Đòi 'lót tay', 'phong bì'... ngày càng tinh vi, biến tướng

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải (ảnh Như Ý)
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải (ảnh Như Ý)
TPO - Theo bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện, hiện tượng đòi “hối lộ”, “lót tay”, “phong bì” mà người dân phải đối diện hàng ngày khi thực hiện một số thủ tục hành chính ngày càng có những biểu hiện tinh vi, biến tướng, gây bức xúc trong dư luận.

Búc xúc việc đòi “phong bì”, “lót tay”

Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, việc trả lời các kiến nghị của các cơ quan chức năng đã có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, theo bà, trên một số lĩnh vực vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như việc chống “tham nhũng vặt” còn chưa thực sự hiệu quả. “Hiện tượng đòi “hối lộ”, “lót tay”, “phong bì” mà người dân phải đối diện hàng ngày khi thực hiện một số thủ tục hành chính ngày càng có những biểu hiện tinh vi, biến tướng, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến lối sống, đạo đức xã hội, nhưng chậm được phát hiện, xử lý qua thanh tra kiểm tra của cơ quan nhà nước”, bà Hải cho biết.

Bên cạnh đó, tình trạng ban hành văn bản trái luật chưa được xử lý dứt điểm, số văn bản có dấu hiệu trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền được phát hiện qua công tác kiểm tra văn bản của ngành tư pháp còn nhiều.

>>>Hôm nay, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn

Một số văn bản dù đã có kết luận kiểm tra nhưng chậm được xử lý. Đây là vấn đề tồn tại đã lâu, cử tri đề nghị Chính phủ, bộ, ngành, UBND các địa phương khẩn trương xử lý triệt để và xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm.

Vi phạm trong thi cử gây hoang mang dư luận

Trong lĩnh vực giáo dục, bà Hải cho biết, một số vấn đề mà cử tri phản ánh chưa được giải quyết thấu đáo nên cử tri tiếp tục có kiến nghị, như vấn đề dạy thêm, học thêm, lạm thu đầu năm học, bạo lực học đường, độc quyền trong phát hành sách giáo khoa (SGK), lãng phí trong sử dụng SGK...

“Đây là những vấn đề được cử tri phản ánh ở hầu hết các kỳ tiếp xúc cử tri từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp thu, tích cực, chủ động tìm nhiều biện pháp để tháo gỡ nhưng hiệu quả chưa cao”, bà Hải nhấn mạnh.

Bà cũng cho biết, việc thường xuyên cải tiến, đổi mới trong thi, tuyển sinh; đổi mới cách dạy và học; thí điểm mô hình giáo dục mới (VNEN); thực nghiệm sách Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục quá lâu trên phạm vi rộng nhưng chưa tổng kết, đánh giá khiến dư luận băn khoăn.

Đặc biệt, những sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kỳ thi, tính khách quan, minh bạch, sự công bằng giữa các thí sinh, tiếp tục gây hoang mang, bức xúc trong dư luận cần khẩn trương tổng kết, đánh giá, xử lý vi phạm, tạo niềm tin trong Nhân dân.

Trước những hạn chế trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị các cơ quan chức năng cần quan tâm và có giải pháp hiệu quả, quyết liệt hơn nữa trong chống “tham nhũng vặt. Bên cạnh đó, giải quyết dứt điểm những kiến nghị của cử tri liên quan đến lĩnh vực giáo dục, như đổi mới các hình thức thi, tuyển sinh; đổi mới cách dạy và học, tổng kết việc thí điểm mô hình giáo dục, tài liệu giáo dục mới...

MỚI - NÓNG