Ðón tết giữa đầm lầy

Anh Phước ( bên trái) và anh Tám trước một vạt thủy tùng dày đặc.
Anh Phước ( bên trái) và anh Tám trước một vạt thủy tùng dày đặc.
TP - Mặc phố phường tưng bừng đón xuân, những chàng trai canh giữ hai khoảnh đầm lầy hiếm quý vẫn cần mẫn ngày đêm lầm lũi xuyên rừng, lội sình bất kể thời khắc giao thừa hay bình minh đầu tiên của năm mới. Công việc của họ để bảo vệ từng cây Thủy tùng cổ thụ, từng cụm chồi ghép non xanh.

Báu vật đại ngàn

Đây đã là cái tết thứ 8 kể từ khi Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Thông nước (BQL KBT) được UBND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định thành lập với nhiệm vụ gìn giữ, phát triển hai quần thể thực vật khiến Việt Nam có tên trong bản đồ Thông nước (tức Thủy tùng) của thế giới.

Tấm bản đồ ấy ghi danh vỏn vẹn 3 quốc gia, là Trung Quốc, Lào, Việt Nam. Thủy tùng được xem như hóa thạch sống của ngành Hạt trần, có trên trái đất cách đây 10 triệu năm. Sau khi Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) kêu gọi cứu loài Thông nước nguy cơ tuyệt chủng, tỉnh Đắk Lắk mới biết mình đang sở hữu những “báu vật đại ngàn” vô cùng hiếm quý.   

Hàng trăm cây Thủy tùng ghép trên gốc Bụt mọc được TS Trần Vinh trồng thử nghiệm nhiều nơi tại 3 tỉnh Ðắk Lắk, Bình Phước, Lâm Ðồng đang sinh trưởng nhanh. Ông vẫn thận trọng cho rằng cần tiếp tục theo dõi, xem chất lượng cây ghép có gì khác với Thủy tùng nguyên chủng!

Theo lời kể của những già làng và cán bộ lâm nghiệp kỳ cựu, thì 2 huyện Ea H’Leo và Krông Năng phía đông bắc tỉnh Đắk Lắk từng có những đầm lầy rộng mênh mông, với hàng nghìn cây Thủy tùng cổ thụ kỳ vĩ mọc ken dày. Thích mùi thơm dịu nhẹ của Thủy tùng, các buôn làng quanh đó thường xẻ Thủy tùng làm nhà sàn, đẽo cầu thang, đóng giường tủ.

Chẳng ai băn khoăn khi hai phần ba diện tích đầm lầy Ea Ral (huyện Ea H’Leo) được cải tạo để đắp đập, đào hồ thủy lợi rộng 10 hecta, giao cho xã quản lý, lấy nước tưới tiêu. Nhiều thân và gốc Thủy tùng khổng lồ bị ủi đổ, chìm sâu khi lòng hồ tích nước. Chúng ngủ vùi trong bùn gần hai mươi năm, cho tới khi lời kêu cứu của IUCN lan tới. Đầu năm 2010, dòng người đổ về trục vớt gỗ Thủy tùng ở lòng hồ Ea Ral và đầm lầy Trấp Ksơr huyên náo chưa từng có. Giá gỗ Thủy tùng tăng vọt. Thú chơi tượng gỗ và độc bình Thủy tùng vân chìm xanh thẫm tỏa hương dịu nhẹ trở thành mốt lan khắp.

Năm 2010, các chuyên gia Lâm Sinh trường Đại Học Tây Nguyên đếm được 255 cây Thủy tùng trên khắp tỉnh Đắk Lắk. Hai năm sau, khi UBND tỉnh Đắk Lắk ký quyết định thành lập “Khu bảo tồn loài và sinh cảnh”, thì chỉ còn lại 161 cây. Trong đó quần thể Ea Ral ở huyện Ea H’Leo 140 cây, quần thể Trấp Ksơr huyện Krông Năng 21 cây. Nhiệm vụ bảo tồn Thủy tùng càng nóng bỏng!

Ðón tết giữa đầm lầy ảnh 1 Tuần tra giữa rừng thủy tùng hiếm quý.

Giúp cổ thụ sinh nở

Khắp mặt đầm Ea Ral, 140 cây Thủy tùng cổ sinh sừng sững trong bảng lảng sương khói, đẹp lạ lùng, ma mị. Ông Trần Xuân Phước- giám đốc BQL KBT đưa khách đi trên chiếc cầu phao lát ván chạy ngoằn ngoèo trên mặt đầm lầy nhiều chỗ lút sâu tới vài ba mét nước, chỉ cho tôi thấy cả 3 dạng nhân giống thử nghiệm Thủy tùng được triển khai.

Quanh gốc mỗi cây Thủy tùng già lão vỏ dày xù xì, cao vút, là các khối rễ thở gồ ghề, lô nhô. Người sáng tạo cách ghép chồi Thủy tùng trên rễ thở là cử nhân kinh tế Võ Thành Tám, Trưởng trạm Ea Ral. Yêu loài cây quý, anh Tám tự mày mò nghiên cứu, thực hành ghép được hàng chục cụm chồi trong suốt 3 năm qua. Anh tiết lộ phải biết cách chọn chồi cây có “mắt ngủ”, đủ nhựa giúp điểm ghép mau lành vết thương.

Tại cả 2 quần thể Thông nước cách nhau hơn 60km, tôi thấy vài chục cây Thủy tùng non tươi mới trồng từ 3-5 tuổi, cao từ 3 đến 5 mét. Ngoài một số cây gầy yếu trồng bằng cách giâm hom của Trung tâm Lâm nghiệp Nhiệt đới, thì số Thủy tùng khỏe mạnh trồng bằng phương pháp ghép chồi trên cây Bụt mọc của tiến sĩ Trần Vinh-Phó viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, đang mở ra triển vọng bảo tồn thành công loài cây này.

Trò chuyện cùng tôi, TS Trần Vinh đánh giá cao cách sáng tạo ghép chồi trên rễ thở mà anh Tám làm được, giúp tăng khả năng tạo cây con nguyên chủng, cung cấp vật liệu gốc phục vụ cho nhân giống vô tính.

Ðón tết giữa đầm lầy ảnh 2 Một gốc thông nước 3 người ôm ở Trấp Ksơr.

Ðầm lầy níu chân

Ở Trung Quốc, thân Thủy tùng lớn nhất còn sống tại tỉnh Quảng Đông có đường kính 110cm. Còn Việt Nam, tại Trấp K’sơr có cây Thủy tùng đường kính 140 cm, được xác định đã 372 tuổi.

Sự quý giá của 2 quần thể Thủy tùng khiến toàn bộ lực lượng của BQL KBT phải chia ca tuần tra, canh phòng cẩn mật suốt ngày đêm. Vậy mà trong cơn bão số 11-10/2017, một nhóm lâm tặc đã lẻn vào khu bảo tồn Ea Ral, cưa đứt 2 khúc thân phía trên một cây Thủy tùng 306 tuổi, bị bắt. Với tang vật là 2 khúc gỗ Thủy tùng tổng khối lượng 403 kg, mới đây sau khi thống nhất với Công an huyện, Sở NN&PTNT đã đề nghị UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính nhóm lâm tặc 200 triệu đồng.

Sau 8 năm thành lập, tới nay BQL KBT chưa có trụ sở, vẫn làm việc trong căn nhà cấp 4 xây trên đất rẫy của đồng bào ở xã Ea Ral. Tổng diện tích phần đất “mượn” kể cả sân và đường là 950m2.

Đoạn đường đất dài 2km từ quốc lộ 14 vào Khu bảo tồn đã quanh co, lại bị ép ngày càng hẹp. Mấy doanh nghiệp muốn liên kết đầu tư làm du lịch, mở tuor tham quan quần thể thông nước nổi tiếng thế giới đã vào tận nơi, trầm trồ khen đầm lầy huyền bí, thủy tùng tuyệt đẹp, rồi... đi luôn.  

“Không đầu tư phát triển du lịch, lại không có đất tăng gia sản xuất, thì chẳng có cách nào tăng thu nhập cho anh em” - Ông Trần Xuân Phước giám đốc BQL KBT trăn trở.

Hai năm trước, đoàn thanh tra của Bộ TNMT ghé vào Trạm Ea Ral, đã bắt lỗi Trạm về việc ... nuôi 2 con ngan có nguy cơ gây ô nhiễm Khu bảo tồn. Còn bây giờ, sau Trạm Trấp Ksơr các chàng trai dựng chuồng nuôi 3 con bò, vài chục con gà làm vốn... cưới vợ. Trên biết không đúng quy định, vẫn phải cảm thông.

Chuyện của Lê Văn Huy, 29 tuổi lấy được vợ nhờ... đỉa cắn ở đây ai cũng biết. Tốt nghiệp cao đẳng Lâm nghiệp Quảng Bình, được nhận vào làm việc ở Trạm Trấp Ksơr với Huy là may mắn so với vô số bạn đồng môn thất nghiệp. Cuối năm 2014, đang tuần tra thì Huy bị con đỉa độc to bằng ngón tay cái bám chặt vào bắp chân. Hai ngày sau vết thương nhiễm trùng, sưng tấy. Sếp Nguyễn Văn Khương trạm trưởng phải đèo Huy cả tuần lễ bằng xe máy mỗi ngày 30km đi về, tới phòng khám bác sĩ Sơn ở thị xã Buôn Hồ để điều trị.

Bác sĩ đâu chả thấy, chỉ mỗi cô y sĩ Thúy Diễm nhẹ nhàng chăm sóc, thăm hỏi ân cần. Vết thương sắp lành, Huy lập tức xin số điện thoại và ... họ đã cưới nhau. Bây giờ Huy thành anh chàng số đỏ nhất Trạm này, vì làm việc cách vợ chỉ có 30 cây số! Tết này, cả 2 Trạm lại cầu viện gia đình ủng hộ dưa hành bánh mứt, thịt gà tự nuôi để có sức tuần tra canh giữ bảo vật của đại ngàn.

Nhiều khổ chủ có nhà sàn bằng gỗ Thủy tùng mất ngủ vì bọn bất lương rập rình đánh cắp cả ván lát, cầu thang. Cơn sốt khai quật gỗ thủy tùng chỉ tạm lắng khi lực lượng liên ngành tịch thu phạt nặng nhiều người chở Thủy tùng trên đường, bởi loại gỗ này thuộc nhóm IA, nghiêm cấm vận chuyển, mua bán và tiêu thụ. 

MỚI - NÓNG