Đọc “Giã từ” để từ giã sự ngây ngô

Đọc “Giã từ” để từ giã sự ngây ngô
TP - Cuốn tiểu thuyết hơn 400 trang không phải quá dài nhưng dung lượng thông tin nén trong đó rất nhiều.

> Nữ doanh nhân và cuộc 'lột xác' trong 'Giã từ'

Đó còn là xúc cảm - một thứ xúc cảm đầy suy xét, vượt xa cái cách thức “xây để chống” hay nói gần nói xa. Tác phẩm là sự trải nghiệm của một người sống sâu sắc đã “tích góp” lại để tặng cho người đọc. Đọc “Giã từ” chắc chắn người đọc nào còn “ngây thơ” đến mức ngây ngô sẽ phải giã từ nó.

“Giã từ” của Phạm Việt Long là một trong 51 cuốn tiểu thuyết đã lọt vào vòng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn. Cùng với cảm nhận, cuốn sách có tính khuynh hướng cao, thể hiện rõ quan điểm của nhà văn, có màu sắc lên án và chống lại một cách không khoan nhượng cái xấu, cái tiêu cực, vừa hấp dẫn, dễ đọc, nhiều người còn muốn gọi đây là một tiểu thuyết phóng sự, một mặt mạnh riêng của nhà văn Phạm Việt Long, nếu bạn đọc đã từng say mê cuốn “Bê trọc” của tác giả này.

Câu chuyện xảy ra ở một tập đoàn kinh tế - văn hóa liên doanh với nước ngoài, phản ánh những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, khi con người dễ bị biến sắc theo lợi ích vị kỷ và đồng tiền. Nhưng không phải chỉ là chuyện một liên doanh mà chuyện của cả một giai đoạn mở cửa. Giai đoạn chuyển tiếp, tranh chấp quyết liệt giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tốt đẹp, chân thiện và cái xấu xa, quỷ quyệt. Tất cả đầy căng thẳng. Từng nhân vật được tác giả dùng lối khơi sâu vào tâm hồn hoặc tâm địa.

Tác giả gây sự bất ngờ cho bạn đọc khi ông viết về các ngang tắt làm ăn, mánh khóe lợi dụng báo chí, cách tổ chức ra các chuyện lình xình để hạ uy tín đối thủ. Những câu chuyện này khiến cho người đọc nghĩ đến việc “chuyển thể” thành phim truyền hình dài tập, pha tính chất vụ án sẽ khá hút người xem. Đó là các kiểu luồn lọt, tạo dựng, gây chuyện đáng… lạnh người.

Một số câu chuyện có trong thực tế nhiều người biết đã được nhà văn tập hợp lại trong tác phẩm: chuyện vợ chồng nhạc sĩ ghi âm lén cuộc nói chuyện của một nhạc sĩ kiêm quan chức… Một học trò “bẫy thầy” nói ra những câu không nên nói để thành vụ “gạ đổi tình lấy điểm.”. Những chi tiết như kể trên làm cho cuốn sách sống động. Như những bài báo nóng hổi.

Đọc văn Phạm Việt Long thấy sự sắc sảo nhưng không hề gân guốc, thấy bộn bề đời sống nhưng vẫn có mạch nguồn mát lành để gợi về yêu tin. Được biết, gần 10 năm trước, nhà văn Phạm Việt Long đã bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ ngữ văn với đề tài về tục ngữ, ca dao”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG