“Đội đặc nhiệm” ở cực Nam quần đảo Trường Sa

“Đội đặc nhiệm” ở cực Nam quần đảo Trường Sa
TPO - Xuồng vào gần đảo An Bang. Dải cát đẹp bị bao vây bởi những đợt sóng khá lớn. Hơn hai chục cán bộ, chiến sĩ trong trang phục áo rằn ri, áo phao đã chờ sẵn từ lúc nào. Lựa con sóng đưa xuồng vào gần đảo, một người quăng dây mồi, các chiến sĩ biệt đội kéo xuồng lao xuống biển vớt dây nhưng không được...

“Tàu không neo được”, một đồng nghiệp từ ngoài boong tàu 561 chạy vào thông báo. Ai cũng nháo nhác, nếu không neo được thì làm sao vào đảo An Bang, điểm đảo cực Nam của quần đảo Trường Sa.

Bất ngờ có thông báo hạ xuồng, cán bộ, chiến sĩ, phóng viên làm công tác chuẩn bị vào đảo. Tàu 561 vừa phải thả trôi vừa hạ xuồng. Sóng lừng từng đợt nhấp nhô, nâng xuồng lên cao cả mét rồi lại hạ xuống mặt biển sâu hun hút. Từng người bước xuống xuồng với thái độ khẩn trương. Xuồng nhấp nhô va vào thành tàu liên tục.

Trên chiếc xuồng chuyển tải chòng chành lặn ngụp giữa sóng gió, Đại tá Phan Ngọc Quang, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 “dọa” cánh phóng viên: “Bây giờ đã hiểu là “dịu dàng” thế nào chưa?”. Dứt lời, ông bảo, cả đoàn phải ngồi im dưới lòng xuồng, dù sóng đánh thế nào, xuồng lắc ra sao cũng không được mất bình tĩnh.

Ông giới thiệu, vào đảo An Bang là “kỷ niệm” khó quên với bất kỳ người nào và là cơ hội hiếm có, vì có những đoàn không vào được, phải trò chuyện qua bộ đàm. “Ở đây, có biệt đội bắt dây và kéo xuồng. Chuyên nghiệp lắm”, ông Quang nói.

Chiếc xuồng chuyển tải dần tiến về phía bờ đảo. Một dải cát đẹp bị bao vây bởi những đợt sóng khá lớn. Hơn chục cán bộ, chiến sĩ trong trang phục áo rằn ri, áo phao đã chờ sẵn từ lúc nào. Lựa con sóng đưa xuồng vào gần đảo, một chiến sĩ quăng dây mồi, ngay lập tức, các chiến sĩ biệt đội kéo xuồng lao xuống biển vớt dây nhưng không được.

Xuồng phải đi thêm một vòng nữa trước khi quay lại. Ai cũng sợ khi sóng biển ngày một dữ dội. Rồi thêm một lần quăng dây nữa. Hơn 20 cán bộ, chiến sĩ hò dô ta kéo, chiếc xuồng ập vào bờ đảo. Tiếng hô, khẩu lệnh rời xuồng át cả tiếng sóng...

Chỉ huy đội “tác chiến” bên bờ đảo An Bang là thượng úy Đỗ Văn Vui, Phó Chỉ huy trưởng đảo. Mái tóc đã hoa râm, tự nhận mình “mới 29 tuổi”, anh Vui khá vui tính, khác hoàn toàn với lúc chỉ huy kéo xuồng đón đoàn. Châm điếu thuốc hút cho đỡ lạnh, anh Vui bảo, trông đơn giản thế thôi, nhưng chỉ cần chậm một vài giây, sóng to đánh vào lật xuồng thì không biết hậu quả thế nào.

Để chuẩn bị cho công tác đón đoàn, lãnh đạo đảo phải họp lên, họp xuống, đưa ra các phương án chuẩn bị, mang cả áo phao, đồ cứu hộ, thùng, xô múc nước nếu cần thiết. “Mọi lần đón đoàn vào thì bãi cát thoai thoải, dễ hơn. Chỉ sau một đêm thực địa bãi cát đã khác rồi. Hôm nay bãi cát gần như dựng 70 – 80 độ, nên rất khó khăn trong việc kéo xuồng. Bên trong thì xuồng mắc vào cát mà bên ngoài thì sóng xô mạnh”, anh Vui nói.

Trong cuộc trò chuyện, anh cứ nhắc “bãi cát của tôi”. Cũng phải, vì anh Vui là người chỉ đạo hầu hết công tác đón đoàn ngoài bãi cát, trung bình hàng chục cuộc một năm. Riêng đoàn cuối năm này, anh Vui và các anh em phải mất nửa ngày tung dây, kéo cả 5 – 7 chuyến mới xong việc. Người cứ ướt xong lại khô, rồi lại ướt. Anh khoe, bãi cát ở đảo An Bang là có một không hai.

“Năm nay anh ra đây thì bãi cát ở vị trí này, nhưng khoảng tháng 4 tháng 5 anh ra đây thì bãi cát lại ở vị trí khác rồi. Hồi giữa năm bãi cát đẹp lắm, cứ như đường cong của chị em phụ nữ vậy”, anh Vui ví von.

“Đội đặc nhiệm” ở cực Nam quần đảo Trường Sa ảnh 1 Các cán bộ, chiến sĩ thuộc "đội đặc nhiệm" bắt dây, kéo xuồng chờ đón đoàn công tác từ tàu 561 vào đảo. Ảnh: Trường Phong
“Đội đặc nhiệm” ở cực Nam quần đảo Trường Sa ảnh 2 Lựa lúc sóng đẩy xuồng vào gần bờ đảo, một người trên xuồng ném dây mồi để cán bộ, chiến sĩ trên đảo kéo xuồng vào bờ đảo. Ảnh: Trường Phong
“Đội đặc nhiệm” ở cực Nam quần đảo Trường Sa ảnh 3 Khoảng cách khá xa, sóng gió to khiến những cú ném dây nhiều khi không đến nơi được, xuồng phải quay lại một vài vòng. Ảnh: Trường Phong
“Đội đặc nhiệm” ở cực Nam quần đảo Trường Sa ảnh 4 Cán bộ, chiến sĩ trên đảo nhiều lúc phải lao xuống biển bơi ra để bắt dây. Ảnh: Trường Phong
“Đội đặc nhiệm” ở cực Nam quần đảo Trường Sa ảnh 5 Dịp cuối năm, sóng ở đảo An Bang thường khá dữ dội gây rất nhiều khó khăn cho cán bộ, chiến sĩ kéo xuồng đón đoàn. Ảnh: Trường Phong
“Đội đặc nhiệm” ở cực Nam quần đảo Trường Sa ảnh 6 Khi xuồng vào bờ đảo, các cán bộ, chiến sĩ phải ra sức giữ xuồng trước các đợt sóng dữ ập vào liên tục. Người trên xuồng phải xuống nhanh nhất có thể vì xuồng rất dễ bị lật khi sóng to. Ảnh: Trường Phong
“Đội đặc nhiệm” ở cực Nam quần đảo Trường Sa ảnh 7 Tranh thủ giờ nghỉ khi chờ xuồng, chiến sĩ Nguyễn Thành Phăng được bạn dùng đá san hô làm mic, hát liền hai bài Bâng khuâng Trường Sa và Bài ca Tết cho em ngay trên dải cát đảo An Bang để lấy không khí Tết. Ảnh: Trường Phong
“Đội đặc nhiệm” ở cực Nam quần đảo Trường Sa ảnh 8 Các chiến sĩ nghỉ giải lao với một quả bưởi để tiếp tục kéo xuồng vào đảo. Chuyến cuối năm nên nhiều hàng, phải 5 - 7 chuyến xuồng mới xong nhiệm vụ. Ảnh: Trường Phong
“Đội đặc nhiệm” ở cực Nam quần đảo Trường Sa ảnh 9 Những đôi chân trần trên đá san hô kéo xuồng vào đảo An Bang. Ảnh: Trường Phong
“Đội đặc nhiệm” ở cực Nam quần đảo Trường Sa ảnh 10 Nhiệm vụ của "đội đặc nhiệm" đảo An Bang vô cùng quan trọng khi là những người làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn hàng hóa ra đảo cho cán bộ, chiến sĩ đón Tết. Ảnh: Trường Phong
“Đội đặc nhiệm” ở cực Nam quần đảo Trường Sa ảnh 11 Những món quà Tết được các cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang vận chuyển an toàn lên đảo. Ảnh: Trường Phong
“Đội đặc nhiệm” ở cực Nam quần đảo Trường Sa ảnh 12 Theo Đại úy Đỗ Văn Vui, Phó Chỉ huy trưởng đảo An Bang, "đội đặc nhiệm" bắt dây kéo xuồng được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, người ra trước chỉ bảo, kèm cặp người ra sau, luôn sẵn sàng đảm bảo an toàn cho các đoàn công tác và hàng hóa ra đảo. Ảnh: Trường Phong
MỚI - NÓNG