Doanh nhân ở nghị trường

Ðại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng), Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trần Liên Hưng phản ánh nghịch cảnh chục kg hành tím không mua nổi bát phở Ảnh: Như Ý.
Ðại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng), Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trần Liên Hưng phản ánh nghịch cảnh chục kg hành tím không mua nổi bát phở Ảnh: Như Ý.
TP - Với gần 40 doanh nhân, Quốc hội khoá XIII là khoá có số lượng doanh nhân tham gia nghị trường đông nhất từ trước đến nay. Dù rằng, “thể nghiệm” trên chưa hẳn đã hoàn hảo, song các doanh nhân đã tạo những làn gió mới trong hoạt động giám sát, lập pháp của Quốc hội.

Từ củ hành, mớ rau

Còn nhớ, những tháng đầu năm 2015, sản xuất nông nghiệp trong nước lâm vào cảnh vô cùng, khó khăn. Trên những cánh đồng, thửa ruộng, người nông dân “khóc ròng” trước nghịch cảnh được mùa, mất giá. Các sản phẩm mà họ đã “một nắng hai sương” làm ra như dưa hấu, hành tím chất đồng, chất đống, bán chẳng ai mua. Nhiều đơn vị, nhiều tổ chức đoàn thể, cá nhân trong nước phải mở những cuộc vận động “mua dưa ủng hộ nông dân miền Trung”…

Không đứng ngoài cuộc, nghịch lý trên đã nhanh chóng được các đại biểu (ÐB) là doanh nhân phản ánh tới nghị trường, kèm theo yêu cầu Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành có giải pháp quyết liệt để giải quyết nghịch cảnh “được mùa, mất giá” vốn đã tồn tại bao nhiều năm qua. “Quê tôi ở Sóc Trăng, nơi có cây hành tím nổi tiếng cả nước. Một tháng trước kỳ họp Quốc hội, có bác nông dân gọi điện cho tôi nói rằng: “Ông Tâm ơi ông vừa là đại biểu Quốc hội, vừa là doanh nhân, ông chỉ cho tôi biết chỗ bán hàng được không, chứ làm ra chục ký hành tím không đổi được bát phở thì cay mắt lắm”, ÐB Trần Khắc Tâm (Ðoàn Sóc Trăng), Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trần Liên Hưng lên tiếng trong phiên thảo luận tại Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2015.

Ông Tâm đề nghị Quốc hội và Chính phủ và các cơ quan chức năng của Chính phủ, tới đây cần tổ chức các cuộc hội thảo, thảo luận chuyên đề về tình hình sản xuất nông nghiệp để có giải pháp căn cơ, chấm dứt câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” này. “Ðã đến lúc Quốc hội cần phải trả “món nợ” lâu ngày đối với nông nghiệp”, ông Tâm kiến nghị.

Doanh nhân ở nghị trường ảnh 1

ÐB Nguyễn Ngọc Hòa.

Trước đó, ÐB Quốc hội Nguyễn Ngọc Hòa, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM cũng nêu ra câu chuyện về “giải cứu” dưa hấu ở miền Trung để phản ánh về sự thiếu hướng dẫn, quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp. Vị doanh nhân trên cũng đề nghị Bộ NN&PTNT phải quy hoạch cụ thể hoạt động sản xuất nông nghiệp như: trồng cây gì, diện tích bao nhiêu, sản lượng tương ứng là chừng nào là phù hợp… Ông Hoà cũng đề nghị Bộ Công thương phải quy hoạch thị trường tiêu thụ cho nông sản,  bao nhiêu tiêu thụ trong nước, bao nhiêu xuất khẩu…. “Có như thế mới chấm dứt được tình cảnh “được mùa mất giá” vốn năm nào cũng diễn ra”, ông Hoà nói.

Tới nỗi lo phát triển kinh tế biển đảo

Không chỉ là là những vấn đề kinh tế, dân sinh, câu chuyện bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo cũng là vấn đề được các doanh nhân đem đến nghị trường. Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, trước nghị trường, ÐB Ðỗ Văn Vẻ (Ðoàn Thái Bình), Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen đã thể hiện tình yêu tha thiết với biển đảo: "Biển đảo là nguồn tài nguyên phong phú và vô tận, ngàn đời nay ông, cha ta đã gìn giữ và phát triển. Ðặc biệt là quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Nếu ai đã từng đi thăm đảo Trường Sa đều có chung cảm nhận sâu sắc và thiêng liêng, về hình ảnh những người chiến sĩ đảo kiên cường, dũng cảm hy sinh, đang ngày đêm canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc”,

“Chúng ta phải tổ chức nhiều hơn nữa cho cán bộ, nhân dân, Quốc hội đi thăm Trường Sa, nhằm tăng cường hiểu biết và trách nhiệm với Trường Sa để Trường Sa mãi mãi không xa đâu”.

Ông Ðỗ Văn Vẻ nói

Từ tình yêu cháy bỏng đó, vị doanh nhân đề nghị Quốc hội tiếp tục có chính sách đặc biệt quan tâm đền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa để các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh và thành phố, các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà khoa học tích cực tham gia nghiên cứu, đầu tư phát triển hai quần đảo này, vừa ý nghĩa phát triển kinh tế, vừa ý nghĩa bảo vệ an ninh, quốc phòng. 

“Chúng ta phải tổ chức nhiều hơn nữa cho cán bộ, nhân dân, Quốc hội đi thăm Trường Sa, nhằm tăng cường hiểu biết và trách nhiệm với Trường Sa để Trường Sa mãi mãi không xa đâu”, ông Ðỗ Văn Vẻ nói.

Doanh nhân ở nghị trường ảnh 2

 Ông Ðỗ Văn Vẻ.

Cùng tình yêu đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn Thái Bình Dương Phan Văn Quý (ÐB Quốc hội tỉnh Nghệ An), trước nghị trường cũng bày tỏ sự trăn trở làm sao để kinh tế biển đảo, phát triển. Theo ông Quý, Nghị quyết của Ðảng về chiến lược biển Việt Nam đã xác định, đến năm 2020 phấn đấu đưa nước ta thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu về biển. Tuy nhiên theo đánh giá của một số chuyên gia, năng lực khai thác biển của Việt Nam chỉ bằng 1/7 so với Hàn Quốc, 1/94 so với Nhật Bản, trong khi Việt Nam có nhiều thuận lợi trong việc phát triển kinh tế biển.

Ông Quý cho rằng, nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên là do phát triển kinh tế biển trong thời gian qua bộc lộ một số mặt yếu kém, thiếu chiến lược phát triển tổng thể và liên kết chặt chẽ giữa các vùng, các ngành kinh tế, an ninh, quốc phòng. Ðặc biệt một vài doanh nghiệp được giao làm nhiệm vụ khai thác kinh tế biển đã bộc lộ nhiều yếu kém, dẫn đến thất thoát tài sản của Nhà nước, giảm năng lực cạnh tranh. Ông Quý đề nghị cần có cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý biển. Ðồng thời tiến hành liên doanh với các tập đoàn nước ngoài để tận dụng nguồn lực và công nghệ tiên tiến và hiện đại.

Doanh nhân ở nghị trường ảnh 3

ÐBQH Phan Văn Quý.

Và đến những chuyện sát sườn

Luật Doanh nghiệp 2005 sau khi ra đời  đã tạo ra một động lực rất lớn để hình thành nên một đội ngũ doanh nghiệp tư nhân trẻ, năng động, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, sau nhiều năm, với sự phát triển mạnh của thị trường, của quá trình hội nhập, nhiều quy định trong Luật doanh nghiệp không còn phù hợp. Các thủ tục và giấy phép con, cháu, chắt là lực cản lớn cho sự năng động, tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Vì thế tại nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, các đại biểu là doanh nhân đã có những ý kiến tâm huyết, xác đáng để thúc đẩy Ban soạn thảo Dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi các quy định đang bị coi là lực cản đối với sự phát triển của nền kinh tế. Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, trong quá trình xây dựng Dự thảo hai luật trên, các doanh nhân là ÐB Quốc hội rất tích cực tham gia. Bởi những luật đó liên quan trực tiếp đến tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ. Nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng của họ đã được Ban soạn thảo lắng nghe và tiếp thu. 

Cuối cùng Quốc hội đã thông qua hai Luật trên với rất nhiều quy định tiến bộ như: bỏ nội dung ngành, nghề kinh doanh; bỏ việc xác định vốn pháp định và chứng chỉ hành nghề. Ðiều này đã hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm theo quy định tại Hiến pháp 2013. Tương tự Luật Ðầu tư sửa đổi được Quốc hội thông qua cũng đã sửa đổi các quy định để bảo đảm thực hiện nguyên tắc Hiến định về quyền tự do đầu tư kinh doanh của công dân trong các ngành, nghề mà Luật không cấm thông qua các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư và đầu tư kinh doanh có điều kiện. 

MỚI - NÓNG
Địa ốc 24H: Chủ dự án sân golf bị phạt; vì sao hàng nghìn căn hộ chưa được cấp sổ?
Địa ốc 24H: Chủ dự án sân golf bị phạt; vì sao hàng nghìn căn hộ chưa được cấp sổ?
TPO - Hà Nội lên tiếng hàng nghìn căn hộ sai phạm của 'đại gia điếu cày' chưa được cấp sổ; Bình Thuận chấp thuận đầu tư dự án bất động sản hơn 12.000 tỷ; Cưỡng chế thu hồi đất thực hiện dự án Công viên Phùng Khoang; Chủ dự án sân golf Việt Yên bị phạt;… là những thông tin nổi bật của Bản tin Địa ốc 24H ngày 13/12.