Đây chính là cự li khoảng 2 năm trước, Hoàng Xuân Vinh từng tạo nên chiến công cho thể thao Việt Nam khi đoạt chiếc HCV tại Olympic Rio de Janeiro 2016 danh giá. Anh sau đó còn giành thêm 1 HCB cự li 50m súng ngắn bắn chậm.
Anh trở thành thần tượng trong mắt nhiều người hâm mộ thể thao cũng như công chúng. Nhưng có lẽ, chỉ giới chuyên môn mới thực sự hiểu 2 tấm huy chương Thế vận hội của Hoàng Xuân Vinh quý giá cỡ nào. Năm mươi năm trước và có thể 50 năm sau, thể thao Việt Nam khó có người thứ 2 lập được chiến công đó.
Nhưng từ đấy tới nay, Hoàng Xuân Vinh liên tục thất bại ở nhiều giải đấu lớn. Tới độ lúc này, nhiều người bắt đầu cho rằng anh nên dừng lại ở đỉnh cao, để giữ được ánh hào quang lấp lánh và cũng là tạo cơ hội cho những người trẻ bước lên.
Thực ra những người gần với HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung và Hoàng Xuân Vinh đều biết rằng, thực tế anh và cả BHL từng nghĩ nhiều về chuyện này. Nhưng, lại nhưng…một thực tế bao năm qua bắn súng và nhiều môn thể thao khác ở Việt Nam phải đối diện, là tình trạng eo hẹp về kinh phí. Hoàng Xuân Vinh là “thương hiệu” lớn duy nhất mà bắn súng có thể cậy nhờ, để từ đó thông qua nỗ lực của HLV Nguyễn Thị Nhung, đem về từng đồng tài trợ phục vụ cho các kế hoạch tập huấn, thi đấu. Đặc thù của môn bắn súng khiến chuyện này vô cùng khó khăn.
Trước ngày lên đường dự Asiad 2018, môn bắn súng đã được treo thưởng nghe rất “khủng”, lên tới 2 tỷ đồng cho 1 chiếc HCV. Trong đó có nhiều đơn vị lớn như ngân hàng Nam Á, Sông Đà-Sudico…Nhưng trong giới hầu như ai cũng hiểu, đây chỉ là khoản tiền “treo”, còn thực tế bắn súng vẫn eo hẹp.
Nhìn cảnh HLV Nguyễn Thị Nhung đôn đáo xoay xở cho bắn súng và Hoàng Xuân Vinh, lại thấy buồn với ngành thể thao. Từ sau chiến công ở Olympic Rio de Janeiro, bắn súng vẫn trong tình trạng thiếu đạn. Những đãi ngộ của ngành thể thao cho một người hùng thậm chí không bằng bong bóng hiện tượng ở dăm giải trẻ.
Sau Hoàng Xuân Vinh, VĐV nào của Việt Nam hiện nay có thể hứa hẹn tranh đoạt huy chương vàng Thế vận hội?