Tham nhũng vặt, lót tay gây xói mòn đạo đức

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: QH.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: QH.
TP - Chiều 20/9, cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), đại biểu trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra thực trạng tham nhũng vặt xảy ra ở nhiều ngành nghề, làm xói mòn đạo đức, gây tâm lý làm việc gì cũng phải có lót tay.

Một trong những điểm mới trong dự thảo là nội dung xây dựng chế độ liêm chính trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đây được coi là một trong những trụ cột quan trọng trong PCTN. Trên cơ sở đó, dự thảo quy định cụ thể những việc mà cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được làm.

Dự thảo cũng bổ sung thêm quy định mới về giáo dục liêm chính và trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục, Thanh tra Chính phủ và một số bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện giáo dục liêm chính. Đây được coi là nền tảng quan trọng trong việc hình thành, giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, qua đó nhằm phòng ngừa tham nhũng trong xã hội.

Cho ý kiến về việc này, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đã chỉ ra nhiều loại hình tham nhũng vặt ở khối hành chính, cấp cơ sở, gây bức xúc trong nhân dân. Báo cáo thẩm tra cũng đưa ra đánh giá của PAPI, với khoảng 54% người dân cho rằng, phải đưa hối lộ mới xin được việc làm trong khu vực nhà nước. “Tôi rất trăn trở với nạn tham nhũng vặt, vì nó ảnh hưởng đến số đông người dân, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, tâm lý, đặc biệt làm xói mòn đạo đức, lối sống tốt đẹp, tương thân tương ái của người dân”, bà Hải nói.

Chứng minh điều này, bà Nguyễn Thanh Hải thẳng thắn nêu ra thực trạng, cử tri và người dân vào bệnh viện công, muốn tiêm bớt đau thì phải chi lót tay từ 20 - 50 nghìn đồng. “Một người bạn tôi đã phải rớt nước mắt, vì khi đưa vào viện, quên đưa tiền nên mẹ bị tiêm đau. Hay như bản thân tôi, khi sinh cháu trong viện, nếu không bỏ tiền trong tã thì tắm không sạch. Tôi sinh cháu năm 2001 hiện tượng đó đã có và hiện nay vẫn còn. Đây là hành vi nhỏ nhưng gây ra tâm lý khi làm việc gì cũng phải có lót tay”, bà Hải nêu.

Cân nhắc mở rộng PCTN khu vực tư nhân

Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm hiện nay là việc mở rộng phạm vi điều chỉnh PCTN sang cả khu vực ngoài nhà nước. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Tư pháp tán thành, vì cho rằng, thực tế tình hình “tham nhũng khu vực ngoài nhà nước” đã và đang xuất hiện ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời cản trở hiệu quả PCTN trong khu vực công.

Đồng tình với việc mở rộng phạm vi, song nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định làm sao cho đảm bảo tính khả thi, vừa đáp ứng yêu cầu PCTN, nhưng không gây khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Do chưa làm tốt công tác PCTN trong khu vực nhà nước, vì thế một số ý kiến đề nghị, trước mắt chưa nên mở rộng phạm vi, mà nên tập trung nguồn lực làm tốt công tác PCTN trong khu vực nhà nước. Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị, nên tập trung vào khu vực công lập, nhà nước. Bởi theo ông Bình, tham nhũng thường gắn với quyền lực, còn nếu mở rộng phạm vi, thì vấn đề đặt ra là chúng ta đã có đủ lực chưa và phải nhìn nhận về việc này như thế nào?

Hay đối với quy định về “người thân thích”, dự thảo có liệt kê vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể… Về việc này, đại biểu đề nghị cần phải xem xét kỹ. “Với ông, bà ruột thì sao? Bố mẹ chết rồi ở với ông, bà thì sao? Rồi cô, dì, chú, bác, cậu, em chồng, hay chị dâu, em rể có khi còn thân hơn em ruột, nên cần phải tính thế nào cho phù hợp”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Nguyễn Khắc Định nêu.  

MỚI - NÓNG