Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Phiên chất vấn sẽ rất sôi động
Nội dung chất vấn tại kỳ họp thứ 5 này sẽ được đổi mới theo hướng đại biểu chỉ hỏi trong một phút, còn người trả lời trong 3 phút. Phương thức này được thực hiện thí điểm tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Kết quả mang lại rất tốt, người hỏi rất ngắn gọn, rõ ý và người trả lời rất tập trung chứ không lòng vòng. Chính vì vậy mà số lượng người được hỏi tăng lên gần gấp đôi so với kỳ trước.
Mặt khác, với sự đổi mới này, bắt buộc người trả lời phải nghiên cứu rất thấu đáo về lĩnh vực mình phụ trách, để khi đại biểu hỏi sẽ trả lời được ngay. Tuy nhiên, để đỡ áp lực cho các thành viên Chính phủ, để có thêm thời gian suy nghĩ, tại lần chất vấn này sẽ có ba đại biểu hỏi một lúc, mỗi đại biểu hỏi một phút, sau đó trưởng ngành sẽ trả lời. Chính từ sự đổi mới này, tôi tin phiên chất vấn tới đây sẽ rất sôi động.
Các tư lệnh ngành đăng đàn trả lời chất vấn cũng là một phần để làm căn cứ cho việc lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối năm. Tuy nhiên, việc lấy phiếu tín nhiệm phải được xem xét trong cả quá trình, từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Điều quan trọng là Quốc hội sẽ có cuộc giám sát, xem Chính phủ và các thành viên Chính phủ thực hiện lời hứa đến đâu, những gì đã làm được, cái gì không làm được, và phải nêu rõ nguyên nhân. Việc này sẽ phải báo cáo trước Quốc hội, từ đó đại biểu sẽ đánh giá, xem ai thực hiện tốt, ai chưa tốt.
Thông thường tại phiên họp giữa năm, Thủ tướng sẽ giao cho Phó Thủ tướng trả lời, nhưng có những lúc cần thiết, Thủ tướng vẫn đăng đàn. Còn tại kỳ họp này, do Thủ tướng đi nước ngoài nên sẽ phân công Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt trả lời những nội dung liên quan. Còn báo cáo Quốc hội sẽ do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thực hiện.
Phó Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật Trương Minh Hoàng: Chấm dứt lòng vòng
Việc đổi mới chất vấn này có rất nhiều ý kiến ủng hộ. Bởi người đặt câu hỏi ý thức được vấn đề gì là trọng tâm, còn người trả lời cũng biết được với liều lượng như thế cần trả lời vào đúng vấn đề.
Điều này đòi hỏi ĐBQH phải chuẩn bị thật kỹ nội dung chất vấn, làm sao để hỏi đúng và trúng vấn đề. Bởi nếu hỏi không trúng nội dung, người điều hành phiên chất vấn có quyền cho trả lời bằng văn bản. Mà như vậy sẽ làm mất đi ý nghĩa của phiên chất vấn. Cử tri xem trực tiếp cũng không hài lòng về chính người hỏi. Chính vì vậy, từng đại biểu sẽ phải nâng cao ý thức trách nhiệm của mình hơn.
Cùng với đó, các tư lệnh ngành cũng phải nắm thật chắc vấn đề, chuẩn bị thật kỹ để trả lời đúng và trúng vấn đề được nêu. Trước đây, nhiều trường hợp bị đánh giá trả lời lòng vòng. Điều này sẽ được khắc phục từ sự đổi mới tới đây. Bởi nếu trả lời không rõ ý, cứ lòng vòng không đúng trọng tâm sẽ bị hết giờ.
Đặc biệt, vào kỳ họp cuối năm nay, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm. Chính vì thế các tư lệnh ngành sẽ phải có trách nhiệm, không thể né tránh và không thể trả lời lòng vòng được. Phiên chất vấn lần này vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức cho các tư lệnh ngành trước khi hướng tới việc lấy phiếu tín nhiệm.
Tôi kỳ vọng sự đổi mới này sẽ nâng cao trách nhiệm cả người hỏi và người trả lời để phiên chất vấn thành công. Để có được điều này, tôi cũng mong muốn người điều hành phiên chất vấn cương quyết cắt, nếu người hỏi và trả lời quá thời gian mà không đủ ý. Như chúng ta biết, để có được phiên chất vấn thành công, phải đòi hoi ở cả ba phía: Người chất vấn nêu thẳng vấn đề, người trả lời đúng trọng tâm và người điều hành kiên quyết cắt với những trường hợp quá thời gian cho phép.
ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên): Hỏi phải trúng vấn đề người dân bức xúc
Tôi ủng hộ với việc cải tiến hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5. Đó là sự đổi mới hết sức cần thiết trong việc nâng cao chất lượng về nội dung cũng như cách thức thực hiện trong công tác giám sát tối cao của Quốc hội.
Tôi cho rằng, quy định một phút để đại biểu đặt vấn đề với những câu hỏi trực diện sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ câu trả lời của các bộ trưởng. Điều đó cũng đòi hỏi các đại biểu phải có sự chuẩn bị kỹ càng về nội dung, thông tin cần hỏi, sử dụng kỹ năng đặt câu hỏi sao cho đúng, cho trúng những vấn đề mà người dân bức xúc. Việc lựa chọn dạng câu hỏi cùng với những lập luận cần thiết để chốt vấn đề yêu cầu bộ trưởng trả lời có thể sẽ gây áp lực cho đại biểu và các vị tư lệnh ngành đăng đàn phiên chất vấn, nhưng tôi hy vọng, chính điều đó sẽ nâng cao tính trách nhiệm và chất lượng hoạt động của cả hai bên.
Qua theo dõi, tôi thấy có nhiều vị đại biểu đặt câu hỏi rất hay, cách tiếp cận vấn đề rất mới, rất sáng tạo. Cách họ nhìn thẳng vào thực trạng, không ngại va chạm, thể hiện việc sẽ truy đến cùng những vấn đề nóng của xã hội, tuy nhiên lại không có cơ hội chất vấn trực tiếp ở nghị trường vì phụ thuộc vào kết quả bấm nút điện tử, đó là điều đáng tiếc. Với việc đổi mới này, tôi tin rằng cơ hội sẽ được chia đều cho các vị đại biểu khác.
Điều quan trọng khác nữa là việc thay đổi cách thức chất vấn sẽ giúp các bộ trưởng xác định nhanh, lựa chọn ngay cách trả lời đi sâu vào trọng tâm cần giải quyết, tháo gỡ. Đối với những vấn đề bộ trưởng chưa thể trả lời được, cần thời gian chuẩn bị và cần có sự phối hợp của các bộ ngành khác, thì cũng nên nói thẳng với đại biểu và cử tri biết.
Việc chất vấn như thế nào sẽ thể hiện thái độ, tác phong và tâm thế của một vị đại biểu. Việc trả lời chất vấn như thế nào sẽ thể hiện tư duy và tầm nhìn về hoạch định chính sách của một chính khách.
ĐBQH Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn Đồng Tháp: Tăng đối thoại, tranh luận
Chất vấn và trả lời chất vấn là vấn đề hệ trọng, được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm tại mỗi phiên họp. Việc đổi mới chất vấn lần này rất hay và tốt hơn cho cả người hỏi cũng như người trả lời. Bởi trước đây thường là nhiều người đặt câu hỏi, sau đó trưởng ngành mới trả lời. Mà mỗi người hỏi đều nhiều câu, khiến nhiều bộ trưởng ghi chép không hết, dẫn đến trả lời thiếu ý. Lúc đó, người chất vấn muốn hỏi lại, nhưng sợ mất thời gian và cơ hội của người phía sau nên thôi.
Sự thay đổi lần này đòi hỏi khi nêu chất vấn, đại biểu phải hỏi thẳng vào vấn đề, với câu hỏi ngắn gọn, cụ thể, đúng thời gian quy định. Cùng với đó, các bộ trưởng, trưởng ngành cũng phải trả lời thẳng vào vấn đề chứ không vòng vo được. Chính vì vậy, trước khi đại biểu chất vấn, phải suy nghĩ thật kỹ những vấn đề nào cần chất vấn, để trả lời cho cử tri nắm được, chứ không phải hỏi cho biết.
Tôi cho rằng, sự thay đổi này sát hơn, phù hợp hơn với thực tiễn. Mặt khác sự đổi mới này cũng góp phần tăng tính đối thoại, tranh luận hơn tại diễn đàn Quốc hội. Bởi nếu phần trả lời nào chưa rõ ràng, không đúng ý thì đại biểu có thể tranh luận lại với bộ trưởng cho rõ vấn đề hơn.
Khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14 được khai mạc sáng 21/5, làm việc trong 20 ngày và sẽ bế mạc vào chiều 15/6. Theo thông lệ, tại kỳ họp giữa năm, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (chiếm tỷ lệ 60% tổng thời gian của kỳ họp). Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành khá nhiều thời gian cho hoạt động giám sát tối cao và xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng khác.
Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 12 ngày để xem xét, thông qua 8 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 8 dự án luật khác. Tại phiên họp này sẽ có 15 phiên họp thuộc nội dung của kỳ họp được tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước trực tiếp theo dõi (chiếm khoảng 40% thời lượng của kỳ họp). Ngoài những nội dung được tường thuật trực tiếp theo quy định của nội quy kỳ họp, dự kiến phiên họp giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 và phiên thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cũng sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Luân Dũng