Ngày 27/8/2014, chiếc Rolls-Royce Oriental Sun hay còn gọi là Rolls-Royce "Mặt trời phương Đông" về Việt Nam dành được nhiều sự quan tâm của giới chơi xe. Theo một số thông tin thì siêu xe này là một đại gia Việt Nam và số tiền mà vị đại gia đó chi ra cho chiếc xe "độc nhất vô nhị" này là khoảng gần 43 tỷ đồng.
Giới chơi xe quan tâm muốn biết chiếc xe này thuộc quyền sở hữu của đại gia nào? Tuy nhiên, tất cả thông tin về chiếc Rolls Royce Oriental Sun đều khá mơ hồ. Thậm chí người ta còn không trông thấy siêu xe này dạo phố hay xuất hiện ở bất cứ đâu.
Rolls Royce "Mặt trời phương Đông" “mất tích” một thời gian dài thì bất ngờ xuất hiện tại khách sạn Mường Thanh (Linh Đàm). Chiếc siêu xe "Mặt trời phương Đông" được chủ nhân gắn biển 30A 30976, nhiều người đồn đoán đó là ngày, tháng, năm sinh của chủ sở hữu.
Ngay lập tức, những đồn đoán được đưa ra, đa phần đều cho rằng chiếc Rolls Royce Oriental Sun này là của đại gia điếu cày Lê Thanh Thản.
Rolls-Royce Phantom Oriental Sun hay còn được gọi là "Mặt trời phương Đông" là một phiên bản đặc biệt với số lượng sản xuất chỉ đúng một chiếc trên toàn cầu. Mẫu xe độc đáo này được phát triển dựa trên Rolls-Royce Phantom Series II từng ra mắt trong triển lãm Geneva 2012. Đúng như tên gọi, Rolls-Royce Phantom Oriental Sun được sở hữu những điểm thiết kế mang đậm nét phương Đông ở phần ngoại thất và nội thất của xe. Nổi bật nhất là hình mặt trời nằm trên góc chữ C, tựa đầu tất cả các ghế và đồng hồ báo giờ.
Theo nhà phân phối, tính cá nhân hóa thể hệ trên chiếc xe ở hình Mặt trời in trên góc chữ C, trên tựa đầu các hàng ghế. Hình 6 chữ M màu vàng đan vào nhau là cách điệu của mặt trời lúc buổi sáng. Hãng này cũng cho biết, chữ M còn thể hiện lối chơi chữ tiếng Việt như "May Mắn", "Mạnh Mẽ", "Mộc Mạc" và "Money" trong tiếng Anh.
Sáu chữ M còn là cung "lộc" theo quan niệm phương Đông. Điều này thể hiện sự mong muốn thịnh vượng, phát đạt trong quá trình kinh doanh.
Nội thất của xe với gỗ được sử dụng là loại gỗ gụ Tây Phi trong khi các hàng ghế đắp viền da nổi thêu tay, vô-lăng bọc da thuộc cùng màu nâu vàng. Nhà phân phối cho biết, loại da này lấy từ những con bò đực hai năm tuổi ở Bắc Âu, sau đó được xử lý tại một xưởng thuộc da nổi tiếng của một nghệ nhân người Đức.
Các tiện nghi khác như bầu trời sao với nút bấm tăng giảm mật độ, độ sáng, tủ lạnh, hộc đựng ly, hộc đựng rượu, khay để champagne, hệ thống âm thanh và truyền hình, DVD, hộp bút, bút Consway Steward... Tấm ốp bậc cửa với dòng chữ "Oriental Sun One of One" còn thể hiện tính độc bản của chiếc xe.
Ngay từ khi mới xuất hiện, Rolls Royce ’Mặt trời phương Đông’ đã được dư luận đồn đoán là thuộc sở hữu của đại gia "điếu cày" Lê Thanh Thản.
Đại gia điếu cày Lê Thanh Thản giàu cỡ nào?
Ông Lê Thanh Thản (Sinh năm 1949) trong mắt nhiều doanh nhân khác là một “ca lạ”. Ông vốn là một doanh nhân được xếp hàng “vô danh tiểu tốt” đến từ tỉnh miền núi Lai Châu, lập nghiệp bằng nghề đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở miền núi (công ty tư nhân đầu tiên thành lập năm 1987), sau đó vươn sang Lào.
Ông Thản mở rộng việc làm ăn xuống Hà Nội năm 2000 với việc mua một mảnh đất trong Khu Đô thị Linh Đàm để xây khách sạn Mường Thanh và khu căn hộ nhỏ.
Từ đó đến nay, vị đại gia thích hút thuốc lào vặt, khoái ăn cá trích, đậu phụ chấm mắm tôm này tiến hành đầu tư xây nhiều khu chung cư nhất ở Hà Nội (30 toà, mỗi toà 400 căn, với dân số tương đương một quận).
Khu Đô Thị Xa La rộng 21 ha được đánh giá là đô thị đầu tiên hoàn chỉnh nhất với đầy đủ các hạng mục liên hợp trường học, bệnh viện (dù nằm gần Bệnh viện Quân đội 103), siêu thị, khách sạn…
Đến nay, nhắc đến đại gia Lê Thanh Thản là nhắc đến những cái tên như "đại gia điếu cày" hay "đại gia Mường Thanh" và cả "đại gia Diễn Châu" ông sinh ra từ mảnh đất Nghệ An nghèo khó nhưng xét về tên tuổi thì ông đứng ngang với những "chúa đảo Tuần Châu" và cả Phạm Nhật Vượng.
Không ai đo lường được tài sản của đại gia "điếu cày" Lê Thanh Thản, công ty ông cũng chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, nhưng chỉ cần suy xét một chút sẽ thấy đây là đại gia đáng nể.
Ông Thản từng nói, sở dĩ ông dám bán nhà với giá 10 triệu đồng/m2 mà vẫn có lãi vì công ty ông không sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng, hoàn toàn là nguồn vốn tự có.
Trong khi đó, tổng vốn đầu tư của Dự án Đại Thanh (xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) theo dự toán là 3.500 tỷ đồng, trong đó khoảng 20 block chung cư có vốn đầu tư ước 2.400 tỷ đồng.
Nếu không vay ngân hàng, chủ đầu tư cần tự có khoảng 50% vốn (chi phí để hoàn thiện cơ sở hạ tầng và xây xong móng để đủ điều kiện bán hàng).
Như vậy, riêng Dự án Đại Thanh, trong tay ông Thản phải có khoảng 1.200 tỷ đồng.
Ngoài ra, vị đại gia này còn sở hữu khoảng 20 khách sạn lớn từ 2-4 sao ở nhiều tỉnh thành, xây dựng nhiều toà nhà chung cư và khu đô thị lớn, có thể sánh vai với cả những tập đoàn xây dựng của nhà nước.