Ông Hiểu nói: Chủ trương luân phiên các ĐBQH được thống nhất rất cao, các ĐBQH thành phố rất đồng thuận. Mỗi vùng, mỗi địa phương của Thủ đô có các vấn đề nhân dân quan tâm và bức xúc khác nhau. ĐBQH luân phiên tiếp xúc cử tri sẽ nắm được tổng thể tình hình, từ đó phát biểu trước QH toàn diện hơn. Bản thân từng ĐB cũng có vị trí và lĩnh vực công tác khác nhau, vấn đề quan tâm cũng như khả năng xử lý các vấn đề cũng rất khác nhau. Một địa điểm thường xuyên có một ĐBQH về y tế hay nhà giáo về thì thường họ chỉ quan tâm vấn đề đó thôi. Nhưng bây giờ thay đổi, có thể sẽ có ĐB làm trong lĩnh vực ngân hàng, lãnh đạo thành phố hoặc lãnh đạo T.Ư về, sẽ giúp cho việc tiếp cận, giải quyết, xử lý vấn đề rộng mở, toàn diện, triệt để hơn.
Lắng nghe nhiều hơn
Thưa ông, việc luân phiên các ĐBQH trong tiếp xúc cử tri dựa trên tiêu chí nào? Có ý kiến cho rằng, việc này giúp ĐBQH lắng nghe đa số ý kiến cử tri, nhân dân nhưng lại gây khó khăn cho cử tri, nhân dân địa phương giám sát chương trình hành động của ĐBQH do cử tri bầu ra?
Chúng tôi phân công ĐBQH tiếp xúc cử tri trên cơ sở tính toán kỹ càng. Vùng nào, ở thời điểm nào thì cần đồng chí nào về. Ví dụ như ở Phúc Thọ, người dân rất bức xúc về vấn nạn cát tặc thì chúng tôi bố trí ĐBQH Đào Thanh Hải, là Phó Giám đốc Công an thành phố, đang phụ trách đúng lĩnh vực này về để lắng nghe đầy đủ hơn tiếng nói bức xúc của nhân dân ở cơ sở.
Còn về vấn đề cử tri giám sát chương trình hành động của ĐBQH thì cử tri đâu chỉ giám sát ĐBQH được bầu ở địa phương mình mà còn giám sát cả QH, các ĐBQH ở các địa phương khác nữa. Mỗi tổ ĐBQH về các địa phương đều có một người trúng cử ở đó để báo cáo kết quả hoạt động của cả nhóm. Cử tri thông qua phương tiện thông tin đại chúng biết ĐB đó có họp đầy đủ hay không? Có tiếng nói hay không. Đó cũng là giám sát chứ không riêng gì giám sát qua tiếp xúc cử tri.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc luân phiên tiếp xúc cử tri sẽ rất có ích khi ĐBQH là lãnh đạo của T.Ư, thành phố, ban ngành nắm bắt ý kiến cử tri, nhân dân, nhưng sẽ gây khó khăn cho các ĐBQH khác trong thực hiện chương trình, lời hứa cụ thể với cử tri địa phương?
Tôi nghĩ rằng, khi ĐBQH đã hứa thì giải quyết vấn đề đó không phải chỉ trong kỳ tiếp xúc cử tri. Nếu ĐBQH quan tâm vấn đề môi trường, họ có thể về khảo sát, phối hợp với các nhà khoa học về nghiên cứu bất kỳ lúc nào trong cả một năm hoặc một nhiệm kỳ. Còn tiếp xúc cử tri bản chất chủ yếu là lắng nghe. Tôi cho rằng, các ĐBQH cần lắng nghe nhiều cử tri hơn để tại diễn đàn QH, khi họp đoàn, họp tổ có thể nói lên tiếng nói của người dân Thủ đô, để không xa lạ với thông tin của ĐBQH trong đoàn nêu ra. Đa dạng kênh thông tin để có tiếng nói đồng thuận. Tránh trường hợp ĐB chỉ quan tâm một vấn đề, đến khi biểu quyết một vấn đề khác lại bảo việc đó tôi không quan tâm, thấy không quan trọng thì lại không nhận được sự đồng thuận của chính ĐB trong đoàn mình.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội.
Đẩy mạnh tiếp xúc cử tri chuyên đề
Vẫn có ý kiến cho rằng, trong các hội nghị tiếp xúc cử tri chủ yếu là cử tri chuyên nghiệp, có giấy mời mới được dự? Theo ông, cần làm gì để mở rộng đối tượng cử tri vì nhiều nơi chưa từng được tiếp xúc, gặp gỡ, nêu vấn đề với ĐBQH?
Để tiếp xúc cử tri đạt hiệu quả thì điều quan trọng là ĐB phải làm thế nào để nhiều cử tri đến nhất, nói được những điều cử tri suy nghĩ, quan tâm. Ở địa phương cũng thông tin cho cử tri rộng rãi, sẵn sàng đón nhận ý kiến cử tri, thậm chí tổ chức họp địa bàn dân cư, bàn các vấn đề cụm đó đang quan tâm và người đại diện đi tiếp xúc cử tri phải nói được cả các vấn đề đó.
“Có quá nhiều vấn đề bức xúc của nhân dân nhưng ĐBQH phải lựa chọn vấn đề nào người dân quan tâm nhất, bức xúc nhất, ảnh hưởng đến nhiều người, đến cộng đồng để theo đuổi và theo đuổi đến cùng, phải đề nghị làm việc với cơ quan chức năng, rồi giám sát, đôn đốc giải quyết…báo cáo kết quả với cử tri và nhân dân”.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội
Trước khi diễn ra hội nghị tiếp xúc cử tri thì thông tin đều được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cử tri có quyền đăng ký trước, bởi vì chỗ ngồi ở hội nghị có hạn. Có 200 chỗ ngồi mà đăng ký lên 700 người thì không ổn. Phải căn cứ vào đăng ký trước, trên cơ sở vật chất tại chỗ, ưu tiên người đăng ký trước. Tuy nhiên, nếu vẫn còn chỗ, cử tri có thể vào mà không cần có giấy mời. Tiếp xúc cử tri mà không có chỗ ngồi cho cử tri thì nhiều khi cũng bị phản ánh. Còn trong trường hợp không có giấy mời mà họ biết, họ đến thì cũng phải xem xét giải quyết.
Trong các nhiệm kỳ vừa qua, đều đã giải quyết cho rất nhiều trường hợp. Như ở Mê Linh, người dân đề nghị cho vào, chúng tôi kiểm tra thấy vẫn còn chỗ ngồi nên cho vào ngay. Thậm chí, có những trường hợp không còn chỗ nhưng có người muốn vào dự vì có vấn đề rất quan tâm thì cũng được ưu tiên. Mục tiêu là làm thế nào tiếp xúc được nhiều cử tri nhất, gặp thuận lợi nhất.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng rất quan tâm đến tiếp xúc cử tri chuyên đề. Tiếp xúc cử tri theo nguyên tắc “xuân thu nhị kỳ” trước và sau kỳ họp là bình thường rồi, nhưng bây giờ các vấn đề phát sinh ở cơ sở rất nhiều. Có những vấn đề phát sinh không đợi đến kỳ họp như ở một vùng nào đó bị ô nhiễm môi trường; bức xúc về dồn điền đổi thửa hay đê điều có vấn đề, chuyện nước sạch... Trước tình hình như vậy thì đoàn ĐBQH phải phát hiện ra vấn đề, tìm các ĐB quan tâm, có hiểu biết sâu về lĩnh vực đó về lắng nghe, tổ chức tiếp xúc cử tri ngay. Mình nắm được những vấn đề từ cuộc sống như vậy thì sẽ nhanh nhạy, linh hoạt hơn và góp phần có thông tin kịp thời hơn.
Cảm ơn ông!