Đọc thật dễ nhưng không dễ đọc

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mới đây, hồi cuối tháng 3 đầu tháng 4, khi trường học phát động phong trào hưởng ứng cuộc thi “Quyển sách tôi yêu” do Thư viện tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức, khá nhiều cô giáo đã phải thốt lên: Cả lớp mấy chục học sinh mà không kiếm ra được một em có thể dự thi. Lý do là vì hầu hết các em bây giờ chỉ xem Youtube, Tiktok, số ít có đọc nhưng là đọc truyện tranh.

Nhiều thế kỷ nay, sách là con đường lớn nhất để con người tiếp cận văn hóa và tri thức, thậm chí thông tin. Tuy nhiên cùng với sự phát triển như vũ bão cùng sự hấp dẫn của các phương tiện nghe nhìn như truyền hình, phim ảnh, mạng xã hội... việc đọc sách nhất là sách giấy càng ngày càng trở nên lép vế. Dù sách, kể cả loại in trên giấy hay sách điện tử đều rất nhiều. Đây là tình hình chung trên thế giới, không riêng gì Việt Nam nhưng hình như ở Việt Nam tình trạng đáng báo động hơn.

Đọc thật dễ nhưng không dễ đọc ảnh 1

Ngày Sách Việt Nam 2024 được tổ chức tại trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông, TP Hà Nội) với mong muốn trẻ em sớm yêu sách

Có thể nhận thấy ngay, hiện nay khắp nơi từ trong nhà, tới quán cà phê, công viên, nhà hàng, khách sạn, sân bay hay trên xe khách, phòng trà… người già, người trẻ đến các em bé chưa biết đọc cũng đều dán mắt vào điện thoại. Vài năm trở lại đây thì tivi, máy tính bàn, máy tính bảng cũng dần bị bỏ qua. Các quầy sách báo dần bị thay thế bằng các quán game, net, dịch vụ mua bán sửa chữa điện thoại. Các nhà sách chỉ đông khách đến mua đồ chơi và đồ dùng học tập. Các cuốn sách văn học phần lớn chỉ được xuất bản với số lượng trên dưới ngàn bản.

Trên toàn thế giới, liên tục các cảnh báo nghiêm trọng về sự lạm dụng các phương tiện công nghệ khiến cho con người trở nên lười tư duy, sáng tạo, kém phát triển cả về thể chất lẫn tâm hồn. Nhưng sự hấp dẫn của chiếc điện thoại chưa đầy 100 gr có thể thay thế cho cả một kho sách nặng hàng tấn, cồng kềnh vẫn khiến số lượng người sử dụng điện thoại thông minh ngày càng tăng trưởng nhanh.

Có thể thấy ngay chi phí mua sách, trưng bày, bảo quản, sắp đặt và ngay việc tìm kiếm một cuốn sách trong tủ sách gia đình hàng trăm cuốn hay trong thư viện truyền thống với hàng vạn, hàng triệu cuốn sách khó khăn, tốn kém, mất thời gian thế nào. Trong khi với sách điện tử thì chạm tay vào màn hình điện thoại qua các tiện ích tìm kiếm chỉ mất vài giây. Chưa kể tới việc xem phim, video với những hình ảnh đẹp, đa màu, sống động đương nhiên sẽ hấp dẫn hơn việc nhìn vào một trang giấy chỉ có hai màu đen trắng. Đó là lợi thế to lớn của Internet, và chúng ta chỉ có thể thay đổi để phù hợp với xu hướng mới đó.

Thời gian vừa qua ở nhiều địa phương chỉ tập trung quảng bá cho văn hoá đọc truyền thống tức là đọc sách giấy, mà lơ là bỏ qua, thậm chí phủ định sách điện tử (ebook) trong khi ebook kết hợp được tiện ích của công nghệ, nhanh chóng, thuận tiện, chi phí cũng hợp lý. Nếu có một “bộ lọc” tốt và không quá khó tính, bạn có thể dễ dàng chọn cho mình một cuốn ebook “chất” mà không phải mất công, tốn sức đi khắp các hội chợ, nhà sách hay lục tung các trang mạng online để đặt mua. Với một thiết bị điện tử nhỏ bé, bạn có thể mang theo cả kho sách bên mình mọi lúc mọi nơi thoải mái đọc bất cứ khi nào có wifi.

Đương nhiên ebook cũng có nhiều nhược điểm, khó tập trung đọc hết một cuốn sách, đặc biệt là các sách dày, nhiều tập, nhiều chữ khi các tin nhắn, đường link, hình ảnh quảng cáo liên tục xuất hiện làm phiền. Và nhược điểm lớn sâu xa nhất chính là sự loạn chuẩn về nguồn gốc, bản quyền tác giả sách. Do Internet là nơi ai cũng có thể đưa lên bất cứ điều gì.

Những thông tin không được kiểm chứng sẽ khiến người đọc dễ bị “hoa mắt” lạc lối. Sự dễ dãi có mặt trái của nó. Các tác phẩm trên mạng cũng vậy. Việc dễ dàng đọc, xem được các tác phẩm văn học nghệ thuật trên mạng dần sẽ làm thay đổi thị hiếu, trình độ của người đọc; lâu dài sẽ làm thay đổi cả tài năng và khuynh hướng sáng tác của người viết.

Khi mà công chúng chỉ thích những sản phẩm “mỳ ăn liền” dễ dãi, rẻ tiền thì đương nhiên người ta sẽ tập trung sản xuất mỳ ăn liền, bất kể các tác hại của nó. Khi mà độc giả chỉ thích đọc những thứ vô bổ, miễn phí ở trên mạng thì phần lớn các tác giả cũng ngả theo những lợi ích trước mắt để sản xuất ra những tác phẩm nhanh, rẻ, kém chất lượng.

Vấn nạn câu view, câu like, háo danh quá mức của nhiều người viết mang danh nhà văn, nhà thơ thời gian gần đây cũng gây ra nhiều chuyện bi hài. Các tác phẩm kém giá trị, những kiến thức, thông tin sai lệch, những bài lăng xê tô vẽ, quảng bá quá lời cho những tác giả, tác phẩm rất bình thường được đăng tràn lan trên những trang cá nhân nhưng lại lấy tên tập thể rất kêu khiến cho “bộ lọc” của người đọc phải làm việc khó nhọc hơn. Điều này cũng góp phần làm công chúng quay lưng lại với văn hóa đọc.

Muốn duy trì và phát triển văn hoá đọc, khắc phục những vấn nạn trên, thiết nghĩa cần có những biện pháp bền bỉ kiên trì theo cả bề rộng lẫn chiều sâu; từ việc kiểm soát chất lượng tác phẩm, có các chế tài hữu hiệu quản lý những thông tin, tác phẩm được đăng tải trên mạng, trả mức nhuận bút, thù lao xứng đáng cho các tác giả đến việc nâng cao khả năng tư duy, trình độ nhận thức của công chúng để họ có một bộ lọc tốt. Đó chính là những giải pháp khuyến đọc hữu hiệu nhất.

MỚI - NÓNG