Kiếm ăn dưới đáy sông
Cỡ 9h sáng, chúng tôi cùng những người nông dân thôn Phúc Mãn, xã Xuân Hương (Lạng Giang - Bắc Giang) vượt hơn chục cây số đường để đến khúc sông mà họ dự kiến "tác nghiệp". Đồ nghề rất đơn giản, chỉ là chiếc xe đạp cọc cạch, chiếc rổ cỡ lớn, một đoạn ống bương khô.
Anh Nguyễn Văn Đắc (45 tuổi) với 25 năm trong nghề cho hay: "Ống bương để thả nổi, khi ngoi lên chúng tôi bíu vào đấy để nghỉ lấy hơi. Còn chiếc rổ sẽ được đặt hòn gạch ở giữa, cho chìm xuống nước. Trai và trùng trục mò được, thả vào rổ luôn. Không trôi đi đâu được".
Nơi những người đàn ông "tác nghiệp" là một nhánh sông Thương, trên địa bàn xã Ngọc Lý (huyện Tân Yên). Đến bãi tập kết, xe đạp để trên bờ, những người đàn ông cởi bớt quần áo và lội xuống. Dù là tiết hè nhưng dưới sông vẫn lành lạnh, nổi da gà. Tôi nhận thấy những cái nhăn mặt đầu tiên của họ.
Rồi cơ thể quen dần, họ bơi ra giữa dòng. Ba người đàn ông bắt đầu lấy hơi, lặn xuống. Mỗi lần lặn, chừng 45 giây, khoảng thời gian đó, hai tay người lặn quờ quạng trong làn nước đen, Sục vào bùn để mò trai, trùng trục. Tìm thấy, họ thả vào rổ, rồi ngoi lên, lấy hơi. Xong, quá trình lặn lại tiếp tục.
Nước sông đục, lờ nhờ do ô nhiễm, song những người lặn lần mò dưới đáy sông không hề có bảo hộ. Mắt, miệng, mũi và toàn thân cứ ngụp trong nước bẩn. Môi, mặt từng người đang tím lại. Có những giây phút, cả nhóm cùng lặn xuống, trên mặt nước sóng gợn lăn tăn chỉ còn những chiếc ống bương nổi nênh.
Bất ngờ tất cả những cái đầu cùng nhô lên, hì hụp, phì phò thở. Tôi hỏi, nước bẩn như vậy, các bác không ghê sao? Ông Nguyễn Văn Khải (68 tuổi), người đã có 50 năm trong nghề nói: "Quen rồi, sợ bẩn thì không làm được đâu!".
Nói đoạn, ông Khải giơ hai bàn tay chai sần, nhăn nhúm vì bị nước ăn cho tôi xem: "Đây, 50 năm lặn sông, hai bàn tay tôi quờ vào đủ thứ. Nhiều mảnh sành, thủy tinh cứa vào, sẹo chằng chịt tôi còn chẳng sợ huống chi nước bẩn!".
Cỡ hơn 1h chiều ngày 28/4, tôi được gặp nhóm anh Phương, gồm 5 thợ lặn chuyên nghiệp hơn vì đã sắm được đồ nghề bằng bình sục khí. Anh Phương được bầu làm nhóm trưởng có trách nhiệm tụ tập và tìm mối bán hàng. Họ từ thôn Sỏi Làng, xã Ngọc Lý đổ ra.
Bộ đồ nghề tự chế gồm bộ mũ chụp, nối với ống thở, bình khí, giúp cho người dân có thể lặn hàng giờ đồng hồ mà không cần ngoi lên mặt nước lấy không khí. Anh Nguyễn Văn Phương, thổ lộ: "Có bình này thì đỡ vất vả hơn. Để chế được chỉ cần mua một số thiết bị, kinh phí chừng 3 triệu đồng, rồi về nhà tự lắp. Người chế trước dạy cho người chế sau, cũng chẳng khó gì đâu anh ạ".
Mồ hôi mà đổ xuống sông
Trong nhóm anh Phương, có ông Nguyễn Đức Tiếp - người đầu tiên chế được bình sục khí ở thôn Sỏi Làng. Trước đây ông Tiếp chỉ là thợ lặn "chay" (thủ công), sau đó nhờ mầy mò khớp nối các chi tiết, ông đã sáng tạo ra bình sục khí. Ông Tiếp bảo rằng, ai cũng muốn chọn việc nhẹ nhàng nhưng vùng quê này ngoài cấy lúa thì chẳng có nghề phụ gì.
Chính dòng sông Thương hào phóng, cùng hệ thống kênh rạch trong khu vực tạo điều kiện cho người dân có thêm thu nhập. Thời gian kiếm ăn dưới đáy sông từ tháng 3 đến tháng 10, quãng thời gian mùa đông, đáy sông lạnh buốt thì thợ lặn đi làm thợ xây, một số ở nhà chăn nuôi, nghỉ lấy sức chờ tiết trời ấm lên thì ra sông.
Cuối giờ chiều, thành quả của mỗi thợ lặn có máy sục khí là khoảng 80 đến 150kg trai, trùng trục được đựng trong những bao tải. Họ cẩn thận chằng lên xe máy và mang về nhà. Số này sẽ được rửa sạch, phân loại và chờ thương lái đến mua buôn. Giá trai là 8.000 đồng/kg; giá trùng trục 10.000 đồng/kg. Anh Phương cho biết, thợ lặn trong thôn thường đi theo nhóm để tiện giúp đỡ nhau. Mỗi ngày, nhóm sẽ lên lịch cụ thể là lặn ở khu vực nào để các thành viên nắm được cũng như đỡ trùng lịch với các nhóm khác, tránh bị dồn quá đông người vào một địa điểm.
Qua tìm hiểu, thôn Sỏi Làng có 220 hộ dân, thì một nửa trong số đó sống bằng nghề cào trai, hến và lặn sông. Thu nhập của người kiếm được nhiều, lặn sâu khoảng 400 đến 500 nghìn đồng/ngày. Người chỉ đứng cào, thu nhập chừng 200 đến 250 nghìn đồng/ngày.
Thương lái đến tận nhà mua nên bà con đỡ vất vả. Tiền kiếm được, bà con trang trải cuộc sống, lo cho con cái ăn học. Anh Phương tâm sự: "Lặn sông, thực chất càng lúc nắng nóng thì dưới đáy lại mát. Hễ ngoi lên là khó chịu lắm, do chênh lệch nhiệt độ quá cao. Đời dân chúng tôi đổ mồ hôi xuống sông. Vậy mà vẫn rất yêu sông!".
Dọc sông Thương chảy qua địa phận Bắc Giang, bắt nguồn từ huyện Yên Thế xuống đến huyện Yên Dũng, có biết bao ngôi làng sống nhờ sông. Họ ngụp lặn và tìm kiếm. Từ đời này qua đời khác, biết bao ngôi làng trở nên khá giả cũng nhờ nghề lặn. Nhiều đoạn sông có vài chục người cùng ngụp lặn, do có luồng nước xoáy tích tụ trai, hến về ở.
Trai được phân loại để đem bán.
Cuộc sống cũng tạo ra biết bao nhiêu lão nông, gắn bó với nghề mấy chục năm, được mệnh là những con rái cá của thôn xóm. Ông Nguyễn Văn Khải ở thôn Phúc Mãn, xã Xuân Hương là một điển hình. Nhờ nghề, con cái ông được ăn học tử tế, nhà cửa được xây dựng khang trang. Nhưng ông cũng phải thừa nhận, nghề đã vắt sức lực của ông và bao phen phải đối mặt với hiểm nguy.
Ông từng nhiều lần bị chuột rút. Ở sâu dưới tầng nước lạnh, nếu không có kinh nghiệm ứng phó với những tai nạn như thế thì chết người như chơi. Đã có nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra. Đó là khi các chàng trai trẻ chủ quan, uống rượu rồi lặn xuống, có khi bị mắc chân vào lưới của người khác thả, trong lúc cuống không gỡ ra được. Xót xa tuổi xuân chìm khuất dưới đáy sông.
Nghề chọn người
Tôi đã từng gặp biết bao người làm nghề nguy hiểm. Người nuôi rắn hổ mang, người tái chế rác thải, thợ đá… và nay là những người thợ lặn. Phải khẳng định, đã không ít người đã thí mạng cho làng nghề. Riêng đời thợ lặn, nay khúc sông này, mai kênh rạch khác. Đáy sông cho họ miếng cơm, là nơi để những phận nghèo gửi gắm ước vọng.
Nhưng đã có người chết, người mắc bệnh da, bệnh phổi và suy hô hấp… Ấy vậy mà, bất chấp bệnh tật, người dân vẫn ra sông. Sản vật dưới lòng sông sẽ không bao giờ hết, cũng như người thợ lặn, dù có chế được bình sục khí, hay lặn chay thì vẫn là một trong những thứ nghề vất vả.
“Vậy bao giờ thì bác nghỉ?” Trước câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Đọc, 60 tuổi, ở xã Tiến Dũng (huyện Yên Dũng) nói rằng, bao giờ trời bắt nghỉ thì ông nghỉ. Còn hiện nay, sức lực vẫn còn. Hằng ngày, ông vẫn dẫn hai con trai đi kiếm ăn. “Vậy khi giàu có, ông có bỏ nghề lặn không?” Tất cả những người dân ở khúc sông ồ lên: “Nghề chọn chúng tôi, bao giờ thấy không lặn được nữa mới nghỉ. Chứ kể gì giàu hay nghèo!”.