Đổi mới toàn diện giáo dục, đột phá vào khâu thi cử

Đổi mới toàn diện giáo dục, đột phá vào khâu thi cử
TP - Hôm qua, trao đổi với báo giới đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, hiện cơ quan này đã hoàn thiện dự thảo Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong số các giải pháp, nhiệm vụ được đưa ra thì đổi mới kiểm tra, thi và đánh giá sẽ là khâu đột phá.

> Chủ tịch nước yêu cầu đổi mới giáo dục
> Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học

Theo ông Bùi Mạnh Nhị, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ GD&ĐT, hiện nay Ban Cán sự Đảng bộ GD&ĐT đã hoàn thiện dự thảo Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để chuẩn bị trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng. So với dự thảo đề án trình Hội nghị Trung ương 6 tháng 10/2012, dự thảo lần này đã chỉnh sửa, bổ sung và làm sáng tỏ nhiều nội dung.

 “Một trong những mục tiêu tổng quát của đổi mới là giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện, yêu gia đình, yêu Tổ quốc”. 

Ông Bùi Mạnh Nhị, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ GD&ĐT

Trong đánh giá thực trạng, đề án nhận định “chương trình giáo dục còn coi nhẹ thực hành, vận dụng kiến thức; phương pháp giáo dục, kiểm tra, thi và đánh giá lạc hậu, nhiều bất cập”. Từ nhận định này, đề án tách việc đổi mới thi cử, kiểm tra đánh giá là một trong chín nhiệm vụ/giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu của đề án. Ông Nhị chia sẻ: “Trong các nhiệm vụ, giải pháp, có thể coi đổi mới tư duy giáo dục, đổi mới quản lý giáo dục, trong đó có đổi mới chính sách, cơ chế tài chính và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là các giải pháp then chốt; đổi mới kiểm tra, thi và đánh giá là khâu đột phá”.

Theo đề án, phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT sẽ được đổi mới theo hướng kiểm tra năng lực học sinh, thiết thực, hiệu quả, tin cậy, sử dụng được kết quả công nhận tốt nghiệp THPT làm căn cứ cho tuyển sinh của nhiều cơ sở GD nghề nghiệp và GD ĐH. Còn phương thức tuyển sinh ĐH đổi mới theo hướng kết hợp kết quả giáo dục phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo. “Điều này phù hợp với quy định của Luật GD ĐH, tự chủ trong vấn đề tuyển sinh là quyền của các cơ sở đào tạo”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhận xét.

Nội dung, hình thức kiểm tra, thi và đánh giá kết quả giáo dục sẽ phải chú trọng đánh giá việc hiểu, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào việc giải quyết các vấn đề trong học tập và thực tiễn. Hạn chế yêu cầu ghi nhớ máy móc, “học tủ”; đánh giá được sự tiến bộ về phẩm chất và năng lực của người học. Các nhà trường sẽ phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học và đánh giá cuối kỳ, cuối năm học; đánh giá của người dạy và tự đánh giá của người học; đánh giá của nhà trường và đánh giá của gia đình, của xã hội.

Cũng theo ông Bùi Mạnh Nhị, với bậc mầm non, thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, miễn học phí trước năm 2020 cho đối tượng này”. Với giáo dục phổ thông, ngành GD&ĐT sẽ xây dựng mới chương trình cho giai đoạn sau năm 2015, bảo đảm cho học sinh kết thúc lớp 9 phải có tri thức phổ thông nền tảng, cơ bản; học sinh trung học phổ thông phải được tiếp cận nghề nghiệp và được chuẩn bị tốt cho giai đoạn học sau phổ thông. Đặc biệt, cả nước sẽ thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.