Bầu cử Quốc hội khóa 14:

Doanh nhân cần 'chỗ đứng' trong cơ quan lập pháp

Ông Đinh Huy Chiến, ĐBQH khóa 13, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Ảnh: Như Ý.
Ông Đinh Huy Chiến, ĐBQH khóa 13, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Ảnh: Như Ý.
TP - Nhiều doanh nhân cho rằng, số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) dự kiến cơ cấu cho đội ngũ doanh nghiệp, hiệp hội chỉ 10 người là quá ít và chưa tương xứng. Cần xem xét cơ cấu với số lượng đại biểu hợp lý, nhất là trong bối cảnh kinh tế hội nhập và kinh tế tư nhân được xem là “động lực quan trọng” phát triển kinh tế đất nước.

Chưa tương xứng

Doanh nhân Đinh Huy Chiến, ĐBQH tỉnh Thái Nguyên khóa 13 cho rằng: Đảng, Nhà nước đã xác định kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng” để phát triển kinh tế đất nước. Do vậy, cần dành cơ cấu ĐBQH là doanh nhân, đặc biệt là thành phần kinh tế tư nhân với một số lượng hợp lý. Cơ cấu 10 người là quá ít, chưa tương xứng.

Theo ông Chiến, không ai hiểu môi trường kinh doanh, kinh tế thị trường bằng người trong cuộc là doanh nhân. Vì thế, bằng hiểu biết, trí tuệ của mình, tiếng nói của doanh nhân sẽ có những đóng góp sát thực hơn vào việc hoạch định, xây dựng cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế. Do vậy, cần phải tăng cơ cấu số lượng đại biểu cho khối này, chứ không phải 10 người.

Ông Chiến cho rằng, ở các tỉnh, những người như giám đốc sở, người đứng đầu các cơ quan, đoàn thể của tỉnh không nhất thiết cơ cấu là ĐBQH kiêm nhiệm, vì họ cần hoàn thành nhiệm vụ của mình tốt đã. “Nếu được, không chỉ cơ cấu 10 người, mà mỗi tỉnh cần cơ cấu một đại biểu là doanh nhân, như vậy sẽ lên tới 63 người, tăng tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó kinh tế tư nhân”, ông Chiến đề xuất.

Tuy nhiên, ông Chiến cho rằng, dù số lượng bao nhiêu, nhưng cử tri phải chọn đúng người có tâm, trí tuệ, được người dân, doanh nghiệp tín nhiệm đại diện cho mình. Mặt khác, doanh nhân được bầu phải là người có trách nhiệm, và dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động của một ĐBQH, chứ không phải là “đánh trống ghi tên”.

“Nếu ông vào ĐBQH không đủ trí tuệ, hiểu biết thì không đóng góp được gì. Người không cống hiến, đóng góp nhiều cho hoạt động Quốc hội thì cũng không nên bầu”, ông Chiến nói.

“Chúng tôi mong có nhiều đại biểu là doanh nhân, là những người điều hành sản xuất có mặt trong cơ quan lập pháp. Đó là con đường ngắn nhất để cơ quan lập pháp hiểu đúng các điều kiện cần trong vấn đề hoạch định chính sách lĩnh vực này”.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Theo doanh nhân Đỗ Văn Vẻ, ĐBQH tỉnh Thái Bình, trước đây, khi chưa xác định kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng”, GDP của khối này đã chiếm khoảng 50% GDP của cả nước. Số đại biểu doanh nhân lên tới 38 người. Nay, khi xác định họ là “động lực quan trọng”, những đóng góp của họ chắc chắn nhiều hơn nữa, nên cơ cấu cho khối này chỉ 10 đại biểu là chưa tương xứng.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong số 700 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập, hoạt động, đang tạo một động lực rất lớn phát triển kinh tế của đất nước, giải quyết công ăn việc làm, các vấn đề xã hội. “Chúng tôi mong có nhiều đại biểu là doanh nhân, là những người điều hành sản xuất có mặt trong cơ quan lập pháp. Những ý kiến của họ sẽ sát sao và xác đáng… Đó là con đường ngắn nhất để cơ quan lập pháp, hiểu đúng các điều kiện cần trong vấn đề hoạch định chính sách lĩnh vực này”, ông Phòng nói.

Nên tăng đại biểu từ các hiệp hội

Tuy nhiên, từ góc nhìn của chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch, ĐBQH TPHCM cho rằng: “Kinh nghiệm thực tiễn ở Quốc hội khoá 13, khi xây dựng các chính sách bảo vệ, tạo cơ hội cho doanh nghiệp, tôi thấy không phải đa số từ ý kiến đại biểu doanh nhân, mà từ đại biểu ngoài doanh nhân, chẳng hạn như tôi. Do vậy, bảo là đông đại biểu để bảo vệ doanh nghiệp nhiều hơn là chưa hẳn”.

Theo TS Lịch, nên tăng thêm đại biểu đại diện cho các hiệp hội ngành hàng, như Liên minh Hợp tác xã, Hội Bảo vệ người tiêu dùng… vì khi lấy ý kiến tác động về chính sách, thông tin các hiệp hội rất quan trọng. Ông Lịch cho hay: “Có một số đại biểu là doanh nghiệp, nhưng họ không đại diện cho hiệp hội, tôi chưa thấy họ nói tiếng nói của các hiệp hội”.

Vị chuyên gia kinh tế này cho rằng, số đại biểu là doanh nhân chỉ nên lấy tượng trưng, là các doanh nghiệp Việt Nam thành đạt, xem họ như một tấm gương. “Nếu theo hướng đó, chúng ta không thể nói 38 người là nhiều, mà 10 người là ít… Mục tiêu cuối cùng là chính sách phản ánh được môi trường, điều kiện hoạt động tốt nhất cho doanh nghiệp”, ông Lịch nói.

Việc có 2 đại biểu doanh nhân bị bãi miễn tư cách ĐBQH, TS Lịch cho rằng, trách nhiệm một phần từ cử tri. “Khi cử tri bỏ phiếu cho doanh nhân nào đó, cũng phải cẩn thận, tìm hiểu, làm sao đó phải là doanh nhân làm ăn thành đạt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Để có được 38 đại biểu doanh  nhân trong khóa 13, có nhiều doanh nhân ứng cử bị rớt. Do vậy, chất lượng đại biểu thế nào còn là trách nhiệm cử tri”, TS Lịch nói.

Từ góc nhìn của doanh nhân, ĐBQH Đinh Huy Chiến cho rằng, là doanh nhân, không ai chắc nay thành công, mai sẽ không thất bại. “Việc hai doanh nhân bị bãi miễn tư cách ĐBQH là những rủi ro, là điều không ai mong muốn”, ông Chiến nói.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ cho rằng, trong 500 ĐBQH, gồm nhiều thành phần, có đại biểu tích cực và chưa tích cực, thậm chí có người rất ít tham gia đóng góp, thảo luận, tranh luận trong Quốc hội, kể cả đại biểu chuyên trách. Trong số 38 người đại diện doanh nghiệp, nhiều người rất trách nhiệm, tâm huyết đóng góp ý kiến, tham gia tích cực thảo luận, chất vấn, giám sát, tiếp xúc cử tri…

“Không thể vì 2 đại biểu bị miễn tư cách ĐBQH, mà nhìn nhận thiếu tích cực về đội ngũ doanh nhân”, ông Vẻ nói.

MỚI - NÓNG