Sức mạnh phi thường
Người đàn ông được gọi là “gã khổng lồ” ấy tên là Nguyễn Văn Y (Rô Y, SN 1956, ngụ ấp Trường Trung A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ). Tuổi ông nay đã xấp xỉ lục tuần, lưng đã hơi chùng nhưng khi chúng tôi đo thử chiều cao của ông, con số trên thước dây vẫn thật đáng kinh ngạc: 2m14! Bàn chân ông to gấp rưỡi người thường, tay dài lêu nghêu, đầy cơ bắp…
“Hồi trẻ, sức của nó dữ lắm, gấp 3-4 lần người thường. Bởi vậy, nó làm mướn giáp cả xã này mà”, bà Lê Thị Thành, ngụ ấp Trường Đông, xã Tân Thới, nói. Dẫn chứng cho điều đó, ông Nguyễn Văn Hoá (86 tuổi, cha của ông Rô Y) kể, thời bao cấp, mua vải may quần áo phải có tem phiếu. Nhà ông đông người, có đến 10 suất. Nhưng hễ cần may quần áo cho ông Y thì 5 người khác trong nhà phải "nhịn" để nhường suất vải cho ông Y.
“2-3 người nhường cũng không đủ, mà phải đúng 5 người mới dư ra mà may đủ cho nó 1 bộ quần áo”, ông Hóa nói.
Gần trong xóm, những gia đình có Việt kiều hay gửi quần áo về, cứ bộ nào quá khổ thì lại đem tới cho ông Y.
Anh Nguyễn Thống Lĩnh - hàng xóm của ông Rô Y - kể, sức vóc phi thường nên ông Y hầu như bỏ cả tuổi xuân để đi làm mướn nuôi mẹ, nuôi em. Từ đốn cây, hái dừa, đắp đất, vác lúa… cứ việc gì nặng nhọc là người trong xã lại tới gọi ông Y. Rảnh thì ông vác chài đi rảo khắp các con kênh rạch, kiếm cá tôm về cho cha, mẹ.
Mỗi lần ra đường, con nít lại xúm quanh xem cái "ông khổng lồ". Ông chỉ cười hiền, ai hỏi gì trả lời nấy. Khổ nỗi, ông lại mắc bệnh ngờ nghệch, nói năng bình thường mà không biết tính toán gì cả nên gặp người xấu cứ bị gạt công. Có khi làm 2-3 ngày người ta chỉ trả tiền công 1 ngày, ông cũng bỏ túi. Mà tiền làm bao nhiêu, ông đem về đưa hết cho mẹ mua gạo ăn.
Cuộc sống khốn khó của “gã khổng lồ”
Ông Hóa cho biết, thực ra ông Rô Y không phải là con ruột ông. Hồi đó, vợ chồng ông sinh 3 người con nhưng đều không giữ được nên phải xin đứa con nuôi người ta bỏ tại bệnh viện, đó là ông Y. Sau khi xin ông Y về nuôi, vợ ông đẻ một lèo 8 người con nữa, nhưng hiện chỉ còn 6 người.
“Sau đó, tôi có tìm gặp được mẹ ruột của thằng Y. Bà ấy nói do hoàn cảnh khó khăn nên đi làm công cho 1 người lính Philippines rồi… sinh ra thằng Y. Hoàn cảnh khó khăn nên bà ấy đành bỏ con. Vậy là tui nuôi luôn”, ông Hóa kể.
“Bồng về, vợ chồng ông ra sức chăm sóc thằng bé kháu khỉnh, tay chân to lớn. Đến tuổi biết nói, ông Y cũng bập bẹ nói được, chỉ có đầu óc thì chẳng bình thường như bao đứa trẻ khác. Y ngờ nghệch nhưng chẳng bao giờ quậy phá ai. Nó là con nuôi mà có hiếu còn hơn con ruột. Giờ không đi làm mướn nữa, nó đi lang thang suốt, ai cho gạo, đồ ăn thì mang về. Nó bệnh tật, nhưng vẫn là “trụ cột” trong nhà. Lần đó, người ta thương cho cả bao gạo, cái chân nó yếu nhưng ráng vác về nhà, đi liêu xiêu giữa đường, chút nữa là bị xe đụng. Vậy mà ráng vác bao gạo về tới nhà cho ba”- Ông Hóa buồn rầu nói.
“Có bữa, nó đi tới 9-10 giờ tối không về. Không có điện thoại, nhà cũng không có xe, biết sao mà kiếm nó! Tới khuya nó mới về, bởi nó ráng đi miết để xem có ai cho cái gì cầm về cho cha và em” - ông Hóa giấu nỗi xúc động khi kể về người con trai nuôi to lớn, hiếu thảo.
Mấy ngày trước, có 1 người nói là ở chợ Phong Điền, 2 lần đến nài nỉ ông Hóa cho dẫn ông Y qua Đồng Tháp đứng bán vé số trước cổng khách sạn. Người này nói, bộ dạng của ông Y kỳ lạ, gây tò mò nên dễ kiếm tiền. Nhưng ông Hóa sợ con mình rơi vào tay những kẻ chăn dắt nên từ chối thẳng…
Bà Hồ Thị Phương, Chủ tịch UBND xã Tân Thới, cho biết: “Hoàn cảnh của gia đình ông Hóa đúng là rất khó khăn, nhưng ngoài tiền chế độ của ông Rô Y mỗi tháng 300.000đ, chúng tôi chỉ biết linh động ghép vào danh sách nhận quà vào các dịp lễ tết hoặc khi có đoàn hảo tâm đến thăm. Chứ quy định đã vậy, địa phương cũng không nguồn nào dôi dư để hỗ trợ thêm”.