Đổi sừng tê lấy… tranh Lê Quảng Hà

TP - Nhóm các nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực: hội họa, phim ảnh, âm nhạc… ở Hà Nội đề xuất thay vì sở hữu sừng tê, để thể hiện đẳng cấp, hãy hưởng thụ tác phẩm nghệ thuật.

Sừng tê giác ngoài một tác dụng tương truyền nào đó đến sức khỏe dường như còn là một biểu tượng cho sự giàu sang, nhà “có điều kiện”. Việc sừng tê là thuốc quý hay thuốc thường hay cũng chỉ như móng tay, dành cho các nhà khoa học phân tích. Nhóm các nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực: hội họa, phim ảnh, âm nhạc… ở Hà Nội đề xuất thay vì sở hữu sừng tê, để thể hiện đẳng cấp, hãy hưởng thụ tác phẩm nghệ thuật.

Năm ngoái, nhân ngày Tê giác thế giới (22/9), người ta nghĩ ra một hoạt động: mọi người cắt móng tay vào một cái sừng tê giác mô phỏng. Nhiều cái sừng tê đựng móng tay sẽ được ghép lại thành hình con tê giác nhằm nói lên sừng tê và móng tay/chân của con người cùng chất cấu tạo là keratin.

“Sừng tê giác không còn có tên trong Dược điển Việt Nam từ 2012”, chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh thuộc TRAFFIC (Mạng lưới Giám sát Buôn bán Động vật Hoang dã) Việt Nam cho hay. “Không có chứng minh khoa học nào về công dụng đặc biệt của sừng tê giác, trừ một nghiên cứu năm 1993 ở Đài Loan kết luận sừng tê giác có tác dụng giảm sốt- không khác aspirin hay paracetamon”. TRAFFIC đã ký thỏa thuận hợp tác 5 năm với Cục Y Dược để làm các nghiên cứu sâu sắc về thói quen sử dụng sừng tê trong đông y ở Việt Nam.

Đổi sừng tê lấy… tranh Lê Quảng Hà ảnh 1

“Chân dung 1” của Lê Quảng Hà - tác phẩm thuộc dự án “Nghệ thuật thay đổi hành vi”. Ảnh: BTC.

Nhưng một gram sừng tê hiện có giá khoảng 6.000 USD. Bây giờ bảo họ quẳng cục keratin đắt đỏ đó đi cũng khó. Vậy nên dự án Nghệ thuật thể hiện đẳng cấp (Art & Your Social Status) đã cho những người đang “loay hoay” trong việc thể hiện đẳng cấp một số gợi ý. Thuộc dự án này, triển lãm nghệ thuật Trọng lực diễn ra từ 19h ngày 22/9 đến 21h ngày 24/9 tại Trung tâm Văn hóa Phố Cổ - 50 Đào Duy Từ, Hà Nội. Các tác phẩm trong triển lãm đều được mang ra đấu giá. Tiền thu được 30% dành cho các quỹ bảo vệ tê giác.

Đáng chú ý trong số tranh mang ra đấu giá có cả của Lê Quảng Hà. Họa sĩ tên tuổi này ai cũng biết có kênh bán hàng độc quyền riêng. Nhưng vì ý nghĩa của dự án, anh đã “xin phép” kênh độc quyền để đóng góp một số tác phẩm dành riêng cho việc… đổi sừng tê giác. Tranh của anh tại triển lãm có giá khởi điểm từ 4.000-12.000USD.

“Cũng như những người khác có tình yêu với thiên nhiên, tôi cảm thấy đau đớn khi Trái Đất đang chết đi và luôn mong muốn điều ngược lại. Tham gia dự án “Nghệ thuật thể hiện đẳng cấp” là dịp để tôi một lần nữa nhận thức lại vấn đề môi trường tồn tại của con người”.

Nhạc sĩ Kim Ngọc - Giám đốc Trung tâm Âm nhạc & Nghệ thuật Thể nghiệm Đom Đóm

Tranh Lê Quảng Hà nằm trong bộ sưu tập của bảo tàng Mỹ thuật Singapore, bảo tàng Nghệ thuật châu Á Fukuoka (Nhật Bản). Loạt tranh mới của Phan Cẩm Thượng chủ đề nhân duyên dùng màu tự nhiên trên chất liệu giấy dó cũng xuất hiện lần đầu tại triển lãm. Bên cạnh đó là tác phẩm của các họa sĩ trẻ: Nguyễn Hữu Sử, Triệu Minh Hải, Nguyễn Đức Hạnh, Nguyễn Đình Duy Quyền… Giấy mời tham dự đấu giá chủ yếu gửi tới các doanh nhân...

Tham gia dự án này, việc đầu tiên của các nghệ sĩ là ký cam kết không sử dụng cũng như tiếp tay cho việc buôn bán sừng tê giác.

Trong khuôn khổ dự án Nghệ thuật thể hiện đẳng cấp, một buổi chiếu tập hợp các phim ngắn về môi trường thuộc chương trình WildFest 2015 diễn ra cùng địa điểm vào 19h tối 23/9. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp sẽ giao lưu với khán giả sau buổi chiếu. Trong phim ngắn Ai còn sống giơ tay lên của chị, hai nhân vật trong phim Đậu Đỏ và Đậu Xanh duy trì sự sống bằng việc đánh cắp thực phẩm của quá khứ. Cỗ máy thời gian đó cũng là cánh cổng để Cá Ngựa- cô gái còn sống sót trong tương lai quay lại hiện tại của gia đình Đậu để cầu cứu. Sự thật kinh hoàng được hé lộ. Ba cô gái đứng trước quyết định sinh tử. Một món nợ cần phải trả ngay, nếu không loài người sẽ hoàn toàn biến mất trong tương lai… Chuyện phim là thế, trong thực tế, loài tê giác sắp tuyệt diệt. Năm 2007, 13 cá thể tê giác Nam Phi bỏ mạng vì nạn săn trộm. Năm ngoái khoảng 1.200 con bị giết. Tức là trong chưa đầy mười năm, số lượng tê giác bị giết để lấy sừng tăng 9000%.

Tối 24/9 sau khi kết quả đấu giá tranh được công bố, một buổi hòa nhạc do trung tâm Đom Đóm phụ trách nhạc sẽ diễn ra...

MỚI - NÓNG