Đồng hồ nước 'nhảy múa', dân bức xúc

Việc xử lý đồng hồ nước đo sai của BQL chung cư Hateco Hoàng Mai (Hà Nội) chưa được người dân chấp nhận
Việc xử lý đồng hồ nước đo sai của BQL chung cư Hateco Hoàng Mai (Hà Nội) chưa được người dân chấp nhận
TP - Hơn 10 tháng qua, cư dân chung cư Hateco Hoàng Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn chưa đồng thuận với phương án mà Ban quản lý (BQL) đưa ra xử lý đồng hồ nước đo sai. Sự việc kéo dài, cùng với cách giải quyết chưa thuyết phục của BQL khiến cư dân bức xúc.

Tiền nước tăng 600%

Gửi đơn đến báo Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Nam, cư dân tòa nhà Hateco Hoàng Mai phản ánh: Kể từ tháng 8/2018, toàn thể cư dân nhận được thông báo, tiền nước sinh hoạt của các hộ tăng đột biến, từ 50% đến trên 300%, cá biệt có hộ tăng đến 600%. Đơn cử, căn hộ A1005, tiền nước tháng 8/2018 là 1.064.000 đồng, sau khi thực hiện vệ sinh đồng hồ và được cho là chạy chính xác thì tiền nước các tháng 9, 10, 12 dưới 230.000 đồng, thậm chí tháng 11 chỉ có 170.000 đồng. 

Nghi ngờ tính minh bạch, cư dân yêu cầu BQL vận hành tòa nhà chung cư Hateco Hoàng Mai (trực thuộc Cty Cổ phần Hateco Hà Nội) mời một đơn vị có đầy đủ chức năng thẩm định, chuyên môn kỹ thuật vào kiểm tra đồng hồ nước nhằm đảm bảo tính độc lập, khách quan.  
Sau nhiều lần họp, đại diện BQL thông báo, đồng hồ chạy sai là do bị bẩn và đưa ra phương án nhờ kỹ thuật của tòa nhà kiểm tra và vệ sinh đồng hồ nước. Tại các buổi làm việc, BQL tòa nhà cho biết, đồng hồ nước là tài sản của từng căn hộ và đã hết hạn bảo hành. Cư dân muốn mời kiểm tra phải tự bỏ tiền ra nhưng phải đảm bảo đủ tư cách pháp nhân và phải có sự chứng kiến của BQL tòa nhà.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, nhiều lần tổ chức họp, có ý kiến nhưng cư dân và BQL chưa thống nhất được cách giải quyết. Sự việc kéo dài cho đến nay vì chủ đầu tư chần chừ, không chấp thuận và còn ấn định ngày cắt nước, nếu cư dân không đồng thuận phương án đưa ra.

Trước tình thế đó, một số cư dân chấp nhận cho kỹ thuật tòa nhà tháo kẹp chì, vệ sinh lại đồng hồ nước. Tuy nhiên, tình trạng đồng hồ nước chạy sai vẫn tái diễn. Ông Vũ Đức Bình, cư dân tầng 22 tòa B, chung cư Hateco Hoàng Mai cho biết, đến nay, trong danh sách bàn giao cho cư dân không có hạng mục đồng hồ nước. Hơn nữa, hàng tháng BQL vẫn kiểm soát, vận hành vì họ phải đo và thu tiền nước. 

Theo ông Bình, nhân viên kỹ thuật tháo kẹp chì xong lại dùng phương pháp thủ công “nhân viên đi đo nước bằng cách dùng bình nước 20 lít, 1 người vặn nước vào bình, 1 người nhìn đồng hồ. Bình nước đầy thì họ báo số. Cách làm này chưa thuyết phục, kết quả kiểm tra chỉ mang tính tham khảo, chưa có căn cứ để thẩm định, chứng minh”, ông Bình cho biết.

Lấy số đo đồng hồ tháo kẹp chì để tính toán

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Hoàng Tùng, Trưởng BQL chung cư Hateco Hoàng Mai xác nhận, có tình trạng đồng hồ nước chạy sai nhưng sai đến 600% thì chưa hợp lý. “Đồng hồ có quay tự do cũng chỉ tăng gấp đôi, vì đồng hồ nước chỉ sai về dung lượng, chỉ số. Chung cư được thiết kế đồng hồ nước dạng đứng, lại chạy bằng cảm ứng từ. Khi lượng Magie đóng cặn sẽ có từ tính, ảnh hưởng đến hai đầu từ, dẫn đến đồng hồ quay chưa chính xác. Sau khi được sự đồng ý của cư dân, chúng tôi mới tháo ra để vệ sinh lại”, ông Tùng lý giải. 

Ông Tùng cho biết, mấy tháng qua có khoảng 400 căn hộ thắc mắc về đồng hồ nước, đến nay còn 7, 8 hộ chưa đồng thuận. “Nếu quá trình kiểm tra, đồng hồ nào sai, chúng tôi sẽ không thu tiền tới khi nào xử lý xong. Còn những hộ đã xử lý, chúng tôi đưa ra các phương án tính tiền nước để cư dân lựa chọn như: Tính trung bình của các tháng trước khi phát hiện hoặc đóng tiền bằng các tháng sau khi có sự đảm bảo là đồng hồ chạy chính xác. BQL cũng đang xây dựng biện pháp (chờ thống nhất về chi phí mới ra thông báo) mời đơn vị cung cấp đồng hồ bảo hành như mới.

Tuy nhiên, theo phản ánh của cư dân Hateco Hoàng Mai, nếu tính như phương án của chủ đầu tư đưa ra, phải dựa vào số đo của những tháng trước tháng 8/2018 để làm căn cứ so sánh. Trong khi đó, kỹ thuật đã tháo kẹp chì, số đo của đồng hồ trước tháng 8/2018 liệu có đảm bảo chính xác.

“Chúng tôi yêu cầu một đơn vị độc lập kiểm tra nhưng BQL không chấp thuận. Họ dùng biện pháp gây sức ép, rồi cho nhân viên tháo kẹp chì để vệ sinh đồng hồ, kẹp chì tháo ra rồi ai chịu trách nhiệm”, ông Vũ Đức Bình cư dân tầng 22, tòa nhà B, Hateco Hoàng Mai nêu ý kiến.

MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.