GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết: Liên quan đến thời gian công bố, đến ngày 24/1, chúng tôi đã hoàn thành CT giáo dục phổ thông tổng thể và đã chuyển đến hội đồng thẩm định quốc gia. Sau tết âm lịch, từ 20 - 24/2, hội đồng thẩm định đã họp và đã biểu quyết thông qua dự thảo đó để công bố trên mạng. Tỷ lệ ủng hộ khá cao, 42% ủng hộ thông qua không cần sửa nữa. Trong thời gian vừa qua, Ban soạn thảo cũng đã tập trung nhân lực làm việc, đã hoàn thành bản dự thảo cuối cùng chuyển sang vụ pháp chế ngày 14/3. Nếu thuận lợi, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ phê duyệt và CT sẽ được công bố.
Thưa ông, liệu có kịp để thực hiện theo lộ trình mà Nghị quyết 88 của Quốc hội đề ra là thực hiện đổi mới CT-SGK bắt đầu từ năm học 2018-2019?
Chúng tôi khẳng định có thể thực hiện được. Tháng 9 này, chúng tôi phấn đấu CT được phê duyệt. Bộ sách mà Quốc hội giao cho Bộ biên soạn vẫn kịp. Nhưng có điều chúng ta cần tính đến là tạo điều kiện cho các tổ chức khác có thể biên soạn SGK. Rồi cần có thời gian để Chính phủ làm việc với từng địa phương, yêu cầu lãnh đạo các địa phương để tạo điều kiện tối thiểu thực hiện CT mới. Các địa phương cũng phải hết sức cố gắng. Vì tôi khẳng định nếu điều kiện tối thiểu thực hiện CT-SGK không đáp ứng được thì cũng hạn chế rất nhiều. Một trong những điều mà chúng tôi hết sức quan tâm và đề nghị Chính phủ làm sao để đảm bảo được điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất để thực hiện. Chúng tôi cũng sẽ hết sức cố gắng để kịp tiến độ mà Nghị quyết Quốc hội đã đề ra. Điều quan trọng nhất là đảm bảo chất lượng. Còn nếu thấy có vấn đề gì phải củng cố thêm thì phải báo cáo Ban Bí thư, Quốc hội.
Vậy thưa ông, điều kiện đi kèm là gì và Bộ đã chuẩn bị đến đâu để có thể thực hiện được CT-SGK mới?
Để thực hiện CT-SGK có điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất. Điều kiện giáo viên là thuộc trách nhiệm của Bộ GD&ĐT. Bộ cũng đã có một đề án về vấn đề này. Sau khi xây dựng xong CT, chúng tôi cũng sẽ phải viết tài liệu bồi dưỡng giáo viên. Trang thiết bị, không nhiều thay đổi. Sản xuất trang thiết bị như thế nào thì phải chờ CT hoàn thành.
Điều kiện cơ sở vật chất vừa là trách nhiệm của Bộ, nhưng trách nhiệm chính là của địa phương. CT mới chủ yếu học 2 buổi/ngày để đảm bảo học sinh không bị quá tải. Nhưng thống kê hiện nay chỉ có 47% các trường tiểu học học 10 buổi/tuần, 30% học 6 buổi/tuần, hơn 20% học chưa được 6 buổi/tuần. Đây là điều phải khắc phục, nếu không sẽ hết sức khó khăn.
CT mới và CT cũ có gì giống nhau và có gì khác nhau, thưa ông?
CT mới là hình thành năng lực, phẩm chất cho học sinh. Mới nhất là ở cấp THPT. Cụ thể, lớp 10 là lớp dự hướng giúp học sinh có được sự chuẩn bị để chọn nghề ở lớp 11, 12. Lớp 11, 12 là định hướng nghề nghiệp. Ngoài một số môn bắt buộc như giáo dục quốc phòng, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm sáng tạo thì mỗi học sinh được chọn 5 môn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của mình. Các môn bắt buộc chủ yếu học thực hành nên rất nhẹ nhàng. Ví dụ như giáo dục thể chất sẽ hình thành các câu lạc bộ và học sinh được tự chọn môn thể thao để học.
Cảm ơn ông.