Lễ hội rước người thượng thọ lên miếu Tiên Công được tổ chức bắt đầu từ mùng Bốn đến mùng Bảy tháng Giêng hằng năm tại miếu Tiên Công, vùng đảo Hà Nam, xã Cẩm La, TX. Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. |
Gia đình nào có cha mẹ thượng thọ độ tuổi từ 80 đến 100 hoặc hơn sẽ được con cháu trong gia đình trang trí kiệu rước, đồ theo nghi lễ truyền thống mừng thọ. |
Ở đây, những người có độ tuổi cao được kính trọng gọi là Cụ thượng. |
Đúng ngày mùng Bảy, các Cụ thượng dòng họ được con cháu tổ chức đoàn rước bằng võng đào về miếu Tiên Công lễ tổ. Công tác chuẩn bị lễ vật và các đồ nghi trượng, trang phục, nhạc lễ, kiệu võng đào được chuẩn bị từ nhiều tháng trước khi diễn ra lễ hội. |
Theo Ban tổ chức Lễ hội Tiên Công, năm nay có 203 cụ được rước lên miếu, trong đó có 4 cụ 100 tuổi, 64 cụ 90 tuổi và 135 cụ 80 tuổi. |
Nhiều dòng họ, gia đình có từ 3 đến 4 Cụ thượng trên 80 tuổi. Những dòng họ nào có càng nhiều Cụ thượng chứng tỏ dòng họ, gia đình đó có nhiều may mắn, phúc đức... |
Để tổ chức một lượt rước, nhiều dòng họ chi hẳn vài trăm triệu đồng để sắm lễ, trang trí kiệu hoa, võng đào sao cho nổi bật, bắt mắt. |
Con cháu càng đông, lễ vật dâng lên cũng càng phong phú. |
Các Cụ thượng hoan hỷ cùng con cháu trong ngày lễ trọng đại nhất vùng đảo Hà Nam, Quảng Yên. |
Lễ vật được dâng lên, các vị bô lão trong vùng sẽ báo cáo lên các vị Tiên Công về tên tuổi, dòng họ các cụ thượng được rước đến tham gia lễ hội. |
Từ sáng sớm, các nẻo đường trên đảo Hà Nam đã kẹt cứng người tham gia lễ hội. |
Đây được coi là lễ hội độc đáo mang nhiều nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Quảng Yên, nơi gắn liền với chiến thắng Bạch Đằng giang lẫy lừng. |
Lễ hội là ngày được người dân đảo Hà Nam mong chờ nhất trong năm. Đây là dịp để con cháu báo ơn với cha mẹ, người dân báo ơn với những người có công lập đảo từ xa xưa. |
Theo bia ký, gia phả ở miếu Tiên Công, khoảng từ năm 1434 đến 1500, có 17 vị Tiên Công quê ở phường Kim Hoa (nay là phường Kim Liên), huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, thành Thăng Long (nay là Hà Nội) cùng gia đình xuôi theo dòng sông Hồng ra cửa sông Bạch Đằng tìm kế mưu sinh. |
Lúc đầu tất cả sinh sống trên thuyền bằng nghề đánh bắt tôm cá, dãi chài. Vào một đêm khi lên trú ở một gò nổi của bãi triều, nghe thấy tiếng ếch nhái kêu, biết nơi này có nước ngọt, các vị Tiên Công đã cùng gia đình quyết định dừng lại khẩn đất đai, cải tạo thành ruộng lúa, lập làng. |
Ban đầu lập nên phường Bồng Lưu, sau đổi thành xã Phong Lưu gồm ba thôn: Phong Cốc, Cẩm La, Yên Đông. Để tưởng nhớ công ơn, nhân dân các xã ở đảo Hà Nam đã lập miếu để thờ và báo ơn vào dịp đầu năm. |