Theo ông Hiệp, những thủ tục với ngành xây dựng hiện còn phức tạp hơn ngành công thương. "Tình cờ có lần tôi được thấy một giấy phép xây dựng từ những năm 50, trong đó chỉ có ranh giới đất và mặt tiền, còn bên trong chủ sở hữu muốn làm gì thì làm. Trong khi đó hiện nay, khi triển khai một dự án, đến đổi nhà vệ sinh từ chỗ này sang chỗ kia cũng phải xin phép. Tôi cho rằng điều này cần phải xem xét để cải tiến", ông Hiệp nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến giấy phép xây dựng, một số ý kiến cho rằng với những công trình có chiều cao 2 tầng thì không cần kiểm tra, quan tâm chất lượng nên cần miễn giấy phép. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Phạm Sỹ Liêm lấy ví dụ về công trình tại một số trường học vừa qua bị sập lan can, khiến hàng chục học sinh phải nhập viện.
"Không phải cứ công trình đơn giản là miễn giấy phép. Giấy phép xây dựng không phải là vô dụng để chúng ta có thể bỏ đi dễ dàng", ông Liêm nói.
Ông Liêm cũng góp ý, các điều chỉnh của luật mới cần có những đổi mới để giải quyết những khúc mắc trong việc cải tạo nhà chung cư cũ. Theo ông, tình trạng này dẫn đến vấn nạn quy hoạch treo, khổ cho dân, cho doanh nghiệp mà bất kỳ ai cũng không được động vào.
Ông đặt vấn đề, việc cải tạo chung cư không nhất thiết phải kêu gọi doanh nghiệp, bởi thực tế những đơn vị này cũng đi vay vốn ngân hàng và tính toán lợi nhuận.
"Sao không cho phép chính những chủ sở hữu ở dự án đó tự đứng ra cải tạo, như vậy sẽ giảm được chi phí. Người dân thuê dịch vụ tư vấn và doanh nghiệp triển khai. Để làm được điều đó thì nên có cơ chế cho phép các chủ sở hữu cùng nhau hình thành hợp tác xã, tạo khung pháp lý cho họ triển khai, cho phép vay vốn", ông Liêm kiến nghị.
Ông Trần Hùng, Hiệp hội Quảng cáo cho hay, các doanh nghiệp quảng cáo hiện cũng chịu tác động không nhỏ bởi những quy định của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch. Theo ông, hoạt động quảng cáo ngoài trời hiện rất bế tắc. Việc xin cấp phép xây dựng các công trình quảng cáo liên quan đến nhiều luật, quy định của nhiều ngành. Do đó, hiện hầu hết các công trình quảng cáo khó làm theo đúng luật, đa số đều vi phạm.
"Nhưng người ta vẫn làm, bôi trơn, sẵn sàng chịu xử phạt. Ở Hà Nội, TP HCM 4 năm nay vẫn không có quy hoạch quảng cáo. Tuy nhiên, chính quyền yêu cầu dừng lại, bao giờ có quy hoạch mới được làm tiếp. Nói như vậy thì không khác gì bắt người ta nhịn cơm", ông Hùng nhấn mạnh.
Ông cũng góp ý một số quy định hiện nay còn bất cập và không khả thi như yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất mới được làm quảng cáo. Trong khi đó, khu đất doanh nghiệp mua để cắm biển quảng cáo thì chỉ có chục mét, chính quyền địa phương đôi khi cũng không đồng ý chuyển đổi.
Cùng với đó, ông phản ánh tình trạng chồng chéo trong cấp giấy phép quảng cáo. "Khi xin giấy phép thì ngành xây dựng yêu cầu phải có chấp thuận ở ngành văn hóa. Điều đó cũng như 'con gà và quả trứng', không biết cái gì có trước. Trong khi các địa phương thì hầu hết chỉ biết thực hiện máy móc theo luật", ông Hùng nói.
Vị này cũng dẫn chứng Luật quảng cáo hiện quy định 8 loại giấy phép, trong đó riêng giấy phép từ ngành xây dựng chiếm 5 loại. Tuy nhiên, theo ông mỗi loại giấy phép trong số này lại có tới 20 loại giấy phép con. Trong khi văn bản hướng dẫn hoạt động quảng cáo quá nhiều liên quan đến cả ngành xây dựng, văn hóa, giao thông...
Chỉ ra những bất cập đó, vị này kiến nghị việc sửa đổi các Luật nên điều chỉnh theo hướng dồn các quy định liên quan đến hoạt động quảng cáo vào một điều, một khoản của bộ luật cho doanh nghiệp dễ thực hiện. Ông cũng cho rằng, trong thời gian chờ quy hoạch quảng cáo thì trước mắt cần có một số văn bản, hướng dẫn thêm để doanh nghiệp tiếp tục được phép triển khai, tránh tình trạng làm chui.