“Ông giăng xuống chơi nhà tôi/ có nồi cơm nếp, có đệp bánh chưng/ có lưng hũ rượu/ có khướu đánh đu/ bồ cu vẽ chài/ cái chai xách giỏ/ mẹ đỏ ẵm con/ cái non xách nước/ cái lược chải đầu/ con trâu cày ruộng/ cái muống thả ao/ mày tát chuôm tao/ tao tát chuôm mày/ mày đầy giỏ cá/ tao đầy giỏ tôm/ mày bán chợ hôm/ tao bán chợ đền/ mày canh cửa đền/ tao canh cửa vua/ mày làm mắm chua/ tao làm mắm thính/ mày con ông Chánh/ Tao con ông Xã/ mày là cái ả/ tao là cái hai/ mày cầm bù đài/ tao đội nón méo/ mày cầm cái kéo/ tao cầm con dao/ mày làm sao/ tao làm vậy/ mày đi buôn cậy/ tao đi buôn hồng/ mày ra kẻ chợ/ tao về nhà quê”.
Đó là bài đồng dao ngày xưa tôi hay được nghe mẹ hát trong đêm trăng khi cùng mẹ nằm chèo queo trên chõng giữa sân ngắm lên dải ngân hà. Lúc ấy thấy bầu trời đen thăm thẳm mà cao rộng, mặt trăng thì như con thuyền thúng bằng vàng trôi trên dòng sông ngân vô tận. Cái cảnh thênh thang bài đồng dao vẽ ra với những câu chuyện cũng lạ lùng, chuyện nọ xọ chuyện kia, hầu như chẳng ăn nhập vào nhau, nó miên man mỗi thứ một tí mà thông tin đầy ắp, nhiều hơn cả lời hát.
Tôi hỏi mẹ thế nào là chuôm, thế nào là ao, mẹ đỏ là thế nào…Mẹ giải thích cặn kẽ từng đồ dùng, từng loại công việc đến con trâu, cỏ cây; chuyện buôn bán và những chuyện bẻ hành bẻ tỏi trong giao dịch và dọa nhau đụng độ dao kéo.
Nhưng mẹ bảo là hát thế thôi, hát để răn đời chứ làm gì có đánh nhau. Rằng trên đời này đừng ỷ thế mà bắt nạt nhau, mỗi người đều có cái hay cái riêng và cái khôn của mình, chẳng có ai cái gì cũng giỏi…
Đâu có ngờ rằng lúc ấy mẹ đã là cô giáo khai tâm môn địa lí, sinh vật, đạo đức và mối quan hệ xã hội trước khi tôi đến trường. Mẹ như cô giáo thực thụ, dù mẹ chưa từng được đến trường, chưa từng biết chữ bao giờ.
Đám trẻ phố phường ngày nay thì may mắn hơn nhiều vì chúng được mẹ ốp cho học, chăm chú bón thúc hàng ngày bằng kiểm tra. Còn mỗi kì thi thì hối hả nhồi nhét đến bội thực, đến hết cả mơ màng.
Tôi có tuổi thơ nghèo nhưng được thảnh thơi trong cái thiếu: cái gì cũng thiếu một tí và phải tự bù đắp bằng cách hỏi và hỏi. Cũng có những điều vượt qua tầm hiểu biết của mẹ thì ghi nhớ trong lòng để khi có cơ hội thì tìm hiểu tiếp.
Những bài đồng dao luôn gợi mở trong mắt tuổi thơ sự tò mò, và tập cho tuổi thơ dần thói quen quan sát và tìm hiểu cuộc sống quanh mình.
Một bài đồng dao khác cũng dính đến trăng: “Ông giẳng ông giăng/ ông giằng búi tóc/ ông khóc ông cười/ mười ông một cỗ/ đánh nhau lỗ đầu/ đi câu nhà kiến/ đi kiện củ khoai/ một lũ ông dài/ mười hai ông điếc…” Nghe thật vu vơ mà chẳng vu vơ tẹo nào.
Đây là thứ vấn nạn mang tính qui luật của con người. Nên những bài đồng dao này luôn được gán cho như sấm trạng, có tính dự báo.
Tôi yêu những bài đồng dao. Đất nước phát triển nhưng cũng đừng nên tìm cách phá hết cấu trúc làng xóm. Nó đấy. Làng quê là một phần nghèo khó của đất nước nhưng cội nguồn văn hóa dân tộc cũng được cất giấu ở đấy…
Mỗi khi có gì trĩu nặng trong đời, bạn hãy ghé về quê tìm lại hương lúa, mùi khói bếp thôn quê và nghe lại những bài đồng dao, những ca dao, tục ngữ, thành ngữ dân gian và chắc chắn bạn tìm lại được sự bình yên cho trái tim mình…