Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2016, thời tiết nhiều diễn biến bất thường, không khí lạnh gây mưa, tuyết rơi, băng giá nhiều nơi ở các vùng núi cao của tỉnh Thanh Hóa, trong đó có huyện Mường Lát. Tuy nhiên, không vì thế mà ngăn những người đi săn đào rừng bán vào dịp Tết.
Những cành đào rừng tận trong những bản núi cao được người dân đưa ra phố bán
5h sáng, trời rét thấu đến tận xương tủy nhưng Hơ Văn Chía (25 tuổi) ở bản Pá Học, xã Nhi Sơn (Mường Lát) đã chuẩn bị xong hành trang để bắt đầu một ngày mới vào rừng sâu săn đào. Công cụ săn đào rừng của Chía chỉ là chiếc xe máy cà tàng, một con dao rựa và mấy chiếc dây cao su cũ. Trời rét buốt, mưa lạnh giá nhưng anh Chía vẫn phải vào rừng mưu sinh vì Tết Nguyên đán đã cận kề mà cả gia đình vẫn chưa có đồng nào để tiêu.
Chía bảo: “Ở bản này vào rừng săn đào nhiều lắm, phải có đến cả chục người cơ đấy. Cả xã thì khoảng hơn 30 người. Năm nào mình cũng đi theo anh em vào mấy vùng núi cao săn đào. Chỗ nào có đào tự nhiên thì gặp may, không thì phải mua lại của bà con khác rồi mang ra huyện bán. Cả ngày đi mang ra được một cành đào may ra cũng chỉ được vài trăm nghìn thôi, đủ tiền mua gạo, rau cho chả nhà”.
Từ xã Nhi Sơn, Chía cùng những “đồng nghiệp” vượt hơn 20km nữa mới đến được xã Mường Lý. Từ đây, đoàn bắt đầu vượt dốc cao lên những bản trên đỉnh núi như Sài Khao, Trung Thắng, Nàng… để săn đào. Đoạn đường từ nhà vào trung tâm huyện Mường Lát rồi đến xã Mường Lý còn đỡ vất vả vì đường được mở rộng, đổ nhựa nhiều đoạn. Khổ cực nhất là những đoạn đường dốc núi cao, trơn trượt khi đi vào các bản để tìm đào. Đoạn đường này chỉ là những lối mòn nhỏ bé, ít dấu người đi…
Sau khi mua được đào trong bản ra, Hơ Văn Chía cùng bạn đồng nghiệp buộc chặt đào và xe để lai ra phố huyện
Săn được đào đã là một việc khó, đưa đào ra được bên ngoài là cả một quá trình đầy gian nan và nguy hiểm, có khi phải đánh cược cả tính mạng. Anh Gia Văn Súa (32 tuổi) cùng bản với Chía cho hay: “Giờ đào rừng hoang thì chẳng còn nữa, phải mua lại của bà con trong các bản thôi. Giá ở đây thì cũng không cao lắm, cũng chỉ từ 200 – 500 nghìn một cành thôi. Nhưng mua xong rồi để vận chuyển ra được bên ngoài thì khó khăn lắm”.
Cũng theo anh Súa, sau khi mua được những cành đào, bạn đồng hành sẽ cùng với anh chặt hạ, bó lại rồi vận chuyển bằng cách khiêng ra đường vận chuyển bằng xe máy về trung tâm huyện để bán.
“Mua đào thì dễ thôi, bà con dân bản cũng chẳng giữ làm gì, họ bán để kiếm đồng tiêu tết. Nhưng để đưa được một cành đào ra ngoài phải mất cả ngày đường, chưa kể là nguy hiểm rủi ro khi đi xe máy chở đào phải đi qua những con dốc cao cheo leo nơi sườn núi. Không may mà ngã xuống vực chết chẳng chơi” – anh Súa tâm sự.
Đang buộc chặt cành đào vừa mua trong bản Trung Thắng, xã Mường Lý vào chiếc xe Ware cũ để chở về phố huyện, Thao Văn Di, xã Nhi Sơn chia sẻ: “Sáng đi có người đặt hàng rồi, giờ chỉ việc mang ra bán cho họ rồi lấy tiền thôi. Giá cả tùy vào cành đào đẹp hay không nhưng cũng lãi được gấp đôi. Kiếm được đồng tiền công cũng không phải dễ đâu. Anh em tôi đi từ sáng đến giờ, lăn lộn mấy bản mới có được hai cành đào này, đã được ăn cơm gì đâu, giờ chở ra đến huyện chắc phải đến khi trời tối”.
Một ngày vào núi cao săn đào rừng ra phố bán của người dân bắt đầu từ sáng sớm cho tới tối mịt. Chưa kể những hôm không tìm mua được đào phải về tay không, hôm đó coi như lỗ tiền xăng xe và công của một ngày.
“Đào rừng ngày càng hiếm vì người mua nhiều quá. Mỗi cành đào to phải cả chục năm mới có, năm nay mình chặt đi phải chục năm sau nó mới có lại được cành như thế. Chưa kể tìm được đào rồi còn phải xem nó có ra hoa kịp Tết không mới dám mua. Vì thế, đi săn đào cũng tùy vào may rủi” – anh Hơ Văn Ly (30 tuổi) xã Pù Nhi nói.
Mỗi đoàn đi săn đào thường có 2 - 4 người
Hành trình của những cành đào rừng về phố được anh Gia Văn Ly, bản Pá Học, xã Nhi Sơn tóm tắt: Những người như anh Ly, anh Súa, anh Di… sẽ cùng nhau vào các bản ở trên núi cao săn đào, chọn được đào sẽ mua của bà con dân bản rồi đưa lên xe chở ra phố huyện bán cho các thương lái. Các thương lái ở thị trấn Mường Lát sẽ gom hàng rồi bán cho những thương lái lớn từ thành phố Thanh Hóa lên mua đem về phố bán cho người chơi đào rừng vào những ngày tết.
Theo chân một thương lái chuyên buôn đào rừng từ Mường Lát về thành phố Thanh Hóa vào mỗi dịp Tết, chúng tôi mới thấy được giá mỗi cành đào rừng mà người dân phải chịu trăm đường cực nhọc, băng rừng lội suối vào tận các bản núi cao để săn được, qua tay thương lái đã được thổi giá lên cao gấp chục lần.
Những cành đào được cột chăt vào xe để băng rừng, lội suối ra phố huyện.
Một cành đào rừng được người dân đổ mồ hôi, sôi nước mắt có khi phải đánh cược cả tính mạng đưa từ trong núi cao ra phố huyện bán chỉ kiếm lời được gấp đôi. Có nghĩa là mua trong bản giá chỉ từ 250 – 500 nghìn khi ra đến huyện bán 500 – 1 triệu đồng. Những cành đào này được thương lái mua qua tay rồi bán cho những thương lái lớn ở thành phố lên kiếm lời cả triệu bạc một cành đào.
Những cành đào này mua trong bản có giá từ 250 - 500 nghìn đồng, đưa ra phố huyện bán chỉ lãi gấp đôi nhưng qua tay vài thương lái, giá đã cao gấp cả chục lần.
Gia nan đường đưa đào rừng ra phố
Chưa kể, những cành "khủng", dáng đẹp, nụ và hoa nhiều có giá lên đến cả chục triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, những cành đào này sẽ vượt thêm hơn 250km nữa về đến thành phố Thanh Hóa, giá được bán lên 10 – 20 triệu đồng mỗi cành.