Tiết học trực tiếp đầu tiên của các em học sinh 7A2 Trường THCS Thanh Quan (Hà Nội) sau thời gian dài học trực tuyến phòng chống dịch. Ảnh: Phan Anh |
Bà Hoàng Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, quận Đống Đa, cho biết, ngày 8/2 có 97% học sinh đến trường. Đến từng lớp động viên học sinh, bà cảm nhận các em đều hào hứng, háo hức sau chuỗi ngày dài học trực tuyến.
Đại diện Phòng GD&ĐT quận Long Biên cho biết, trong ngày đầu, tỉ lệ học sinh đến trường đạt 99%. Chỉ có 176 em (chiếm 1%) liên quan các trường hợp F, có bệnh nền chưa tiêm vắc xin… xin được học trực tuyến. Bà Bùi Thị Thu Hằng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng, cho biết, các trường được yêu cầu chia học sinh các khối thành 2 ca, tránh tập trung đông người.
Các trường báo cáo có 97% học sinh tới lớp, 3% học trực tuyến. Theo bà Hằng, các trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, nhưng trong tuần đầu, giáo viên được yêu cầu củng cố cho học sinh chưa nắm vững kiến thức và tận dụng thời gian vàng để dạy kiến thức cốt lõi.
Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm, cho biết, khi trở lại học trực tiếp, trường sẽ tranh thủ thời gian vàng để bổ sung, củng cố kiến thức cũ, dạy kiến thức mới. Các tổ chuyên môn đã được chỉ đạo xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập đảm bảo chất lượng.
Đặc biệt, với lớp 12, giáo viên sẽ phải vất vả tăng tốc vừa dạy vừa xây dựng ngân hàng đề, với tinh thần học tới đâu sẽ ôn cuốn chiếu kỹ càng đến đó nhằm chuẩn bị nền tảng chắc chắn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Hà Nội đã thông báo cho học sinh lớp 1-6 của 18 huyện, thị xã ngoại thành đi học từ ngày 10/2. Dự kiến, học sinh lớp 1-6 của các quận nội thành sẽ đến trường từ ngày 21/2. Thời gian đầu, các trường vẫn chỉ tổ chức dạy học 1 buổi; phụ huynh chỉ đưa con đến cổng trường và ra về ngay, tránh gây ùn tắc.
Kiểm tra công tác phòng chống dịch và dạy học tại các trường THCS - THPT, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, yêu cầu các trường song song tận dụng thời gian vàng để dạy học phải thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch. Tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh không thể đến trường được học trực tuyến.
Ngoài ra, ông lưu ý các trường nắm rõ quy trình xử lý tình huống khi có F0, thực hiện đúng hướng dẫn của cơ quan y tế, không làm cho học sinh hoảng sợ. Những học sinh F1 tiếp xúc với F0 sẽ được rà soát, xét nghiệm và chuyển học trực tuyến, còn lại cả lớp không có gì bất thường vẫn tiếp tục đến trường.
Trao đổi với phóng viên, bà Bùi Thị Phương Mai, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Quan, quận Hoàn Kiếm, cho biết: “Nhà trường đã có quy trình xử lý các tình huống khi có F0 trong lớp, trường. Sau khi thực hiện đúng các quy trình, học sinh F0 sẽ được nghỉ học, tùy theo tình trạng sức khỏe sẽ tiếp tục học trực tuyến, các em học sinh khác sẽ tiếp tục học trực tiếp. Ngày 8/2, gần 800 học sinh khối 7, 8, 9 của trường (đạt tỷ lệ hơn 90%) đi học trực tiếp, bà nói.
Cùng ngày, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, đến kiểm tra công tác đón học sinh của trường.
Cân nhắc cho học sinh ăn bán trú
Liên quan vấn đề cho trẻ trở lại trường nhưng không ăn bán trú khiến nhiều phụ huynh vất vả, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nói rằng, Bộ GD&ĐT sẽ làm việc với thành phố Hà Nội để giải quyết.
“Khi đưa học sinh đi học cũng phải đánh giá đến phụ huynh học sinh, đặc biệt là các em nhỏ cần phải ăn bán trú như mầm non và tiểu học. Nếu chỉ cho các em học nửa ngày còn nửa ngày đón về sẽ ảnh hưởng đến giờ làm của phụ huynh”, bà Minh nói.
Hiệu trưởng một trường THCS cho biết, sau một thời gian, khi việc học đi vào nề nếp, ổn định, mới dần dần cho học sinh ăn bán trú ở trường.
Nhiều phụ huynh tại Hà Nội nói rằng, hiện nay các trường mới chỉ học nửa buổi/ngày nên vợ chồng phải sắp xếp công việc, luân phiên nhau đưa đón con đi học. Chị Trần Thị Hường ở quận Hoàng Mai (có 1 con học lớp 11 tại quận Hà Đông, 1 học sinh lớp 8 tại quận Hoàn Kiếm) cho biết, hai vợ chồng xin nghỉ việc buổi sáng để chia nhau đưa đi đón về.
Đổi mới phương pháp, tránh gây áp lực
Dù trời mưa phùn, rét buốt nhưng từ sáng sớm 8/2, nhiều phụ huynh đã đưa học sinh lớp 7-12 tới trường. Tại Trường Marie Curie Hà Nội, trong buổi học đầu tiên, các em được “check in” cảm xúc. Nhiều em đã chọn mặt cười với dòng chữ “cảm thấy tuyệt vời” khi được gặp lại trường, lớp, thầy cô.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng nhà trường, đứng ở cổng vẫy tay chào từng học sinh trong ngày đầu tới lớp. “Tôi hồi hộp đến mức thức dậy từ 3 giờ sáng chờ đến trường thật sớm để được thấy hình ảnh học sinh nô nức đến trường. Nhìn thấy học sinh vui tươi, háo hức, mình cũng vui theo”, ông Khang nói.
Bà Phạm Thị Yến, chuyên viên tâm lý học đường hệ thống giáo dục Alpha School, cho biết, trong bài học đầu tiên, học sinh được cùng nhau chia sẻ về cách bảo vệ bản thân khi đi học, việc đồng cảm và chia sẻ cùng mọi người trước những khó khăn, trải nghiệm không vui trong đại dịch vừa qua… Cha mẹ học sinh tránh gây áp lực việc học tập, điểm số với con ngay từ đầu. Thầy cô giáo tích cực đổi mới các phương pháp dạy học nhằm thu hút học sinh, tránh sự nhàm chán, áp lực.
Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, nói rằng, với học sinh lớp 10, hôm qua là ngày đầu tiên các em được đến trường. Đây là lứa học sinh rất thiệt thòi vì vừa bước chân vào cấp 3, chưa kịp đến nhận lớp, nhận thầy cô đã học trực tuyến kéo dài.
Đoàn trường chuẩn bị hàng trăm bao lì xì trong đó có lời chúc mừng năm mới thú vị, ý nghĩa để các anh chị lớp trên tặng học sinh lớp 10 từ cổng trường hoặc ở lớp. Tất cả giáo viên chủ nhiệm được yêu cầu đến đón học sinh, trò chuyện, sắp xếp chỗ ngồi và làm quen với nhau dù đã học hơn 1 học kỳ.
Theo đánh giá chung, ngày đầu học sinh đến trường an toàn, vui tươi. Chỉ có 1 học sinh có biểu hiện mệt mỏi, được đưa xuống phòng y tế khám sàng lọc, test nhanh âm tính, nhưng cũng được gọi phụ huynh đưa về nghỉ ngơi.
Bộ GD&ĐT đã lập 6 đoàn kiểm tra hoạt động dạy học trực tiếp tại các địa phương từ ngày 9/2. Theo báo cáo, đến nay đã có 63 địa phương lên kế hoạch đưa học sinh đi học trực tiếp trong tháng 2. Trong đó, có 53/63 tỉnh, thành phố cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học bắt đầu học trực tiếp từ ngày 7-14/2.