Cuộc họp giữa giới truyền thông và Hiệp hội các nhà Sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) diễn ra sôi nổi, do sự quan tâm của báo chí với giao thông nói chung và ngành công nghiệp ô tô là rất lớn.
Về phía VAMA ông Laurent Charpentier – Chủ tịch VAMA, Tổng giám đốc Ford Việt Nam và ông Gaurav Gupta – Phó chủ tịch VAMA, Tổng giám đốc GM Việt Nam. Cuộc họp nêu lên những ý kiến của VAMA về ảnh hưởng của phí và thuế tới doanh số 4 tháng đầu năm của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Theo đó, Trong tháng 4 vừa qua, VAMA có tổng doanh số 6.982 chiếc, trong đó 2.394 xe con và 4.588 xe tải. Tính kết quả kinh doanh của 4 tháng đầu năm, doanh số bán xe giảm tới 42%, trong đó xe con giảm 49% và xe tải giảm 36% so với cùng kì năm ngoái.
Với đà này, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ tiếp tục suy giảm, ảnh hưởng lớn tới các thành viên của VAMA cũng như những nhà nhập khẩu xe hơi.
Theo VAMA, nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm đáng báo động này là do chính sách tương lai gần của chính phủ, cụ thể là đề xuất phí hạn chế phương tiện cá nhân.
Việc đề xuất thu phí hạn chế phương tiện cá nhân khiến cho nhiều người không còn muốn sở hữu xe hơi nữa, bởi không thể chi trả mức phí quá cao này. Theo thông kê của VAMA, 52% số người được hỏi cho biết sẽ không mua xe hơi nữa, phân nửa số còn lại cho biết còn đang phân vân giữa nhu cầu sử dụng với mức phí quá cao này.
Theo VAMA, ảnh hưởng của phí và thuế tới ngành công nghiệp ô tô là quá lớn. Lệ phí trước bạ tại TPHCM là 15% và tại Hà Nội là 20%, khiến doanh số xe tụt giảm nghiêm trọng, giờ đây nếu thu thêm phí hạn chế phương tiện cá nhân, thật khó để biết ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ đi về nơi đâu.
Không bán được, xe cùng linh kiện ứ đọng, ảnh hưởng mạnh tới tình hình tài chính của doanh nghiệp. Đi kèm đó là cắt giảm sản xuất, cắt giảm nhân công ồ ạt.
Doanh số 4 tháng đầu năm 2012 giảm 21311 xe so với cùng kì năm 2011. Điều đó có nghĩa nếu tính giá trung bình 500 triệu đồng 1 chiếc xe hơi, việc thu thuế vào ngân sách nhà nước đã bị giảm đi khoảng 6.000 tỉ đồng (bao gồm tất cả các loại thuế và phí đánh lên xe hơi).
Giả sử phí hạn chế phương tiện cá nhân được thu với mức 20 triệu đồng 1 năm, với lượng xe chịu tác động của phí trên cả nước là 612.691 chiếc, thì trong 4 tháng đầu năm, ngân sách nhà nước thu được khoảng 4.000 tỉ đồng. Con số này ít hơn con số nhà nước sẽ thu được nếu đề xuất thu phí không được đưa ra, và các doanh nghiệp ô tô làm ăn tốt do không phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đề xuất thu phí. Chưa kể, nhiều tỉ đồng sẽ phải chi cho một bộ phận quản lý và thu phí hạn chế phương tiện cá nhân.
Phí hạn chế phương tiện cá nhân chắc chắn không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn tới sự tụt giảm thê thảm của doanh số bán xe hơi 4 tháng đầu năm 2012. Trong đó còn có cả lệ phí trước bạ tăng đáng kể, cùng với khó khăn chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, chắc chắn ảnh hưởng của phí hạn chế phương tiện cá nhân là không hề nhỏ, nó ảnh hưởng tâm lý rất lớn tới những người có nhu cầu mua xe hơi, bởi mức phí đề xuất là quá lớn.
VAMA cũng có những bước đi cho mình, với kiến nghị Chính phủ hủy bỏ đề án thu phí hạn chế phương tiện cá nhân, đi kèm đó là giảm thuế trước bạ về một mức phí chung cho cả nước (5%).
Hi vọng những cơ quan liên quan có thể đưa ra cách xử lý tốt nhất cho việc ùn tắc giao thông, thay vì việc thu phí hạn chế phương tiện cá nhân, làm ảnh hưởng tới ngành công nghiệp ô tô nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.