trung, Lý thuyết âm nhạc, Hoà thanh, Hoà tấu, Nhạc cụ cơ bản cho người bắt đầu (Guitar, Ukulee, Piano), Sáng tác ca khúc, Lịch sử Mỹ thuật, Nhập môn Nghệ thuật đương đại, Vẽ Cơ bản và Nâng cao, Gốm, Sản xuất, Làm vườn, Khám phá Măng Đen, Thể thao... Bên cạnh đó có các câu lạc bộ: Thiền Vipassana, Đọc sách, Đan len, Làm bánh, Đạp xe, Chạy bộ, Cờ vây...

Đây là mô hình học và chơi, cân bằng giữa hoạt động bên trong và bên ngoài. Ở đây học viên có thể mặc đồ ngủ thoải mái lên lớp học. Giáo viên và học sinh ở cùng nhau vì không chỉ có học sinh đi học mà giáo viên cũng đi học từ học sinh và từ các kiến thức của bộ môn khác trong trường.

MỚI - NÓNG