Xã Đăk Wil (huyện Cư Jút- địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng Nậm Na) là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc từ các tỉnh phía Bắc di cư vào lập nghiệp từ những năm 1990. Đất đai nơi đây cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, mưa ít, nắng nhiều, rất khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.
Thôn 4, xã Đăk Wil chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông di cư từ các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang từ những năm 1995. Đất canh tác ít lại không màu mỡ, cả thôn có hơn 40 hộ thì quá nửa hộ nghèo và cận nghèo. Thế nhưng, nhờ những con bò của Đồn Biên phòng Nậm Na, cuộc sống của nhiều hộ dân trong thôn đang đổi thay.
Nhắc đến những con bò của Đồn Biên phòng Nậm Na, trưởng thôn 4 Dương Văn Anh hào hứng khoe gia đình anh mới bán bò, mua được 2,5 ha nương của nhà hàng xóm. “Năm 2012, Đồn Biên phòng Nậm Na tách đàn một bò cái giao cho tôi nuôi. Năm 2013, bò mẹ đẻ ra được một bê đực. Năm 2014 bò đẻ tiếp một bê cái. Năm 2015, khi bò cái “hoàn thành nghĩa vụ” ở nhà tôi, Đồn Biên phòng Nậm Na tiếp tục chuyển bò cho nhà anh Sùng A Lành. Chính nhờ có 2 con bê, sau khi nuôi chúng lớn, tôi vừa bán đi mới đủ tiền mua nương”, ông Anh cho biết.
Cũng theo ông Dương Văn Anh, năm 2016, bò đẻ được một con bê đực, anh Sùng A Lành đã bỏ thêm 4 triệu đồng đổi lấy bò cái đang chửa. Từ một hộ khó khăn, gia đình anh Sùng A Lành đã có trong tay một bò và một bê cái. Năm 2017, con bò của Đồn Biên phòng tiếp tục chuyển giao cho cặp vợ chồng Đào Văn Đanh, Lý Thị Si. Khi được nhận nuôi bò của Đồn Biên phòng Nậm Na, anh Đanh và chị Si rất mừng bởi đây là cơ hội để có vốn xây dựng cuộc sống mới. Như vậy, sau 5 năm, chỉ từ một bò cái của Đồn Biên phòng Nậm Na đã cho “sinh lời” thêm 5 con bê và vẫn đang tiếp tục giúp các hộ khó khăn ở thôn 4 thoát nghèo.
Hy sinh nhà ở chiến sĩ để mua bò cho dân nghèo
Hàng năm Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đăk Nông phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức chương trình “Biên giới khúc tình ca” để vận động quỹ xây dựng nhà cho cán bộ, chiến sĩ biên phòng đang công tác ở biên giới. Tuy nhiên, năm 2017, Bộ Chỉ huy đã đề nghị Ban tổ chức chuyển số tiền đó sang cho các hộ nghèo ở khu vực biên giới để mua bò giống. Nhờ đó, sau chương trình “Biên giới khúc tình ca” lần thứ 22, đã có 4 hộ ở xã Đăk Wil được nhận 25 triệu đồng/hộ để mua hai con bò giống.
Gia đình ông Lý Văn Tu từ Cao Bằng vào Đăk Wil năm 1995. Vào muộn, ít tiền, gia đình ông chỉ mua được đám ruộng xấu để sinh sống. Sinh thêm con, đất ruộng ngày cằn cỗi đi, gia đình ông cứ nghèo mãi. Sau 20 năm kể từ ngày rời Cao Bằng vào đây, ông Tu không ngờ tới là mình đang có tài sản lớn là 2 con bò từ chương trình “Biên giới khúc tình ca”. Ngay cả chiếc chuồng bò cũng do cán bộ, chiến sĩ biên phòng đến làm giúp.
Nhìn hai chú bò giống đang thong thả nhai cỏ, ông Tu không giấu được niềm vui, nói: “Hằng ngày các con phải đi lấy cỏ cách đây cả chục cây số nhưng đứa nào cũng vui. Chúng tôi đã bàn nhau, đợi một thời gian cho bò quen, các hộ có bò sẽ rủ nhau đi chăn tập trung. Như vậy sẽ tiết kiệm được công sức để còn làm việc khác nữa. Từ nay có lý do để cố gắng hơn nữa rồi”.