Ngày 6/10, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản thống nhất với UBND TPHCM về việc tổ chức giao thông cho một số đối tượng lưu thông giữa TPHCM và tỉnh Đồng Nai.
Việc lưu thông vào Đồng Nai còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề |
Theo đó, hiện nay, tỉnh Đồng Nai đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 và tiếp tục thực hiện các biện pháp để từng bước phục hồi hoạt động kinh tế - xã hội đảm bảo công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Do đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khôi phục sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất tổ chức cho người lao động di chuyển giữa TPHCM và tỉnh Đồng Nai theo hình thức sau: Việc di chuyển của người lao động thực hiện theo phương án tổ chức vận chuyển bằng xe ô tô, đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19.
Người lao động đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi thứ nhất đủ 14 ngày sau khi tiêm hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng có xác nhận của cơ quan y tế nơi quản lý, theo dõi, điều trị.
Đối với phương án sử dụng xe cá nhân (ôtô, mô tô, xe gắn máy), đề nghị UBND TPHCM thống nhất thực hiện khi tỉnh Đồng Nai trở lại trạng thái bình thường mới. UBND tỉnh Đồng Nai sẽ có văn bản thông báo đến UBND TPHCM khi chuyển sang tình trạng bình thường mới.
Đối với hoạt động vận tải hàng hóa tỉnh Đồng Nai đề nghị thực hiện theo "Hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng xe ô tô trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19" nhằm đảm bảo thực hiện thống nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành về lưu thông hàng hóa.
Trước đó, UBND TPHCM đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai về việc lấy ý kiến về dự thảo phương án tổ chức giao thông cho một số đối tượng lưu thông giữa TPHCM và các tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động di chuyển, khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn.
Số ca mắc mới ở Bình Dương thấp nhất trong 2 tháng qua
Chiều tối 6/10, CDC Bình Dương thông tin, trong 24h qua, địa phương ghi nhận 852 ca mắc mới COVID-19. Đây là mức thấp nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây.
Ca mắc COVID-19 ở Bình Dương giảm đều trong 9 ngày liên tiếp |
Cùng ngày, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương tổ chức chia tay các tình nguyện viên công đoàn đã tham gia vào quá trình xét nghiệm “thần tốc”, sàng lọc F0 tại các địa phương trong nửa tháng qua.
Trước đó, để chung tay cùng các lực lượng tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Bình Dương, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã huy động hơn 1.000 tình nguyện viên với lực lượng nòng cốt là cán bộ Công đoàn, đoàn viên, người lao động.
Các tình nguyện viên quay trở về làm nhiệm vụ chuyên môn |
Lực lượng đã phân chia thành nhiều tổ, thực hiện nhiều nhiệm vụ như hỗ trợ tiêm vắc xin, lấy mẫu, chuyển phát lương thực, nhu yếu phẩm, trực chốt, nhập liệu... Đến nay, một nửa số lượng nhân sự đã quay về làm nhiệm vụ chuyên môn.
Đắk Lắk thêm 12 ca mắc
Chiều 6/10, thông tin từ Sở Y tế Đắk Lắk, tỉnh này vừa ghi nhận thêm 12 trường hợp mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên 2.050 trường hợp (trong đó đang điều trị 577 người; 1.458 bệnh nhân điều trị khỏi bệnh, và 15 trường hợp tử vong).
Trong số ca mắc mới có 4 ca bệnh trong cộng đồng. Trước đó vào ngày 5/10, ngành y tế phát hiện 6 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 chưa rõ nguồn lây.
Bên cạnh các ca nhiễm trong cộng đồng, số ca bệnh trong khu phong tỏa, cách ly tập trung cũng tăng lên. Đáng chú ý, theo thống kê của ngành y tế, trong 3 ngày (4-6/10), Đắk Lắk ghi nhận 14 ca mắc COVID-19 là những công dân hồi hương từ các tỉnh thành phía Nam.
Nghệ An kích hoạt lại các khu cách ly tập trung để đón người hồi hương
Chiều 6/10, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định thành lập Tổ công tác đón người dân từ các tỉnh, thành phố phía Nam trở về địa phương do ông Nguyễn Văn Hải, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải làm Tổ trưởng. Tổ này có nhiệm vụ đón, phân loại công dân để đưa đi cách ly phù hợp theo các nhóm đối tượng đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 hay chưa.
Người chưa được tiêm vắc xin, chưa được xét nghiệm phải cách ly tập trung. Những người đã tiêm 2 mũi vắc xin, có giấy xét nghiệm còn hiệu lực thì đưa về địa phương, tổ chức cách ly tại nhà để giảm tải cho khu cách ly tập trung.
Hàng nghìn người đi xe máy về qua chốt cầu Bến Thủy |
Ngay sau khi về đến địa bàn tỉnh, người dân được chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đón tiếp, thực hiện phòng, chống dịch và cách ly y tế; được bố trí ngồi chờ trong nhà bạt có mái che để phân loại; được hỗ trợ thức ăn nhanh, sử dụng khu vực vệ sinh đảm bảo môi trường.
Do lượng người về tăng đột biến, các huyện, thành phố và thị xã trên địa bàn sẽ kích hoạt lại các cơ sở cách ly tập trung tại địa phương để sẵn sàng đón công dân trở về. Nếu vẫn không đáp ứng được, cơ quan chức năng sẽ sử dụng các trường mầm non để làm cơ sở cách ly tập trung. Các địa phương chỉ đạo Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng giám sát chặt chẽ người dân trở về.
Hỗ trợ thức ăn, nước uống,... cho người dân về quê |
Trong ngày 5/10 và sáng 6/10, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An đã tiếp nhận 1.446 người trở về từ TPHCM và các tỉnh phía Nam.
Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An sẽ hỗ trợ khẩn cấp cho người lao động từ các tỉnh miền Nam về quê với mức 500.000/người.
Dự kiến, lượng công dân từ các tỉnh, thành phía Nam về quê sẽ tăng trong vài ngày tới |
Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh việc đón những công dân có hoàn cảnh khó khăn tự phát trở về quê vừa là tình cảm vừa là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền đối với công dân tỉnh nhà.