> Thuyền trưởng Hoàng Sa
> Người trẻ vẽ Hoàng Sa - Trường Sa qua tư liệu
Phát hiện quan trọng vừa được TS Vũ công bố sau những năm dài điền dã, sưu tập tài liệu và đối chứng giữa các loại văn bản, chính sử.
Đo đạc, tìm kiếm sản vật Hoàng Sa…
Sử xưa và ký ức của các bậc cao niên thôn Tây (xã An Vĩnh, Lý Sơn) kể rằng, họ Võ Văn là một trong 13 tộc họ tiền hiền ra đảo Lý Sơn mở nghiệp từ thế kỷ 17. Các tộc phả còn chép lại, thủy tổ Võ Văn Lúa được xem là bậc tiền hiền của dòng họ này ở Lý Sơn. Hàng trăm năm trước, bao lớp hậu duệ thủy tổ trên đảo đã căng buồm đạp sóng ra đại dương để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền tại Hoàng Sa, kiêm quản Trường Sa. Nhiều nhân vật được truyền tụng, lưu danh hậu thế của các dòng họ, như: Chánh đội trưởng thủy quân xuất đội Phạm Hữu Nhật, Phạm Quang Ảnh, Phạm Văn Nguyên, Võ Văn Hùng, Võ Văn Phú…
Tuy nhiên, theo TS Vũ, qua các tài liệu mà ông phát hiện góp phần chứng tỏ người ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ sớm nhất trên đảo Lý Sơn phải nói đến là cai đội Võ Văn Khiết. Cụ là tổ tiên đời thứ 5 của dòng Võ Văn trên đảo. Đến nay, nhà thờ và tấm bia tưởng nhớ công trạng của cụ vẫn nghi ngút khói hương, tỏ lòng thành kính của các thế hệ con cháu.
Từ những năm đầu 2001 đến 2007 khi thực hiện dự án trùng tu di tích gắn liền với đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa trên đảo Lý Sơn, TS Vũ từng nhiều lần trăn trở về cái tên Võ Văn Khiết. Các nhà nghiên cứu như GS Nguyễn Quang Ngọc, TS Nguyễn Nhã trong những lần ra Lý Sơn cũng lần tìm thông tin về cụ. Nhưng, các tài liệu sưu tầm được lúc đó chưa đủ cơ sở để khẳng định vai trò và công trạng của cai đội Võ Văn Khiết. TS Vũ kể, phải đến lần tiếp cận được tờ chỉ thị của Thượng tướng công thời Tây Sơn, năm Thái Đức thứ 9 (năm 1786) và phả hệ Võ Văn do chính Võ Văn Khiết lập ngày ngày 19 tháng 6 năm Gia Long thứ 5 (1806) và từ các tài liệu dòng họ khác trên đảo Lý Sơn, việc “định danh” ông mới sáng tỏ.
Tờ chỉ thị ban hành năm 1786, đóng dấu của Thượng tướng công thăng chức từ “cai hợp” lên “cai đội” để tiếp tục tuyển mộ binh phu đi Hoàng Sa làm nhiệm vụ đo đạc, tìm kiếm sản vật, hải sản, khí cụ về dâng nạp triều đình… So với các tài liệu cổ thu thập của các dòng họ Lý Sơn đây là mốc thời gian sớm nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ ra Hoàng Sa. Từ dòng thông tin này, đối chiếu với chính sử, TS Vũ phát hiện nhiệm vụ này hoàn toàn trùng hợp với nhiệm vụ của phu binh Hoàng Sa trong việc thực hiện đo đạc ở Hoàng Sa được ghi trong Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn, năm 1776), Lịch triều hiến chương loại chí, Hoàng Việt địa dư chí (Phan Huy Chú, được viết cuối thời Gia Long, đầu thời Minh Mạng) và cả Đại Nam Thực lực tiền biên của Quốc sử quán triều Nguyễn. Ngạc nhiên hơn, cái tên Võ Văn Khiết không chỉ được ghi chép trong tài liệu dòng họ Võ Văn mà còn được nhắc đến cả trong các tài liệu dòng họ khác trên đảo.
Chưa rõ cai đội Võ Văn Khiết thực hiện bao nhiêu chuyến ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ, nhưng có điều chắc chắn chính nhờ công trạng bôn ba ra biển đảo, khi trở về cụ được dân làng cảm phục, bầu giữ chức cai đình An Vĩnh vào năm 1803. Tại các tài liệu cổ dòng họ Võ Văn, Phạm Quang (Lý Sơn) còn ghi lại việc bổ nhiệm cai đội Hoàng Sa, trong đó chép rõ: Võ Văn Khiết là người có công lao lớn, uy tín trong làng nên các dòng tộc làng An Vĩnh tiến cử giữ chức vụ cai đình.
Dòng họ hùng binh
TS Vũ nhấn mạnh: Nhiều năm dài nghiên cứu về Lý Sơn - “bảo tàng sống” Hoàng Sa, Trường Sa nhưng việc tìm hiểu, khẳng định vai trò của dòng họ Võ Văn là một phát hiện quan trọng. Đây là dòng họ có công đầu tiên trong việc thiết lập đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa để đưa binh phu ra đảo làm nhiệm vụ. Đồng thời, cho thấy truyền thống bảo vệ biển đảo của dòng họ hùng binh này. Không chỉ đo đạc, tìm kiếm sản vật, các thế hệ Võ Văn còn thực thi nhiệm vụ cắm mốc chủ quyền ngoài Hoàng Sa.
Mộ cai đội Hoàng Sa Võ Văn Khiết. TS Vũ đứng bên phải Ảnh: NDV. |
Theo hậu duệ đời thứ 16 Võ Văn Út (xã An Hải, Lý Sơn), chưa thể thống kê hết có bao nhiêu cha ông tộc họ Võ Văn tham gia mộ binh Hoàng Sa. Nhưng từ sau tiền nhân Võ Văn Khiết, các thế hệ con cháu vẫn tiếp bước đạp sóng ra giữ đảo. Mỗi dịp khao lề thế lính vào độ tháng 2 âm lịch, truyền thống ấy lại được các vị cao niên truyền lại cho con cháu.
Tiếp bước cha, những năm 1802- 1803, cai đội Võ Văn Phú (con cụ Khiết) đạp sóng ra Hoàng Sa thực thi chủ quyền. Các chính sử triều Nguyễn nhiều lần nhắc đến Phú nhuận hầu Võ Văn Phú kiêm thủ ngự cửa biển Sa Kỳ từ rất sớm. Đại Nam thực lục chính biên còn chép, Võ Văn Phú đảm nhận nhiệm vụ mộ dân tái lập đội Hoàng Sa, bảo vệ chủ quyền.
Năm 2009, khi gia tộc họ Đặng (Lý Sơn) chính thức công bố tờ lệnh điều binh Hoàng Sa (năm Minh Mạng thứ 15, Giáp Ngọ 1834), TS Vũ phát hiện thêm nhiều tư liệu khẳng định truyền thống hùng binh của tộc họ Võ Văn. Tờ lệnh đóng dấu triện của hai vị quan bố chánh và án sát tỉnh Quảng Ngãi ghi rõ những tên tuổi tham gia hải đội Hoàng Sa đợt này như Đặng Văn Siểm, Dương Văn Định, Phạm Quang Thanh, Võ Văn Công, Võ Văn Hùng, Ao Văn Trâm, Trần Văn Kham… Trong đó, chiếu theo phả tộc Võ Văn, ông Võ Văn Hùng chính là một trong 10 người con của cai đội Võ Văn Khiết. Chính sử triều Nguyễn ghi lại nhiều lần ông Hùng được giao nhiệm vụ dẫn đường cho hải đội ra Hoàng Sa. Ông cũng đảm nhận việc tuyển chọn binh phu Hoàng Sa. Việc chọn quân 1834 còn có em trai Võ Văn Công, Võ Văn Sanh cùng những binh phu trong làng như đà công (lái thuyền) Đặng Văn Siểm, Phạm Quang Thanh…
Theo TS Vũ, đây có thể là lần vượt biển ra Hoàng Sa thứ 2 của cai đội Võ Văn Hùng. Rất khó có thể khẳng định chính xác ông thực hiện bao nhiêu chuyến vượt biển nhưng theo một số tài liệu gia tộc và chính sử, ông ít nhất ba lần vượt biển Đông cắm mốc chủ quyền ngoài Hoàng Sa. Đây là một con số đáng tự hào so với hoàn cảnh lịch sử thời điểm đó.
Những lần ngược xuôi ra đảo Lý Sơn, những câu chuyện hùng binh vượt biển vẫn được các thế hệ con cháu Võ Văn lưu giữ như truyền thống hào hùng, không thể phai nhạt. Hậu duệ Võ Văn Út tự hào: tiền nhân Võ Văn Khiết mở ra truyền thống hùng binh cho dòng họ hướng mình ra biển cả. Chúng tôi vẫn thường nghe kể về những chuyến đạp sóng ra Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa. Ngày đó, họ đi trên những chiếc thuyền buồm nhỏ mang theo lương thực, lênh đênh làm nhiệm vụ 4 - 6 tháng trời ngoài Hoàng Sa. Khi về, họ trình báo triều đình những sản vật thu lượm được, những bản đồ đã vẽ…
Các bậc cao niên dòng họ Võ Văn kể: Mỗi chuyến đi là hành trình đầy khắc nghiệt, đối diện sinh tử. Biển bao la, thuyền nhỏ bé, phải nương nhờ sức gió hải lưu và sức chèo để tiếp cận đảo. Những mất mát tang thương không kể hết, nên trước mỗi chuyến đi biển, dòng tộc, dân làng đều tổ chức các lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Gian nan khắc nghiệt, nhưng mỗi lần nhận lệnh, các thế hệ dòng họ Võ Văn và các gia tộc khác trên đảo Lý Sơn vẫn lên đường, trực chỉ Hoàng Sa, Trường Sa.
Trồng rong nho ở Trường Sa Sở KH-CN tỉnh Khánh Hòa, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, UBND huyện Trường Sa và Viện Hải dương học Nha Trang đã thống nhất thực hiện đề tài chuyển giao kỹ thuật trồng rong nho cho huyện Trường Sa. Ông Huỳnh Kỳ Hạnh, Giám đốc Sở KH-CN Khánh Hòa cho biết. Trước hết, sẽ thử nghiệm trồng rong nho ở Vùng 4 Hải quân, sau khi có kết quả sẽ tiến hành trồng ở các đảo thuộc huyện Trường Sa. Rong nho là loài rong giàu các loại vitamin và khoáng chất, giá trên thị trường khoảng 200 ngàn đồng/kg, có thể trồng trong môi trường nước biển, nơi có tầng đáy san hô, nguồn nước sạch và không có cửa sông, trong bể xi măng, hộp xốp... Như vậy, rong nho có thể trồng tại các đảo ở Trường Sa và đạt hiệu quả, góp phần đáng kể vào việc giải quyết nhu cầu rau xanh tại Trường Sa. |