Đông Hồ hàng mã

Đông Hồ hàng mã
TP - Đông Hồ đang rộn rã vào xuân, hối hả nhưng không phải bằng nghề tranh mà là làm hàng mã. Về Đông Hồ trong những ngày này, lòng bỗng thấy “xót xa như rụng bàn tay”.

Vàng son trong quá khứ

Làng tranh Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) tồn tại suốt hơn 500 năm làm nên nét đẹp đặc trưng của xứ Kinh Bắc.

Từ xa xưa, mỗi dịp Tết Nguyên đán, những tờ tranh dân gian in màu sắc tươi rói lại được bày bán khắp từ nông thôn đến thành thị.

Tranh dân gian, tranh Tết được lưu truyền bằng kỹ thuật in bản gỗ trên chất liệu giấy dó, giấy điệp. Làng Đông Hồ ( xưa kia gọi là làng Mái) vào dịp tháng chạp luôn tấp nập kẻ bán người mua.

Thời thời cực thịnh của dòng tranh này là những năm trước 1945. Khi ấy 17 dòng họ trong làng đều làm tranh. Hằng năm đình làng Đông Hồ luôn đông vui tấp nập với năm phiên chợ (mỗi phiên kéo dài năm ngày) vào dịp tháng chạp để bán cho khách thập phương.

Chuẩn bị phiên chợ, cả làng tất bật từ tháng bảy âm lịch, sản xuất không quản ngày đêm. Từ sân nhà, sân đình cho đến các triền đê ven sông Đuống đâu đâu cũng sáng bừng lên những “sắc màu dân tộc”. Đó là: Sắc đỏ của sòi son, sắc xanh từ lá chàm, sắc vàng của hoa hòe, màu đen của rơm nếp và lá tre, màu trắng óng ánh, lấp lánh từ vỏ sò, vỏ điệp. Đông Hồ xưa người người làm tranh, nhà nhà làm tranh, các nghệ nhân già thì sáng tác mẫu, người trẻ khắc ván, kẻ in tranh.

Một làng nghề - hai nghệ nhân

Làng Đông Hồ bây giờ không còn làm tranh như xưa nữa. Đa số người trong làng chuyển sang làm hàng mã. Cả làng chỉ còn hai gia đình “sống chết” với tranh.

Gần 70 năm gắn bó với nghề, nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam - người dành nhiều tâm huyết sưu tầm và bảo tồn nghề truyền thống không khỏi xót xa trước nguy cơ “ thất truyền” của dòng tranh Đông Hồ. Ông là người có may mắn được sống vào thời thịnh vượng của nghề tranh. Theo ông, muốn giữ nghề, không được nghĩ tới cái lợi trước mắt.

Hàng mã - nghề mới ở làng tranh
Hàng mã - nghề mới ở làng tranh.

Nhưng các hình thức in lưới, dùng bột màu thay cho chất liệu thiên nhiên… trở nên phổ biến đã làm cho dòng tranh mất đi cái hồn cốt và nét đặc trưng vốn có. Nhiều bản khắc gỗ đứng trước nguy cơ bị thất lạc và hư hại do cung cách bảo quản thủ công. Cả làng giờ chuyển sang làm hàng mã để mưu sinh. Đông Hồ cũng giàu lên từ đó. Vẫn tấp nập kẻ bán người mua, nhưng không phải là mặt hàng tranh truyền thống.

Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Đăng Triển, gia đình có 7 đời làm tranh tại Đông Hồ nhưng giờ đây thấy có tội vì không giữ được nghề truyền thống của cha ông. Trước thời buổi kinh tế thị trường, làm tranh bây giờ không biết bán cho ai, trong khi nghề làm hàng mã lại nuôi sống được cả nhà. Vì kế sinh nhai cả làng phải chuyển sang làm hàng mã.

Giấc mơ giấy điệp

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế là một trong hai nghệ nhân còn lại của làng tranh Đông Hồ. Do chưa hẹn trước nên chúng tôi đến mà không gặp được vì ông đang phải ra Hà Nội, nơi có cửa hàng giới thiệu sản phẩm tranh Đông Hồ của gia đình tại số 16 Chân Cầm. Trao đổi qua điện thoại, như nói trúng nỗi tâm can của mình, ông bảo: “Nghề tranh của làng có từ lâu, đến đời tôi là đời thứ 22. Tôi vẫn luôn tự nhủ lòng mình, rồi lại dặn dò con cháu là phải giữ cho được nghề truyền thống”.

Từng là giảng viên Đại học Mỹ thuật công nghiệp, sau khi về hưu, ông đã dành những đồng lương ít ỏi khôi phục nghề tranh. Hiện, cả gia đình ông với 3 thế hệ đều làm tranh. Để mở rộng quy mô sản xuất, vừa qua ông đã phát triển các cơ sở nhỏ lẻ của mình trở thành Doanh nghiệp tư nhân tranh dân gian Đông Hồ của Nguyễn Đăng Chế.

Khi được hỏi, niềm nuối tiếc lớn nhất của ông là gì, ông bảo chỉ mong những phiên chợ như ngày mùng 6, 11, 16, 21, 26 tháng chạp với những dòng người ở khắp nơi đổ về làng Hồ đông vui như trẩy hội của một thời vàng son ngày xưa sẽ quay trở lại.

Đến Đông Hồ bây giờ, khắp trong làng, ngoài xóm, đến các ngõ ngách đều phơi “giấy hồng”, “giấy đỏ” của nghề hàng mã chứ không còn giấy dó, giấy điệp của nghề tranh nữa. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Như Điều - Chủ tịch UBND xã Song Hồ nói: Cả làng bây giờ có tới 98% người dân chuyển sang làm hàng mã, chỉ còn 2 hộ gia đình cố bám trụ. Nghề truyền thống của làng có nguy cơ “thất truyền” mà địa phương cũng chưa tìm ra được cách gì.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.