Ngày 31/10, tại TPHCM diễn ra “Diễn đàn hợp tác và phát triển ngành Halal trong khối ASEAN”, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TPHCM - cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động như hiện nay, việc đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, khai mở các thị trường mới, còn nhiều dư địa, được coi là chìa khóa vàng để đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan tham quan các sản phẩm của doanh nghiệp Việt muốn xuất khẩu vào Halal. |
Theo ông Hoan, thị trường Halal (sản phẩm dành cho các quốc gia hồi giáo) toàn cầu là một trong những thị trường có tiềm năng rất lớn xét về quy mô và mức tăng dân số, mức chi tiêu và sự đa dạng về lĩnh vực cũng như triển vọng tăng trưởng ngày càng tăng của trong tương lai. Hiện nay, hơn 2 tỷ người hồi giáo sinh sống tại 112 quốc gia, trong đó có 57 quốc gia là thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), chiếm 25% dân số thế giới.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM - nhìn nhận, Việt Nam gần những thị trường Halal lớn với khoảng 62% dân số hồi giáo tập trung tại châu Á; còn tại Đông Nam Á, Indonesia là quốc gia hồi giáo đông dân nhất thế giới, là một thị trường tiềm năng với DN Việt.
“Mặc dù thị trường Halal rộng lớn, hứa hẹn tạo cơ hội cho DN thực phẩm tăng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, thực tế xuất khẩu thực phẩm của các DN vào thị trường này mới chỉ là bước đầu khai phá” - bà Chi nói.
Dây chuyền sản xuất của Công ty CP Thực phẩm Econuti đáp ứng đủ các tiêu chuẩn xuất khẩu. |
Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là nông, thủy sản nhưng ở dạng thô, sơ chế và chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu. Năng lực xuất khẩu và thương hiệu ở top 20 thế giới nhưng Việt Nam chưa có tên trong danh sách 20 - 30 nước cung cấp thực phẩm Halal tiêu biểu của toàn cầu.
DN muốn được chứng nhận Halal phải có đủ thông tin và kiến thức đâu là sản phẩm được phép và không được phép theo Luật Hồi giáo. Các sản phẩm Halal và không Halal không thể được sản xuất trong cùng một dây chuyền.
Tại diễn đàn, các DN muốn xuất khẩu vào Halal cho rằng, không dễ để được cấp giấy chứng nhận Halal. Tại Việt Nam chưa có cơ quan nhà nước hướng dẫn và cấp chứng nhận về tiêu chuẩn Halal, thay vào đó là một số tổ chức tư nhân cấp chứng nhận này khiến DN khó tiếp cận và phát sinh chi phí lớn; từ đó làm giảm tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt mong muốn khai phá thêm nhiều thị trường tiềm năng của Halal. |
Bên cạnh đó, giấy chứng nhận Halal lại không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận như nhau ở tất cả các quốc gia với tất cả mặt hàng. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho DN phải tái chứng nhận nhiều lần và phải căn cứ vào từng thị trường xuất khẩu để đăng ký chứng nhận phù hợp.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, TPHCM đang triển khai các hoạt động nhằm định hướng phát triển ngành công nghiệp Halal gắn với sản xuất - tiêu dùng xanh, xuất khẩu bền vững. Bên cạnh đó, thành phố còn tập trung các chính sách để phát triển ngành công nghiệp Halal, nhất là lĩnh vực thực phẩm và các ngành phụ trợ, hậu cần như logistics, kho bãi… Hiện nay, TPHCM đã có thêm nhiều các tổ hợp dịch vụ đạt chuẩn Halal phục vụ cho cộng đồng người hồi giáo, số lượng DN đạt tiêu chuẩn xuất khẩu Halal ngày càng tăng cả về chất lượng lẫn số lượng.