Trước đó, trong lá đơn xin ly hôn gửi đến TAND huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, phần giành quyền nuôi con , chị khẳng định: “Bản thân tôi đơn giản, cắn rơm cắn cỏ, ở đâu cũng sống được qua ngày. Nghĩ thương con, muốn cuộc đời con tốt hơn nên mới bỏ xứ làm ăn xa, để con lại cho chồng. Nay cuộc sống ổn định, tôi mong được là người trực tiếp nuôi con, bù đắp những thiệt thòi con gánh chịu”...
23 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học là chị lập gia đình. Khi ấy, chồng chị đang làm giám đốc một xưởng bóc vỏ hạt điều. Một năm sau, chị sinh con. Đứa trẻ kém may mắn, ra đời gầy gò, còi cọc; có triệu chứng lúc khóc thét, khi yên lặng, không muốn ai ẵm bồng kể cả mẹ. Đưa con đi khám, vợ chồng chị chết lặng với kết quả con mắc bệnh tự kỷ bẩm sinh. Hành trình chữa trị cho con là vợ chồng cùng miệt mài vào Nam, ra Bắc. Bệnh không thuyên giảm, anh Ân - chồng chị tìm hiểu, biết rằng phải kiên nhẫn dành thời gian bên con. Anh tạm gác công việc, tập trung chăm con. Rủi thay, con lên ba cũng là lúc việc kinh doanh “đi xuống”; cố gắng duy trì thêm nửa năm, thua lỗ, anh đành đóng cửa xưởng.
Trong cơn túng quẫn, khó khăn, người chồng ấy vẫn thường xuyên động viên, hứa với vợ sẽ bày keo khác làm ăn khi con bớt bệnh, cứng cáp hơn. Nhưng chị đã có những dự liệu của mình, bởi thấy không ít cô bạn chung khóa học trở nên thành đạt sau vài năm rời quê vào TP.HCM lập nghiệp.
Suy nghĩ, cũng trình độ lại trẻ trung như họ, tội gì chịu héo hon, sống khổ sở thành động lực thôi thúc chị thực hiện ý định bỏ đi. Chị đi thật, nhân một hôm anh vắng nhà. Tết năm đầu chị không về. Tết thứ hai về quê, chị phải mang theo “đội quân” nhà mình mới mong đặt chân đến thăm con. Cuộc đời khi này khi khác. Tết thứ ba chị về đã thấy anh là chủ một cửa tiệm điện thoại; con đường mới mở rộng ngang qua nhà, gần chợ, anh vay vốn xây vài ki-ốt cho thuê. Chị về quê ở hẳn, rồi bất ngờ gửi đơn ly hôn.
Cuộc hôn nhân từ lâu đã hữu danh vô thực, tòa nhanh chóng cho ly hôn bởi hai bên đều đồng thuận. Tranh chấp “nặng cân” nhất thuộc về tài sản và quyền được nuôi con. “Tiếc” cho chị, mọi thứ anh vừa gầy dựng lại, đều đứng tên người em gái. Chị thôi không đòi hỏi, nhưng yêu cầu được tòa trao quyền trực tiếp nuôi con, mỗi tháng anh cấp dưỡng 3,5 triệu đồng. Anh cũng muốn nuôi con và đòi vợ cấp dưỡng 500.000 đồng/tháng.
Tòa hỏi chị, có phải nhọc nhằn, mệt mỏi vì nuôi một đứa con bệnh tật nên bỏ đi. Chị dứt khoát: “Tôi đi cũng vì con, làm ra tiền mới chữa bệnh cho con được”. Anh phản biện: “Ngoài quà bánh, áo quần, vợ không gửi được đồng nào về nuôi con; cũng chẳng gọi điện thoại hỏi han. Cổ nói yêu con, nhưng trên hết đứa trẻ cần gì, có cần một người mẹ bỏ rơi mình?
Giờ thử hỏi cổ đứng trước mặt, con có nhận ra không?”. Ngược với chị, anh cho thấy tình yêu của người cha bao năm đơn thân nuôi con vất vả, ở sự lo lắng chu toàn cũng như nắm rõ các kỹ năng chăm sóc trẻ tự kỷ. Anh không quên hỏi chị: “Có biết “thuốc” để chữa căn bệnh của con không?”. Chị cúi đầu, bối rối, ú ớ...
Tòa tuyên anh sẽ tiếp tục nuôi con, chị cấp dưỡng 500.000 đồng/tháng. Số tiền ấy, anh nói cần thiết gì, chỉ là cách để chị ý thức trách nhiệm một người mẹ; để biết rằng có đứa trẻ mình mang nặng đẻ đau đang trông ngóng, trong lúc bản thân còn mải miết biền biệt nơi nào.
Kết thúc phiên tòa, vừa đứng lên là chị chỉ mặt anh: “Đừng hòng “moi” được tiền con này. “Đây” chỉ được chứ không bao giờ chịu mất nhé”. Anh sững sờ, im lặng, đứng lại nhường lối đi cho người từng yêu thương. Sân tòa vắng, mải trong cơn hậm hực, không cam với phán quyết nên chị đâu nhìn thấy có đứa trẻ bảy tuổi trong vòng tay của nội, ôm quả bóng đứng cách đó không xa, mừng rỡ thấy cha đến gần...