Sản xuất nước đá cây theo dây chuyền khép kín tại DNTN Ba Lân . |
Thay đổi cách lắp đặt thiết bị chiếu sáng
Công ty TNHH một thành viên may Hồng Đào (ấp Thuận An, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang) có khoảng 100 công nhân. Lượng điện tiêu thụ của công ty tập trung chủ yếu ở hệ thống dây chuyền sản xuất với 60 máy, gồm máy may, máy vắt sổ, máy đóng nút, làm khuy… và chiếu sáng.
Trước đây do hệ thống chiếu sáng được lắp đặt phía trên trần nhà quá cao và vận hành đóng, mở cùng một lúc nên khi một số bộ phận tạm ngưng hoạt động thì hệ thống điện chiếu sáng vẫn sáng bừng, gây lãng phí lớn.
Đầu năm 2012, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Trà Vinh), công ty Hồng Đào tiến hành bố trí, lắp đặt lại hệ thống bóng đèn chiếu sáng.
Theo đó, để chủ động chiếu sáng và tắt điện từng vị trí công nhân, công ty tiến hành gắn trực tiếp đèn chiếu sáng vào từng máy. Đối với đèn chiếu sáng tập trung được thay thế bằng đèn đơn và điều chỉnh ở độ cao phù hợp. Cùng với đó là sắp xếp công nhân ở dây chuyền may theo dãy đôi, song song với dãy đèn phía trên.
Bên cạnh đó, công ty còn tận dụng ánh sáng trời thông qua hệ thống cửa số rộng, có gắn lưới bảo vệ. Hệ thống cửa lớn xung quanh được nới rộng hơn nhằm tiếp nhận tối đa lượng ánh sáng ngoài trời ngay cả trong thời điểm trời mưa.
Ông Trần Văn Thọ - Phó giám đốc điều hành của công ty Hồng Đào cho biết, Trước đây, chi phí sử dụng điện của công ty khoảng 3,4 – 3,6 triệu đồng/tháng. Từ khi được đơn vị thay đổi lại cách bố trí hệ thống chiếu sáng cộng với việc lắp đặt các bóng đèn một cách khoa học hơn, lượng ánh sáng vẫn đảm bảo cho hoạt động sản xuất nhưng giảm được đáng kể lượng điện tiêu hao.
Cụ thể, tiền sử dụng điện hàng tháng tại công ty giảm từ 1,5 - 2 triệu đồng, mức giảm khoảng gần 30% so với trước.
Tận dụng nguồn ánh sáng trời để tăng độ sáng cho công nhân làm việc tại xưởng may Hồng Đào . |
Đổi mới công nghệ, thời trang vận hành
Là đơn vị chuyên sản xuất nước đá cây cung cấp cho ngành thủy sản (tàu cá đi biển, ướp tôm, cá…), DNTN Ba Lân (Long Bình, phường 4, thành phố Trà Vinh) có mức tiêu thụ điện từ 56.000 - 57.000kWh/tháng. Theo tính toán của DNTN Ba Lân, lượng điện chiếm trên 40% giá thành sản phẩm.
Để giảm giá thành trong sản phẩm, những năm qua doanh nghiệp này đã mạnh dạn đầu tư đổi với dây chuyền công nghệ sản xuất nước đá cây với hệ thống lọc đủ điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) phục vụ ướp thủy sản. Cùng với đó, việc vận hành sản xuất được tính toán phù hợp với công suất thiết kế, tránh giờ cao điểm…đã làm cho giá thành giảm, đủ sức cạnh tranh với các cơ sở khác trong tỉnh.
Chủ DNTN Ba Lân cho biết, trước đây, khi sản xuất một cây nước đá (50kg) tiêu tốn khoảng 7kWh điện và thời gian chạy để đông đá là 24 giờ. Sau khi thay đổi công nghệ, thời gian điông đá giảm còn 18 giờ và tiêu hao lượng điện chỉ khoảng 5kWh/cây nước đá. Để đạt hiệu quả trên, theo chủ DNTN Ba Lân, các doanh nghiệp muốn tồn tại thì buộc phải áp dụng công nghệ mới, giảm tiêu hao năng lượng và tăng sản lượng.
Hiện nay cơ sở này đã mở rộng thêm 2 hầm đông đá, với công suất khoảng 100 cây đá/hầm. Toàn bộ dây chuyền được khép kín từ lúc đưa nước vào khuôn, vận chuyển xuống hầm đông đá và lấy đá cây ra. Toàn bộ nước đá đều được xử lý qua qua dây chuyền lọc RO, công suất 06m3/h. Với việc đầu tư hệ thống lọc nước RO trên 0,5 tỷ đồng, cơ sở đã đáp ứng nguồn nước đá sạch để cung cấp trong lĩnh vực thủy sản đang được đòi hỏi nghiêm ngặt về ATVSTP.