Nghĩ ở tết quê

Minh họa: Đỗ Đức
Minh họa: Đỗ Đức
TP - Tết này tôi về quê. Năm nay rét dài, mạ bị rét táp, làm lá úa vàng. Ngày 28 tết nước vẫn đang được bắt vào ruộng ngả ải cho đất ngấu nước.

Hai tám tết, ở thành phố thì mâm ngũ quả đã tròn, bánh trái có khi đã bày. Nhưng nhìn vào bàn thờ nhà mẹ, thấy tết như còn xa lắm. Con cái mang quà tết túi to túi nhỏ vẫn xếp một chỗ, chưa chịu lên bàn. Cô em bảo: Ngày mai hai chín mới bày biện, hôm nay em còn tranh thủ chặt luống su hào để bán vét cái tết.

Tôi đưa cô em hai triệu, bảo: Thôi áp tết rồi, cô bỏ đấy ra Giêng. Anh đưa tiền tết đây em đi sắm thêm một số thứ.

Cô em nhìn tiền dửng dưng: Ngày này bán mới được giá anh ơi. Nhà quê bọn em thêm đồng nào trọng đồng ấy. Ra Giêng rau thường rẻ. Su hào cắt không đúng ngày già nhanh, để bán ai mua!

Ông anh rể thấy em về thì hỉ hả: Lâu lắm cậu mới về ăn tết ở nhà. Tí nữa anh mổ lợn, cậu xuống làm bữa lòng lợn nóng nhá. Lợn chăn cám rau, thịt chắc và lòng ngọt lắm.

Lâu lắm mới lại gặp cái không khí tết nhà quê. Nó thì thầm nhỏ nhẹ như lời tâm sự trước một năm mới mà ấm cúng làm sao!

Ông Táo quê tôi cũng thường đi đi chạy chạy lên gặp Ngọc Hoàng như mọi năm. Hầu như cái phù phiếm vàng mã áo mão cúng Táo quân là dành cho người phố thị, còn nhà quê đơn giản hơn nhiều. Mấy chục đồng bộ mã dùng vào việc khác cần hơn! Hỏi ra mới biết có nhà ngày hai ba tháng Chạp chỉ thắp nén nhang nải quả như tuần tiết và có vài nhời khấn khứa đưa tiễn ông Táo. Ở với người nhà quê, Táo quân cũng giản dị hơn, nâu sồng hơn.

Cái câu phú quý sinh lễ nghĩa là muôn đời đúng. Người nhà quê thì con đi đâu làm ăn ở đâu đôi khi cũng chỉ biết đến bước chân rời cổng nhà ngày nào, còn sau đó tự nó về lúc nào thì về. “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào” phải chăng cũng từ những câu chuyện gia đình thế này.

Thôn quê giờ còn nghèo lắm, chả lấy đâu ra của nả mà o bế, mà đầu tư tương lai như người ta thường nói. Mọi cuộc vận hành của mỗi cá nhân đều độc lập. Trong cái cách hành xử đó có chất rất hiện đại nhưng bản chất nó vẫn là bản năng sống.

Phổ cập giáo dục thì tốt, nhưng hướng tới tương lai thì không mấy ai biết tính toán dài hơi. Cũng như cô em tôi, anh đưa vài triệu ăn tết to thật nhưng nhặt nhạnh thêm vài đồng ngày cuối năm là cũng cần lắm, không thể bỏ. Cuộc sống phải chính mình bảo trợ cho mình, nên tính chủ động luôn trở về nằm trong mỗi con người chứ không thể trông chờ dựa dẫm.

Nếu những người làm chính sách có dịp về quê với cái tâm trong sáng sẽ thấy ngay cái gì cần làm cho dân, cái gì cần phải né tránh.

Tôi đi quanh trong xóm. Người dân vẫn như củ khoai củ ráy, hiền hậu như khi tôi còn bé ở nhà. Giá như không có đài thì dân cũng chẳng hiểu tham nhũng là gì. Giờ nghe thì cũng biết thế.

Họ nói chuyện nhiều hơn về cấy trồng, cách làm ăn, trồng dưa trồng bí thế nào và trồng cây gì có lợi nhất. Đúng là về quê không khí trong lành hơn và môi trường chính trị cũng êm thắm, chả mấy ai quan tâm. Họ bảo biết cũng chẳng để làm gì.

Xét cho cùng chỉ những nơi mà đồng tiền làm cho nhiễu loạn thì xã hội mới nhiễu loạn. Nếu những người làm chính sách có dịp về quê với cái tâm trong sáng sẽ thấy ngay cái gì cần làm cho dân, cái gì cần phải né tránh.

Biết tôi về quê, những bạn hồi chăn trâu giờ nên ông nên bà cả rồi, đều tìm đến chơi. Thú vị nhất mình vẫn là thằng Đức bạn chăn trâu ngày xưa, dù rằng những hiểu biết về cuộc sống của họ không nhiều. Ừ gì thì mày vẫn là người làng. Thú vị thế chứ! Buổi tối bên ấm trà và kẹo bánh Thủ đô đem về, ai cũng bảo món gì cậu đem về cũng ngon.

Tôi hiểu rằng tôi vẫn còn trong lòng bạn bè dù gần năm mươi năm xa cách chứ không phải do miếng ăn. Có người bảo: Có sách thì cho tớ vài quyền cho trẻ con nó đọc. Thế đấy, đó là cái quan tâm duy nhất về chữ nghĩa cho con cháu, chứ không thấy bàn phẩm gì về tương lai lớn hơn như trường này trường nọ, du học đây đó. Cả đến chuyện xuất khẩu lao động cũng không thấy màng tới.

Một vùng quê trung du còn khá yên ả, không bị xới trộn khi những cái vòi bạch tuộc của những chủ đầu tư thọc vào. Muốn quê hương mình đi lên, nhưng không đi lên kiểu cướp bóc như một số nơi, chậm thôi nhưng đúng như cha ông dạy rằng, lấy của ai bát cơm, ít ra phải trả lại bát cháo.

Tôi biết tết này về quê, xa nơi ồn ào nhưng lòng cũng không yên với những vấn đề nhìn thấy từ quê. Hiện đại hóa nông thôn kiểu gì, khi nhu cầu lại từ lãnh đạo mà không phải tự nó. Mà muốn tự nó thì phải kích thích từ cái gì để nó đi lên từ sự thôi thúc bên trong.

Đó thực là câu chuyện dài. Tôi đang lo rằng cái hiện đại hóa nông thôn triển khai khắp nơi bây giờ lại bắt nguồn từ duy ý chí, sẽ lại khó chứ chẳng dễ như lời bàn trên giấy.

MỚI - NÓNG