Đồng Nai thu hồi gần 20ha đất làm khu tái định cư cho cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết

TPO - UBND tỉnh Đồng Nai giao UBND huyện Cẩm Mỹ thông báo cho các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất biết chủ trương thu hồi đất của Nhà nước để có kế hoạch sản xuất, di dời cho phù hợp.

Ngày 7/5, ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, đã ký văn bản số 4788/TB-UBND thông báo về việc thu hồi đất để thực hiện đầu tư xây dựng khu dân cư và tái định cư tại xã Nhân Nghĩa, huyện Cẩm Mỹ thuộc dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Dầu Giây-Phan Thiết.

Cụ thể, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ điều tra, khảo sát, đo đạc và thu hồi đất của Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai quản lý, sử dụng để thực hiện đầu tư xây dựng Khu dân cư và tái định cư tại xã Nhân Nghĩa, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai.

Dự kiến quỹ đất thu hồi đất với diện tích khoảng 185.146 m2 thuộc một phần thửa đất số 18 tờ bản đồ số 5; một phần thửa đất số 27 tờ bản đồ số 35; một phần thửa đất số 140, thửa 171, 172, 173 tờ bản đồ số 31 xã Nhân Nghĩa, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng. Các thửa đất gồm có đất trồng cây lâu năm, đất ở tại nông thôn, đất xây dựng cơ sở giáo dục đào tạo và đất giao thông.

Đồng Nai thu hồi gần 20ha đất làm khu tái định cư cho cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết ảnh 1 Dự kiến, tháng 8/2020 sẽ khởi công dự án cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết.

UBND tỉnh Đồng Nai giao UBND huyện Cẩm Mỹ thông báo cho các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất biết chủ trương thu hồi đất của Nhà nước để có kế hoạch sản xuất, di dời cho phù hợp. Chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Cẩm Mỹ phối hợp với đơn vị chức năng đo đạc và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc xác định diện tích đất, thống kê nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Dự án đường cao tốc Dầu Giây- Phan Thiết có chiều dài toàn tuyến khoảng 99km. Đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 51,5km chạy qua các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất và TP. Long Khánh với diện tích đất phải thu hồi khoảng 395 ha của 884 hộ gia đình. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, dự kiến trong tháng 5/2020, tỉnh Đồng Nai có thể bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư dự án đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết.

Tại Bình Thuận, tuyến đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết đi qua địa bàn hai huyện Hàm Tân và Hàm Thuận Nam với chiều dài khoảng 53 km. Đến nay, cơ quan chức năng đã phê duyệt bản đồ địa chính 8/8 xã, hồ sơ giá đất của hai huyện. Kinh phí giải phóng mặt bằng đoạn cao tốc qua địa bàn tỉnh dự kiến khoảng gần 900 tỷ đồng.

Cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết là 1 trong 3 dự án được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất chuyển từ hình thức đầu tư Hợp đồng đối tác công tư (PPP) sang hình thức đầu tư công, sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước. Sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền khai thác theo hình thức Hợp đồng Kinh doanh quản lý (O&M) để thu hồi vốn. Đề xuất trên của Bộ Giao thông Vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và dự kiến tháng 8/2020 sẽ khởi công dự án cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết.

Đường cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây khi hoàn thành sẽ kết nối với hệ thống đường cao tốc Bắc Nam đang được xây dựng từ Dầu Giây (Đồng Nai) đến Cần Thơ (gồm các đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, Bến Lức-Nhơn Trạch-Long Thành, TPHCM-Trung Lương-Cần Thơ). Từ đó tạo thành tuyến đường cao tốc dài gần 400 km đi qua các trung tâm kinh tế, các đầu mối giao thông quan trọng ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, liên kết khu vực miền Trung với miền Nam.

Cũng tại Đồng Nai, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh này vừa khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư tái định cư Lộc An-Bình Sơn thuộc dự án Thu hồi đất bồi thường hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành. Khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn nằm phía Bắc sân bay Long Thành, dọc theo tuyến đường tỉnh 769 và tiếp giáp Khu công nghiệp Lộc An-Bình Sơn có diện tích hơn 282ha, được chia làm 3 phân khu với hơn 5.000 lô tái định cư, đáp ứng chỗ ở cho 26.500-29.500 người thuộc các hộ dân phải di dời do bị giải tỏa trắng giao đất cho cho dự án sân bay Long Thành. Dự kiến đến khoảng tháng 7/2020 các hộ dân nhận tái định cư có thể vào xây dựng nhà và các công trình. Về xây dựng các công trình xã hội như trường học, trạm y tế, chợ, trung tâm văn hóa theo kế hoạch, dự kiến các công trình này được khởi công vào tháng 8/2020.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.