Có một giống chó Trường Sa

Chiến sĩ Não Xuân Long chia tay chú chó Bin bên cầu cảng đảo Tiên Nữ Ảnh: Trường Phong.
Chiến sĩ Não Xuân Long chia tay chú chó Bin bên cầu cảng đảo Tiên Nữ Ảnh: Trường Phong.
TP - “Cuối năm, anh em kết thúc nhiệm vụ về lại đất liền là đàn chó chạy ra cầu cảng chia tay đấy. Ở Trường Sa, đảo nào cũng thế cả. Anh em quý mến, gắn bó với chúng cả thời gian dài mà. Các anh ra cầu cảng là biết ngay”, đại úy Tô Văn Thư, Chỉ huy trưởng đảo Tiên Nữ, nói.

Bầu bạn

Dịp cuối năm đến Trường Sa, thăm đảo nào cũng gặp cả đàn chó nằm ngay cầu cảng. Nhỏ, to có cả. Mùa này, thời tiết khắc nghiệt nhưng dường như lại vào mùa chó sinh sản. Tốc Tan, Núi Le, Tiên Nữ, Thuyền Chài... đảo nào cũng có hàng chục con chó. “Chúng hiền lắm”, trung úy Trịnh Bá Vĩnh, phụ trách xuồng CQ đảo Núi Le A, làm nhiệm vụ chăn nuôi chó trên đảo nói với phóng viên. Ðảo Núi Le A đang nuôi hơn chục con chó to, lại vừa có thêm 11 con chó con nữa. Anh Vĩnh bảo, mùa này thời tiết khắc nghiệt, chó con thường khó sống nên buổi tối phải quây kín nhà để tránh gió, tránh sóng. Anh em cán bộ, chiến sĩ ai cũng coi đàn chó như bạn, hết lòng chăm sóc. “Nhiều khi anh em chẳng biết tâm sự cùng ai, lại ra ngồi bầu bạn với đàn chó. Khi bãi cạn, cán bộ, chiến sĩ đi đánh bắt, huấn luyện thì chó cũng đi theo. Chúng cũng cảnh giác ban đêm cho chúng tôi canh gác, cảnh giác với người lạ, phát hiện các vật dụng trôi nổi trên biển. Chó rất thính nên thường phát hiện sớm”, anh Vĩnh nói thêm.

“Giờ chia tay em rất nhớ con Bin. Khi em đi gác nó cũng đi cùng. Thỉnh thoảng, có chuyện buồn, em lại ra ngồi cho Bin ăn. Giờ về đất liền, thấy nhớ nó lắm”.

Chiến sĩ Não Xuân Long, đảo Tiên Nữ

Ðàn chó khá nhiều lại ăn khỏe, nên anh em cán bộ, chiến sĩ thường xuyên phải tăng gia thêm. Anh Vĩnh kể, mỗi khi bãi cạn, anh em đi tăng gia, bắt cá dưới biển để nấu cháo cho chó. Nếu nuôi chó bằng cơm như ở đất liền thì không đủ gạo. Thế nên buổi sáng, anh em nấu một nồi cháo, vừa để nuôi gà, vừa nuôi chó luôn. Trên đảo, thỉnh thoảng anh em cũng tăng gia làm đậu phụ, ăn một phần và một phần nhường cho chó. Ăn cháo đậu phụ, cháo cá nên con chó nào cũng béo tốt, núc ních cả. “Ở đây anh em quý chó lắm. Dù tôi được phân công chăm sóc là chính, nhưng anh em vẫn thường xuyên cho ăn cho uống. Nhiều khi có chút sữa, anh em cũng nhường cho chó mới sinh con”, anh Vĩnh nói thêm.

Ði kiểm tra đàn chó, anh Vĩnh bảo, con già nhất đã hơn 4 tuổi. Người này về, người kia ra đảo bàn giao lại cho nhau, rồi nối tiếp nhau nuôi thêm. Có con mang ra từ Phú Quốc, có con mang ra từ vùng quê bình thường, rồi giữa các đảo lại lai tạo giống với nhau. Qua thời gian, gần như đã có một giống chó Trường Sa quen với nước mặn từ nhỏ.

Chia ly

Có chứng kiến cảnh cán bộ, chiến sĩ chia tay đàn chó ở Trường Sa trước khi về đất liền mới hiểu được tình cảm dành cho đàn chó lớn đến mức nào. “Cuối năm, anh em về đất liền là đàn chó chạy ra cầu cảng chia tay đấy. Ở Trường Sa đảo nào cũng thế cả. Anh em quý mến, gắn bó với chúng cả thời gian dài rồi mà. Các anh ra cầu cảng là biết ngay”, đại úy Tô Văn Thư, Chỉ huy trưởng đảo Tiên Nữ khoe với phóng viên Tiền Phong. Ðảo Tiên Nữ có lẽ là đảo đang nuôi nhiều chó nhất. Con nào con nấy chân to, mập mạp. Anh em phóng viên ra thăm đảo, cả đàn chó quấn lấy chân và có thể tạo dáng chụp ảnh chung. Nhiều người tinh ý bảo, chó ở đây chân to hơn so với chó ngoài đất liền vì thường xuyên bơi dưới biển.

Anh Thư bảo, đàn chó cũng được huấn luyện để phục vụ công tác tuần tra, canh gác trên đảo để đảm bảo công tác an toàn. “Chó gần như là một người gác nữa. Mỗi lần huấn luyện, anh em cũng dẫn theo chó để huấn luyện thêm”, anh Thư giới thiệu.

Ðơn giản như việc cho ăn, chỉ cần anh em gõ kẻng, cả đàn chó sẽ tập trung về một vị trí. Ðể chứng minh, anh Thư gõ kẻng. Ðàn chó từ bốn xung quanh đảo chạy về. Anh vội đếm, nhưng không thấy con Bin và con Ðen. Anh bảo, chắc “hai đứa” đang ở cầu cảng tiễn anh em về bờ. Quả thực, dù cầu cảng lố nhố người lạ, nhưng Bin đang đứng im cho chiến sĩ Não Xuân Long ôm ấp để chia tay. Long chia sẻ, nhà vốn rất yêu quý chó, nên khi ra đảo, Long chăm sóc và đặc biệt yêu quý Bin. “Giờ chia tay em rất nhớ nó. Khi em đi gác nó cũng đi cùng. Thỉnh thoảng, có chuyện buồn, em lại ra ngồi cho Bin ăn. Giờ về đất liền, thấy nhớ nó lắm”, Long chia sẻ. Thấy Long và đồng đội bước xuống xuồng rời đảo, Bin và Ðen lao xuống bậc thềm sát mép sóng, đứng im để các cán bộ, chiến sĩ xoa đầu, bắt tay, ôm ấp, vuốt ve. Xuồng dần chuyển đi, Bin sủa lên vài tiếng, rồi cứ nhìn mãi hướng ra xuồng...

MỚI - NÓNG