Theo Tổng Cục Thuế (Bộ Tài chính), cả nước có khoảng 530.000 DN đang hoạt động, trong đó tới 97% là DN nhỏ và vừa. Còn theo phân loại của ngành thuế (dựa vào doanh thu), tới 42 % số DN dưới mức doanh thu 1 tỷ đồng/năm.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam cho biết, DN nhỏ và vừa đang thực hiện theo chế độ kế toán Quyết định 48 của Bộ Tài chính. Dù đã có cắt giảm, đơn giản hơn nhưng với các DN nhỏ và siêu nhỏ ở nước ta, thủ tục còn phức tạp, tính thực tiễn thấp.
Theo bà Cúc, trong một DN gia đình, kiểu chồng giám đốc, vợ kế toán, con thủ quỹ, họ chỉ cần một báo cáo để tính thuế. “Trong khi, quy định hiện hành yêu cầu DN siêu nhỏ phải báo cáo tài chính, các loại sổ sách cũng phải rất đầy đủ, quá phức tạp. Khi không làm được, DN phải thuê ngoài. Nếu thuê chỗ có chứng chỉ thì quá đắt, còn chỗ không có chứng chỉ hành nghề có thể dẫn đến rủi ro cho DN”- bà Cúc nói.
Bà Cúc cũng cho biết, hiện nay số DN khai qua các đại lý thuế rất hạn chế. “Dù các lãnh đạo của Bộ Tài chính muốn phát triển đại lý thuế, nhưng cán bộ ở dưới chưa muốn qua đại lý, mà muốn làm trực tiếp với doanh nghiệp”- bà Cúc nói. Theo phản ánh của các DN, có hiện tượng cán bộ thuế hướng dẫn cho DN trốn thuế, DN bắt tay cán bộ thuế làm không đúng các quy định, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), các quy định về chế độ thuế và kế toán chưa phù hợp, bất cập với DN nhỏ và siêu nhỏ, khiến DN không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm, làm dối. Điều này tạo rủi ro cho DN, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh.